GIỚI THIỆU, DỊCH TỄ VÀ SINH LÝ BỆNH MIS-C Ở TRẺ NHỎ

9 phút đọc /
Phác đồ công cụ hỗ trợ lâm sàng
GIỚI THIỆU, DỊCH TỄ VÀ SINH LÝ BỆNH MIS-C Ở TRẺ NHỎ

MIS-C, một tình trạng hiếm gặp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên mắc COVID-19 với cơ chế sinh lý bệnh gây rối loạn miễn dịch và tổn thương tim

 GIỚI THIỆU

Một loại vi rút corona mới được xác định vào cuối năm 2019 đã nhanh chóng đạt mức độ đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt tên bệnh là COVID-19, viết tắt của bệnh vi rút corona  2019 [1]. Vi rút gây ra COVID-19 được đặt tên là vi rút corona 2 gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS-CoV-2).

Ở trẻ em, COVID-19 thường nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, trẻ em có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng với biểu hiện lâm sàng có thể khác với người lớn. Vào tháng 4 năm 2020, các báo cáo từ Vương quốc Anh đã ghi nhận một biểu hiện ở trẻ em tương tự như bệnh Kawasaki (KD) hoặc hội chứng sốc độc tố [2,3]. Kể từ đó, đã có báo cáo về những trẻ em bị ảnh hưởng tương tự ở các nơi khác trên thế giới [4-11]. Tình trạng này được gọi là hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C; còn được gọi là hội chứng viêm đa hệ thống nhi khoa [PMIS], hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em liên quan tạm thời với SARS-CoV-2 [PIMS-TS], hội chứng viêm tăng tiết ở trẻ em, hoặc sốc tăng viêm nhi khoa).

Dịch tễ học, sinh lý bệnh, biểu hiện lâm sàng, đánh giá và chẩn đoán MIS-C sẽ được thảo luận dưới đây.

Mức độ hiểu biết về COVID-19 và MIS-C đang ngày càng phát triển. Hướng dẫn tạm thời đã được WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ban hành [4,12,13].

 

DỊCH TỄ HỌC

Tỷ suất mắc mới của MIS-C là không chắc chắn, hội chứng này có vẻ như là một biến chứng tương đối hiếm của COVID-19 ở trẻ em, xảy ra ở <1% trẻ em được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2. Trong một báo cáo từ New York, tỷ suất mắc mới ước tính bị nhiễm SARS-CoV-2 đã được phòng thí nghiệm xác nhận ở những người <21 tuổi là 322 trên 100.000 và tỷ lệ mắc MIS-C là 2 trên 100.000 [14].

Các báo cáo ban đầu về MIS-C xuất hiện tại Vương quốc Anh vào tháng 4 năm 2020 [2,3]. Kể từ đó, đã có báo cáo về những trẻ em bị ảnh hưởng tương tự ở các khu vực khác trên thế giới, bao gồm Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ và Nam Phi [4-6,8-11,14-18]. Điều đáng chú ý là có rất ít báo cáo về MIS-C từ Trung Quốc và các nước châu Á khác có tỷ lệ COVID-19 cao trong thời kỳ đầu của đại dịch [19].

Mặc dù một số trẻ mắc MIS-C đạt các tiêu chí về bệnh Kawasaki (KD) hoàn toàn hoặc không hoàn toàn (xem phần 'Biểu hiện lâm sàng' bên dưới), dịch tễ học cho MIS-C lại khác so với KD cổ điển. Hầu hết các trường hợp MIS-C đã xảy ra ở trẻ nhỏ 11-16 tuổi và trẻ vị thành niên trước đây khỏe mạnh [2,8-11,15,16,20,21]. Trẻ em da đen và gốc Tây Ban Nha dường như có số lượng ảnh hưởng không cân xứng. Ngược lại, KD cổ điển thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở Đông Á và trẻ em gốc Á.

Dịch tễ học của MIS-C cũng khác với dịch tễ học của bệnh COVID-19 cấp tính nặng ở trẻ em, MIS-C thường xảy ra ở trẻ em có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Báo cáo đầu tiên của MIS-C là một loạt tám trẻ em được nhìn thấy tại một bệnh viện hạng ba ở Đông Nam nước Anh [2]. Trong các chùm ca lớn hơn sau đó từ Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, >70 phần trăm trẻ em bị ảnh hưởng từng khoẻ mạnh trước đây [11,22]. Các bệnh đi kèm phổ biến nhất là béo phì và hen suyễn. Độ tuổi trung vị là 8 đến 11 tuổi (khoảng tuổi từ 1 đến 20). Đã có những báo cáo hiếm hoi về một bệnh giống như MIS-C xảy ra ở người lớn [23].

Tỷ lệ MIS-C có vẻ khác nhau tùy theo chủng tộc và dân tộc, trong đó trẻ em da đen và gốc Tây Ban Nha chiếm một số trường hợp cao không tương xứng và trẻ em châu Á chiếm một số ít trường hợp. Trong ba chùm ca lớn, 25 đến 45 phần trăm trường hợp xảy ra ở trẻ em Da đen, 30 đến 40 phần trăm ở trẻ em gốc Tây Ban Nha, 15 đến 25 phần trăm ở trẻ em da trắng, và 3 đến 28 phần trăm ở trẻ em châu Á [11,14,22].

Trong hầu hết các nghiên cứu, có độ trễ vài tuần giữa đỉnh của ca COVID-19 trong cộng đồng và sự gia tăng của ca MIS-C [8,9,11,14,24]. Ví dụ, ở Luân Đôn, đỉnh của các ca COVