THẤU HIỂU NHỮNG ÁP LỰC CỦA CHA MẸ KHI NUÔI DẠY CON

177 phút đọc /
Phác đồ công cụ hỗ trợ lâm sàng

Yếu tố tác động nhiều nhất đến cha mẹ khi có con là áp lực từ thế giới xung quanh và cả những áp lực mà họ tự đặt lên bản thân

HƯỚNG DẪN NUÔI DẠY CON CÁI - CHƯƠNG 4

Thấu hiểu những áp lực của cha mẹ khi nuôi dạy con 

Yếu tố tác động nhiều nhất đến cha mẹ là mức độ áp lực họ phải trải qua – bao gồm những áp lực từ xung quanh và cả những áp lực mà họ tự đặt lên bản thân. Việc giảm áp lực có thể khiến quá trình làm cha mẹ dễ dàng hơn. Mặc dù thế, ở tất cả quốc gia được khảo sát, cha mẹ luôn cảm thấy áp lực ở một mức độ nào đó.

Bất kể quốc gia xếp thứ hạng nào trong Hướng dẫn nuôi dạy con cái (The Parenting Index) thì áp lực là điều mà tất cả cha mẹ đều trải qua, dù ít hay nhiều và việc đó rất khó kiểm soát. Cha mẹ dễ bị tác động theo nhiều cách và có thể khiến quá trình nuôi dạy con trở nên gian nan, thậm chí kiệt quệ về mặt cảm xúc.

Ý kiến từ mọi người xung quanh

Trước đây, mọi người thường quan niệm rằng cần sự chung tay của cả tập thể để nuôi dạy một đứa trẻ, nhưng ngày nay, ý kiến từ nhiều người xung quanh khiến những người mới làm cha mẹ cảm thấy choáng ngợp và căng thẳng. Mặc dù bạn bè và gia đình là nguồn hỗ trợ mạnh mẽ, song cha mẹ có thể cảm thấy bị gò bó bởi một loạt các ý kiến ​​về cách nuôi dạy con của họ. Bên cạnh đó còn có những người thuộc các mối quan hệ khác như đồng nghiệp hoặc những người hoàn toàn xa lạ, họ sẵn sàng đưa lời khuyên dù đó không chắc là điều mà cha mẹ của trẻ mong muốn.

Không quá ngạc nhiên khi việc nuôi dạy trẻ trở thành một mối liên kết cộng đồng. Nói đơn giản, trẻ em đại diện cho tương lai và đưa ra lời khuyên là một cách định hướng giúp cha mẹ vượt những vấn đề khó khăn hàng ngày. Lời khuyên được đưa ra với mong muốn trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn, rộng ra là phát triển cộng đồng tương lai, một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong thời kỳ khủng hoảng và giai đoạn bất ổn xã hội. Cốt lõi của lời khuyên là bản năng quan tâm lẫn nhau. Đây có thể là một sự chào đón, sẻ chia với cha mẹ trẻ mới bắt đầu quá trình nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, lời khuyên cũng có thể mang lại tác dụng ngược trong nhiều tình huống.

Nói một cách ẩn dụ, làm cha mẹ là một cuộc hành trình và như bất kỳ cuộc hành trình nào,  cần có thời gian để tìm ra hướng đi phù hợp. Những người mới làm cha mẹ có thể đấu tranh giữa cảm giác phải tự mình tìm hiểu mọi thứ hoặc tìm đến sự giúp đỡ từ người khác, cho dù đó chỉ là việc kiểm tra thân nhiệt cho trẻ hay cách xử lý một tình huống. Khi cha mẹ tiếp nhận lời khuyên, đó có thể được xem như một hành động của tình yêu và sự rộng lượng. Thế nhưng, không phải lúc nào cha mẹ cũng muốn nhận lời khuyên từ người khác.

Khi cha mẹ tiếp nhận những lời khuyên không mong muốn từ cộng đồng, họ có thể bị căng thẳng do đám đông gây ra, vấn đề này thay đổi theo từng quốc gia và nền văn hóa. Ở Trung Quốc, cha mẹ cảm thấy áp lực đáng kể khi vừa phải làm tốt việc nuôi dạy con lẫn duy trì các mối quan hệ gia đình, vừa phải đối mặt với truyền thống nuôi con kiểu “mẹ hổ”. Những kỳ vọng to lớn được đặt lên cha mẹ, họ phải nỗ lực để duy trì ở một tầng lớp xã hội hoặc thăng tiến lên tầng lớp cao hơn. Áp lực này không chỉ đến từ nội bộ gia đình nhiều thế hệ, mà còn là một hình thức cạnh tranh với cha mẹ khác. Điều đó được thể hiện qua một câu khẩu hiệu phổ biến ở Trung Quốc: "Đừng để con bạn thua ở vạch xuất phát."

NUÔI DẠY CON CÁI - THẤU HIỂU ÁP LỰC CHA MẸ

“Nói một cách ẩn dụ, làm cha mẹ là một cuộc hành trình và như bất kỳ cuộc hành trình nào, cần có thời gian để tìm ra hướng đi phù hợp”.

Trong khi đó, cha mẹ tại Thụy Điển lại có cách nuôi dạy con cái thoải mái hơn, được hỗ trợ bởi gia đình và thường không xuất hiện những lời khuyên ngoài mong muốn. Mặc dù có thái độ tích cực trong việc nuôi dạy con cái, cảm xúc của cha mẹ khác biệt rõ rệt khi được sự ủng hộ từ những người xung quanh so với cảm xúc khi họ tự đánh giá về bản thân. Đối với các vấn đề như sự tự tin, sự hài lòng và khả năng phục hồi tinh thần sau biến cố, họ thường hoài nghi quyết định của bản thân. Điều này có thể là do kỳ vọng không giống với thực tế khi làm cha mẹ, và hình ảnh người cha hoặc người mẹ “hoàn hảo” đang khiến họ thêm nghi ngờ.

Ở các quốc gia siêu cường kinh tế như Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, môi trường nuôi dạy con cái dường như ít căng thẳng hơn và cha mẹ có quyền tự chủ hơn. Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan trực tiếp, có một sự tương đồng là các nền văn hóa hay các quốc gia mà cha mẹ ít căng thẳng hơn thì mức thu nhập trên từng hộ gia đình cao hơn, tiếp cận với giáo dục và hệ thống chăm sóc trẻ em nhiều hơn.

Người Thụy Điển và người Đức có tỷ lệ căng thẳng thấp nhất trong việc nuôi dạy con cái, trong khi đó, cha mẹ tại Brazil và Trung Quốc lại có tỷ lệ cao nhất. Ở Ả Rập Xê Út, cha mẹ thậm chí phải trải qua gánh nặng rất lớn từ áp lực xã hội và sự miệt thị. Họ vừa phải tuân thủ các chuẩn mực xã hội vừa thực hiện theo “những điều duy nhất được cho là đúng”. Những tư tưởng đó đã cắm rễ vào văn hóa chủ nghĩa tập thể của xã hội ở Ả Rập Xê Út, càng được thúc đẩy bởi các chuẩn mực xã hội lâu đời và các gia đình gồm nhiều thế hệ sống chung. Những người mới làm cha mẹ dù đi làm vẫn phải thực hiện các kỳ vọng nghiêm ngặt của xã hội đối với gia đình. Bên cạnh đó, những người mẹ làm nội trợ còn phải tuân theo các chuẩn mực phía gia đình chồng, từ bỏ mọi sự tự chủ cá nhân.

Ở các quốc gia như Ả Rập Xê Út, Ba Lan và Mexico, việc nuôi dạy con cái hoàn toàn đặt lên vai một người, đặc biệt là người mẹ, do đó, áp lực để nuôi dạy con “thành công” càng đặc biệt gay gắt. Ngược lại, nếu cha mẹ có thể chia sẻ trách nhiệm với nhau thì áp lực đó có thể được giảm bớt.

Ở bất kể nền văn hóa nào, có thể nói rằng sự quan tâm nồng nhiệt của cộng đồng đối với quãng thời gian làm cha mẹ chỉ đơn giản là minh chứng cho việc mọi người quan tâm đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là không phải lời khuyên nào cũng đúng. Mỗi em bé và mỗi hộ gia đình đều khác nhau. Một phương pháp có thể hiệu quả ở trường hợp này nhưng lại có tác dụng ngược lại ở trường hợp khác. Thay vì đưa ra ý kiến cha mẹ cần hoặc nên làm gì, cộng đồng chỉ cần luôn hiện diện và sẵn sàng hỗ trợ, như thế sẽ giúp cha mẹ thoải mái thực hiện hành trình nuôi dạy con theo cách của riêng họ dù cho có sai lầm. Sau tất cả, cha mẹ luôn tự tin vào mạng lưới hỗ trợ luôn sẵn sàng giúp đỡ họ.

“Điều quan trọng cần nhớ là không phải lời khuyên nào cũng đúng. Mỗi em bé và mỗi hộ gia đình đều khác nhau”.

 

Cảm giác cô đơn của cha mẹ

Sự ra đời của con là niềm hạnh phúc sâu sắc trong cuộc đời của cha mẹ. Đối với những người xung quanh, họ chỉ cảm giác chung chung rằng tất cả đều tốt và ngoại trừ một số thách thức thì cha mẹ vẫn ổn và được tiếp thêm sinh lực với nhiều mục tiêu mới. Tuy nhiên, dù đứa trẻ có thể mang đến không gian mới mẻ, tươi sáng cho cuộc sống, thì những tháng sau khi đứa trẻ chào đời thường là quãng thời gian đơn độc và lẻ loi nhất đối với cha mẹ.

CẢM GIÁC CÔ ĐƠN KHI LÀM CHA MẸ

Sự xuất hiện của con trẻ có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa cha và mẹ khi họ đang mong đợi có con, nhưng một khi trẻ chào đời, việc chăm sóc con và duy trì tài chính cho gia đình trở thành những ưu tiên mới. Thông thường, nhiều gia đình chọn cách “chia để trị”, trong đó, một người sẽ đảm nhận trách nhiệm chăm sóc con và người còn lại sẽ đi làm. Có thể cho rằng đây là tiếp nối của sự hợp tác mà cha mẹ đã thực hiện trong quá trình mang thai; tuy nhiên, trên thực tế, mỗi vai trò này lại tách biệt theo một cách riêng. Hiện nay đang có sự thay đổi đáng khích lệ khi các ông bố và cặp cha mẹ ở nhà nhiều hơn để chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, người mẹ thường ở nhà một mình trong tháng đầu tiên sau khi sinh. Bởi thế, họ sẽ trải qua có thể cảm thấy cô đơn nhất vào thời điểm này.

Đối với người cha hoặc mẹ đảm nhận việc chăm sóc con, cuộc sống của họ sẽ chỉ xoay quanh đứa trẻ. Họ chỉ còn rất ít hoặc thậm chí không có thời gian cho cuộc sống riêng, mối quan tâm đến xã hội hay những thứ khác. Đồng thời, người cha hoặc mẹ đi làm lại có thể cảm thấy bị ngăn cách khỏi quá trình nuôi dưỡng và theo dõi sự phát triển của con. Trong mỗi hoàn cảnh, cha mẹ đều phải đối mặt với cảm giác cô đơn và bị cô lập, mà điều này khó có thể nhận thấy được khi nhìn từ bên ngoài.

Những người mới làm cha mẹ thường tỏ ra hạnh phúc và hài lòng với những người xung quanh, có thể là để qua mắt mọi người hay để tránh những bất an của chính họ. Đôi khi rất khó để người mới làm cha mẹ chia sẻ về cảm giác thực sự của họ, ngay cả với gia đình và bạn bè thân thiết. Nhiều người lo sợ rằng người khác sẽ đánh giá họ không đủ tốt hoặc cảm thấy xấu hổ khi kể ra những vấn đề của bản thân.

Những người mới làm mẹ thường cảm thấy bản thân trải qua “nghịch lý cô đơn” – họ cảm thấy cô đơn cùng cực dù đang ôm con trong tay. Người mẹ ở nhà chăm con và có ít hoặc không có tương tác với bất kỳ ai ngoài đứa trẻ, có thể cảm thấy như thể đánh mất bản thân. Họ không thể thoải mái làm một người phụ nữ, một người bạn, một người vợ hay trong công việc như trước. Họ buộc phải điều chỉnh lối sống theo hướng mà họ hoàn toàn không nghĩ đến. Những người mới làm mẹ cũng có thể gặp phải hội chứng baby blues, trầm cảm sau sinh và cô đơn sau sinh, những điều này có thể làm tăng cảm giác lạc lõng và cô lập.

Đối với nhiều người mới làm cha mẹ, cách duy nhất để kết nối với thế giới bên ngoài là thông qua mạng xã hội. Mặc dù những nền tảng này giúp họ duy trì kết nối với bạn bè và gia đình, chúng cũng có thể gợi nhắc về cuộc sống và sự tự do trước khi họ mang trong mình quá nhiều trách nhiệm. Mỗi bài đăng từ một người bạn, có thể là về một cuộc gặp gỡ, một sự kiện công việc, một bức ảnh đi nghỉ mát đều trở thành con dao hai lưỡi, dẫn đến tâm trạng phức tạp, vừa thấy kết nối nhưng lại vừa lạc lõng. Người cha, người mẹ với cảm giác bị cô lập có thể cảm nhận như có sự rạn nứt giữa cuộc sống cũ và cuộc sống mới, kèm theo có lẽ là một cuộc khủng hoảng bản sắc cá nhân – “Tôi từng là con người hướng ngoại và rất vui vẻ. Còn bây giờ tôi chỉ là một con rô bốt bị mắc kẹt trong nhà."

Ngoài ra, mạng xã hội không phải là thủ phạm duy nhất. Những người mới làm cha mẹ có thể cảm thấy lạc lõng ngay khi họ rời khỏi nhà, cố gắng hòa nhập với thế giới nhộn nhịp bên ngoài. Theo kịp bạn bè, tin tức, văn hóa mới - tất cả đều cần thời gian nhưng cha mẹ lại không có nhiều. Điều này có thể khiến cha mẹ cảm thấy như mọi người xung quanh không ai hiểu họ và những gì họ đang trải qua. Tệ hơn nữa, những cảm giác bị cô lập này có thể khiến cha mẹ thu mình lại hơn là tìm đến sự giúp đỡ.

Vương quốc Anh có tỷ lệ người dân cảm thấy cô đơn cao nhất và họ đã áp dụng một sáng kiến ​​tích cực chống cô đơn cho cộng đồng, thúc đẩy sự cởi mở và khuyến khích mọi người chia sẻ cảm xúc, vấn đề cá nhân. Họ thậm chí đã bổ nhiệm một Bộ trưởng để dẫn dắt phong trào này.

Ả Rập Xê Út cũng có tỷ lệ người dân cảm thấy cô đơn cao, đặc biệt là với những người mẹ phải ở nhà chăm con nhỏ. Về cơ bản, họ bị ngăn cách khỏi tất cả các loại hình đời sống xã hội của cộng đồng, cảm thấy tách rời khỏi cộng đồng. Ở Trung Quốc, những người mới làm mẹ được cho là sẽ phải chịu "ở cữ một tháng" ngay sau khi trẻ chào đời. Trong khoảng thời gian đó, họ không được phép ra khỏi nhà, gặp khách hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động nào ngoài việc chăm sóc con trẻ - thậm chí họ còn không được tắm.

Ngược lại, ở Tây Ban Nha, việc nuôi dạy con được xem là trách nhiệm chung của cha mẹ và họ dường như ít cảm thấy cô đơn hơn. Người Tây Ban Nha gắn bó sâu sắc với cộng đồng ngay cả khi họ chuyển sang giai đoạn làm cha mẹ. Việc có con không tách họ ra khỏi cuộc sống xã hội, mà đúng hơn thì đứa bé sẽ là một phần mở rộng của gia đình, tham gia vào hoạt động thường ngày cùng cha mẹ.

Ngày nay, khi thế giới có cái nhìn công tâm hơn về sức khỏe tâm thần thì việc quan tâm và quản lý liên quan đến cảm giác cô đơn là vấn đề trọng tâm. Một số quốc gia như Nigeria vẫn đang nỗ lực xóa bỏ kỳ thị văn hóa về sự cô đơn và sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, Vương quốc Anh là một hình ảnh điển hình cho xu hướng thế giới trong tương lai, với góc nhìn toàn diện hơn về sức khỏe của công dân và cách tiếp cận được điều chỉnh để phù hợp với những kỳ vọng, giả định và sắc thái văn hóa xung quanh việc nuôi dạy con cái.

Để trở nên nhạy cảm hơn với sự cô đơn của người khác, đặc biệt là trong thời đại kết nối dễ dàng như hiện nay, nên tiếp cận một cách trực tiếp hơn với những người xung quanh. Mời họ tham gia cuộc trò chuyện nhóm chat, động viên và khen ngợi họ trên mạng xã hội hoặc đơn giản là sắp xếp một buổi trò chuyện trực tiếp là những cách hay. Tất cả điều này thể hiện một thông điệp khẳng định sự trân trọng và kết nối, từ đó tạo ra những khác biệt đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của một người.

Mặc dù công nghệ thường bị xem là thủ phạm gây ra cảm giác bị cô lập ngày càng tăng ở con người, đó cũng có thể là đồng minh mạnh mẽ nhất của trong việc bảo vệ bản thân khỏi vấn đề này. Có lẽ nếu tiếp cận cuộc sống kỹ thuật số như một phần “mở rộng” của bản thân, con người có thể tận hưởng một cuộc sống thực lẫn ảo linh hoạt, sáng suốt và mang tính xây dựng hơn – nơi một lời nhận xét tích cực mang đến cảm giác như một cái ôm và thể hiện nhiều cảm xúc hơn so với chỉ một biểu tượng “thích”.

“Ở bất cứ nơi nào, từ cửa hàng tạp hóa đến mạng xã hội, những cha mẹ trẻ sẽ liên tục chứng kiến khả năng của những người làm cha mẹ khác”.

 

Cảm giác tội lỗi khi làm cha mẹ

Dù không ai được hướng dẫn cách nuôi dạy trẻ, nhưng cha mẹ trẻ tuổi thường cảm thấy tội lỗi về việc họ chưa phải là “chuyên gia trong việc nuôi dạy con cái” như những người xung quanh họ. Ở bất cứ nơi nào, từ cửa hàng tạp hóa đến mạng xã hội, cha mẹ trẻ liên tục chứng kiến khả năng nuôi dạy của cha mẹ khác, những tương tác giữa họ với trẻ và thái độ "Tôi lo được". Những điều này làm người mới làm cha mẹ cảm thấy tội lỗi với việc họ không làm tốt vai trò mới dễ dàng như thế.

Phần lớn cảm giác tội lỗi mà những người mới làm cha mẹ phải trải qua đều liên quan đến kỳ vọng quá cao và những giả định mà họ đã đặt ra về cảm giác khi làm cha mẹ. Trong vài trường hợp, những người mới làm cha mẹ có thể so sánh bản thân với chính tuổi thơ của họ. Dù tốt hay xấu, những ký ức này có thể gợi lên cảm giác tội lỗi và sự không tương xứng. Ví dụ: nếu cha mẹ đã có một tuổi thơ cơ cực, họ càng đặt nặng việc phải cho con cái một tuổi thơ tốt hơn. Ngược lại, nếu họ đã có một tuổi thơ hạnh phúc, họ có thể cảm thấy tội lỗi rằng họ không thể mang lại đủ tình yêu thương cho trẻ như họ đã từng được nhận.

 

Cảm giác tội lỗi mà những người mới làm mẹ phải đối mặt có thể rất khó khăn, đặc biệt là ở những nền văn hóa nơi người phụ nữ gần như phải hoàn toàn chịu trách nhiệm việc nuôi dưỡng đứa trẻ. Trên khắp thế giới, nhiều phụ nữ cảm thấy tội lỗi khi không phải là người mẹ "hoàn hảo", vì nghi ngờ những quyết định của bản thân, cảm thấy cô đơn và thiếu kết nối, phải vật lộn với gánh nặng kinh tế hoặc đơn giản họ chỉ cảm thấy mình làm chưa đủ tốt. Các bà mẹ, những người đang trải qua giai đoạn trầm cảm sau sinh hoặc những đợt “baby blues”,  có thể cảm thấy tội lỗi do không thấy vui vì tình mẫu tử.

Cảm giác tội lỗi thường có nhiều hình thức, không đến từ một điều cụ thể và có sức lan tỏa. Tất cả cha mẹ dường như đều trải qua một mức độ cảm thấy tội lỗi nhất định, bất kể nền văn hóa hay tầng lớp kinh tế xã hội. Điều này có nghĩa là cảm giác tội lỗi của cha mẹ có thể không đến từ việc khó khăn về nguồn lực, mà là một vấn đề nội tâm với các kỳ vọng quá cao của chính họ.

Ở các quốc gia có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng/đáng tin cậy, cha mẹ có thể cảm thấy tội lỗi trong việc không được giáo dục về cách tốt nhất để nuôi dạy con. Họ có thể phải dựa vào lời khuyên của gia đình và bạn bè, không được tự chủ và khiến họ cảm thấy thêm phần tội lỗi vì đã trở thành gánh nặng cho những người xung quanh. Thiếu khả năng tiếp cận thông tin là một trong những thách thức lớn nhất mà những người mới làm cha mẹ phải đối mặt ở các quốc gia như Ấn Độ và Mexico, nơi chưa có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt.

Các quốc gia trên thế giới không nhất quán về thời gian nghỉ thai sản và nguồn lực hỗ trợ khác trong những tháng đầu hậu sản. Cha mẹ Trung Quốc, Nigeria, Mexico và Ba Lan đặc biệt cảm thấy bi quan khi không được tiếp cận đủ sự hỗ trợ về mặt sức khỏe và tinh thần cho việc phục hồi sau sinh và chăm sóc hậu sản. Điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến những người mới làm cha mẹ, những người có thể cảm thấy tội lỗi về việc họ không thể tự đứng trên đôi chân của mình.

Cảm giác thì vô hình, điều này trở thành một trong những thách thức lớn nhất để gạt đi cảm giác tội lỗi. Cha mẹ thường thể hiện những mặt tốt nhất đối với thế giới bên ngoài, trong khi chịu đựng lúc ở nhà. Ngay cả khi một người bạn thân hoặc một thành viên gia đình nhận ra được những cảm xúc này và muốn giúp đỡ, cha mẹ cũng gặp khó khăn trong việc mở lòng. Đây là thời điểm cần nhiều sự nỗ lực. Những người thân yêu cần đóng vai trò chủ động trong việc kéo những cha mẹ ra khỏi những lo lắng suy nghĩ và nói về những gì thực sự đang diễn ra với họ.

Đôi khi chỉ cần một lời nói chân thành để bắt đầu cuộc trò chuyện, chẳng hạn như: “Thật khó để lúc nào cũng tỏ ra là một ông bố bà mẹ hoàn hảo, khi mọi người đều biết KHÔNG ai trong  có cha mẹ hoàn hảo." Làm nổi bật điều phi lý của sự hoàn hảo và thách thức chung mà tất cả cha mẹ phải đối mặt có thể giúp tâm trạng thoải mái hơn và giúp mọi người trở nên cởi mở. Sự giúp đỡ cũng có thể được thể hiện theo những cách tinh tế hơn như thể hiện sự tôn trọng đối với điều những người mới làm cha mẹ đang trải qua và làm cho họ cảm thấy được thấu hiểu. Ví dụ, tại nơi làm việc, công ty nên trang bị một phòng dành cho mẹ để họ cảm thấy được các đồng nghiệp hiểu được cô ấy phải vừa đi làm vừa chăm con, cũng như đồng nghiệp thể hiện sự chào đón cô ấy trở lại công việc theo cách thấu hiểu nhất có thể.

Khi những người mới làm cha mẹ cảm thấy lạc quan về sức khỏe và hạnh phúc của con mình, họ có xu hướng giảm mạnh cảm giác tội lỗi. Một môi trường được hỗ trợ có thể thúc đẩy về mặt tinh thần và có tác động sâu sắc và lâu dài đến sức khỏe tinh thần của phụ huynh. Ví dụ, khi các cộng đồng và tổ chức tạo ra hoạt động dành cho cha mẹ và bé, nó mang lại cho những người mới làm phụ huynh cơ hội giao lưu và học hỏi lẫn nhau, nhắc nhở họ rằng không ai là cha mẹ hoàn hảo trong việc nuôi dạy con cái. Bằng cách khuyến khích những sự kết nối này, các cộng đồng có thể thể hiện sự hỗ trợ của họ đối với các gia đình trẻ, nhắc nhở họ rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ là một trách nhiệm cùng chia sẻ.

Điều trớ trêu là trong khi cha mẹ dằn vặt bản thân vì không biết phải làm gì hoặc tự chỉ trích vì lỗi lầm của mình, thì đứa bé lại coi cha mẹ là ánh sáng của cuộc đời – một siêu anh hùng ngoài đời thực, những người bằng cách nào đó cố gắng xoay sở để chu cấp cho bé bằng tất cả tình yêu, sự tiện nghi và an toàn mà họ có thể làm được. 

HƯỚNG DẪN NUÔI DẠY CON CÁI - THẤU HIỂU CHA MẸ

 

Hạnh phúc và thách thức 

Trở thành cha mẹ có thể là một trong những niềm vui lớn nhất trên thế giới – nhưng đi kèm với nó là những bất ngờ không kém. Những người mới làm cha mẹ thuộc các nền văn hóa khác nhau từ khắp nơi trên thế giới dường như đồng ý chung một điều – trở thành cha mẹ thật sự khó khăn và phức tạp hơn họ từng mong đợi.

Sau tất cả sự hào hứng khi lên kế hoạch cho em bé, đặt tên, chọn quần áo cho em bé và chuẩn bị tất cả những điều cần thiết để sinh con, hầu hết những người mới làm cha mẹ đều hoàn toàn mất cảnh giác trước thực tế khắc nghiệt của việc nuôi dạy con cái. Những cuốn sách hướng dẫn hoặc lời khuyên của một bác sĩ nhi khoa có thể giúp đỡ được phần nào, nhưng ngay cả trong trường hợp tốt nhất, các bậc phụ huynh vẫn cảm thấy hoàn toàn bị choáng ngợp bởi đứa con đầy yêu thương nhưng vô cùng khó đoán của họ.

Những người mới làm cha mẹ thường bị buộc phải điều chỉnh lối sống theo hướng mà họ chưa bao giờ tưởng tượng ra được. Em bé có những nhu cầu và tính cách đặc trưng ngay từ lúc được sinh ra và cha mẹ thường phải vật lộn để có thể thích nghi được. Ngay cả ở những quốc gia có mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt nhất nhất với tất cả các nguồn lực mà họ có theo ý của họ, cha mẹ ở mọi nơi cảm thấy mình không được thông tin đầy đủ hoặc thông tin sai về những gì mong đợi – hoặc ngay cả với một kế hoạch, mọi thứ hiếm khi diễn ra như mong đợi.

Bất ngờ xuất hiện ngay từ đầu. Sau khi sinh và đưa bé về nhà, cha mẹ thường bị sốc trước nhu cầu cần chăm sóc liên tục của trẻ sơ sinh. Vì đứa bé chưa có khả năng giao tiếp, việc cố gắng tìm cách dỗ một bé đang quấy khóc kéo dài tựa như không có điểm dừng . Điều này có thể gây nản chí cho những người mới làm cha mẹ, những người có thể đã đọc về những tình huống khó khăn hoặc đã tìm đến bạn bè hoặc gia đình để xin lời khuyên nhưng vẫn chật vật để tìm giải pháp hiệu quả. Các yêu cầu về mặt thể chất cùng với sự kiệt sức có thể dẫn tới những rối loạn cảm xúc dữ dội hơn những gì cha mẹ có thể tưởng tượng, ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống của họ – từ mối quan hệ của họ với nhau, đến bạn bè và gia đình và thậm chí cả công việc.

Ở những nền văn hóa xem trọng truyền thống như Nigeria, Romania và Trung Quốc, cha mẹ cũng nói rằng cuộc sống của họ đã thay đổi rất nhiều khi có em bé. Họ nói rằng họ thấy việc nuôi dạy con cái khó hơn nhiều so với dự kiến và họ không có được sự chuẩn bị đầy đủ. Trong khi cha mẹ ở khắp mọi nơi trải nghiệm niềm hạnh phục và những thách thức đi kèm khi nuôi dạy con, thì riêng đối với những bậc cha mẹ này có thể có thêm áp lực phải tôn vinh các phong tục và giá trị truyền thống trong khi cố gắng áp dụng các phương pháp hiện đại để nuôi dạy con cái.

Mặt khác, những người mới làm cha mẹ ở các nền văn hóa tiến bộ hơn, như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Chile, đã nói rằng cuộc sống mới của họ khi làm cha mẹ khá giống với mong đợi của họ. Điều này có thể là do một số yếu tố - từ việc kiểm soát áp lực hằng ngày thông qua việc chia sẻ các trách nhiệm, đến việc có thể "điều chỉnh" mô hình nuôi dạy con cái của họ cho phù hợp thay vì tuân thủ theo một chuẩn mực văn hóa nghiêm ngặt.

Một sự thật phổ biến giữa cha mẹ thuộc mọi nền văn hóa là những người gắn bó chặt chẽ với gia đình có xu hướng làm tốt nhất vai trò của mình khi phải đối diện với những hiện thực mới. Điều này sẽ cho thấy tầm quan trọng của một lời nói tử tế hoặc một câu chuyện được chia sẻ đối với những người mới làm cha mẹ – đó là bằng chứng cho thấy những người khác đã trải qua những thách thức và khó khăn tương tự và vượt qua được, theo một cách đầy mạnh mẽ và khôn ngoan mà họ không bao giờ nghĩ đến. May mắn thay, ngày nay “gia đình” có thể được định nghĩa theo nhiều cách - cho dù đó là một gia đình lớn, một nhóm bạn thân hoặc một “tập thể  đồng nghiệp thân thiết” - tất cả những điều này có thể giúp những người mới làm cha mẹ cảm thấy được bao bọc bởi sự ủng hộ và tình yêu thương bao la.

 

Công kích trên mạng xã hội

Trong thời đại văn hóa nghiện mạng xã hội ngày nay, việc chia sẻ quan điểm của một người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, thường đi kèm với việc ít hoặc không quan tâm đến việc nó có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của người khác thế nào. Đối với những người mới làm cha mẹ, điều này có thể đến trong dạng một lời khuyên có chủ ý tốt nhưng nó thường có tác dụng ngược lại, khiến cha mẹ cảm thấy bị phán xét, lo lắng và không được ủng hộ. Và bởi vì mạng xã hội hiện nay quá dễ tiếp cận và truyền tin trong tíc tắc nên các áp lực, sự xấu hổ và sự phán xét cứ thế chồng chất lên.

Hầu như bất kỳ ai cũng có thể can thiệp vào các hoạt động hằng ngày và các sự kiện quan trọng trong gia đình thông qua việc bình luận một bài đăng làm cha mẹ cảm thấy trần trụi trước những sự đánh giá của người khác. Khi cha mẹ đăng một câu hỏi đơn giản hoặc một điều gì đó vui vẻ, nó có thể thu hút một bình luận giống như một lời chỉ trích. Phụ huynh chỉ đăng một điều gì đó nhẹ nhàng như một câu hỏi tu từ "Em bé có đáng yêu không? " hoặc "Trông bé có hạnh phúc không?" nhưng gặp phải những bình luận không mong đợi. Những người mới làm cha mẹ có thể chỉ đơn giản là tìm kiếm một sự động viên hoặc để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình thông qua mạng xã hội, nhưng hay vào đó, họ cảm thấy cạn kiệt năng lượng sau khi đọc qua các bình luận. Lướt nhanh qua hầu hết bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào sẽ thấy rằng tất cả những người mới làm cha mẹ đều dễ bị phán xét và cảm thấy xấu hổ, từ một người mẹ bình thường đến một siêu sao Hollywood.

Một trong những cách công kích tiêu cực nhất vào cha mẹ là "Văn hóa phơi bày" hay "Văn hóa tẩy chay", đây là một hình thức công kích nơi mọi người bị miệt thị một cách công khai trong không gian mạng. Một dạng công kích phổ biến hơn và cay độc hơn xuất hiện dưới hình thức là sự phán xét từ những người lạ, nhưng đôi khi thậm chí là bạn bè, qua các nền tảng mạng xã hội. Nó đã trở nên phổ biến đến mức có các thẻ hashtag riêng và cha mẹ cho biết áp lực của xã hội và sự phán xét từ nó là rất cao.

Một số quyết định của cha mẹ thường xuyên bị “công kích” nhất thường là các chủ đề gây tranh cãi như cho ăn và nuôi con. Mặc dù các bậc phụ huynh có thể cảm thấy tự tin về các quyết định của họ, nhưng khi họ chia sẻ những điều này lên mạng và trở thành nạn nhân công kích, đột nhiên họ cảm thấy tổn thương và lo lắng về chủ đề đó. Những người nổi tiếng, thậm chí Hoàng gia, thường là mục tiêu của những lời chỉ trích gay gắt này, như là trong các tiêu đề tin tức hằng ngày của .

Về bản chất, mạng xã hội hoạt động dựa trên tính tự phát - nơi các khoảnh khắc được ghi lại và chia sẻ mà không cần đắn đo nghĩ đến việc phải giải thích hoặc làm rõ nội dung của một bài đăng. Khi thiếu ngữ cảnh, mọi người có thể sử dụng trí tưởng tượng của họ để lấp đầy các khoảng trống, đôi khi biến các tình huống thành tiền đề cho sự tranh cãi. Điều này có thể khiến cha mẹ cảm thấy mình như là mục tiêu bị nhắm đến, bị miệt thị và không thể thích nghi. Điều đó bám chặt vào tâm trí và ăn mòn sự tự tin. Ngay cả những bậc cha mẹ kiên cường nhất cũng có thể gục ngã khi nhận quá nhiều phán xét như vậy.

Mạng xã hội cũng có xu hướng kích động tính cạnh tranh sâu sắc, đặc biệt là giữa cha mẹ. Việc so sánh bản thân hoặc con của một người với những người khác có cuộc sống dường như hoàn hảo thường có thể khơi dậy cảm giác bất an của những người mới làm cha mẹ. Việc có quá nhiều ý kiến quanh mình có thể gây ra căng thẳng và lo âu quá độ và cuối cùng làm giảm khả năng lèo lái hàng ngày.

Điều quan trọng cần lưu ý là phần lớn những gì được thể hiện trên mạng xã hội là một thế giới nuôi dạy con cái gần như hoàn hảo đã được chọn lọc một cách kĩ lưỡng, chải chuốt đưa đến trước mắt, chứ không phải thế giới thật. Đối mặt với những bài đăng này, một người mới làm phụ huynh có thể cảm thấy một áp lực sâu thẳm trong nội tâm phải nỗ lực để làm được như cha mẹ khác dường như đang làm, tự so sánh họ với điều gì đó chưa bao giờ thực sự tồn tại.

Ngày càng nhiều người nhấn mạnh những thiệt hại mà văn hóa tẩy chay gây ra cho người khác, đặc biệt là sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của những người mới làm cha mẹ. Trên thực tế, hành vi bắt đầu thay đổi trong các nền văn hóa trên toàn thế giới. Mặc dù phương tiện truyền thông xã hội vẫn rất phổ biến, các thế hệ cha mẹ trẻ, ngay cả những người trong các xã hội mang tính truyền thống hơn, đang thể hiện sự cởi mở để phá vỡ các chuẩn mực của quá khứ như một cách để giảm áp lực trong một thế giới khắc nghiệt, bó buộc.

Đồng thời, mạng xã hội đang thu hẹp không gian giữa các nền văn hóa đã từng có rất nhiều khoảng cách, làm đa dạng các phương pháp nuôi dạy con cái. Cha mẹ tiến bộ có thể áp dụng nhiều phương pháp truyền thống hơn, trong khi các gia đình bảo thủ có thể vận dụng nhiều phương pháp "hiện đại" hơn trong vai trò làm cha mẹ.

Ngay cả với những thách thức vốn có, mạng xã hội vẫn có những mặt tích cực, đặc biệt là theo cách nó có thể khiến cha mẹ cảm thấy được kết nối hơn bao giờ hết. Một nền tảng mạng xã hội có thể là một công cụ vô cùng mạnh mẽ kết nối các cha mẹ với nhau, rộng ra là cho trẻ kết nối toàn cầu, tạo sự liên kết chung cần thiết và cảm giác sâu sắc về sự gắn kết.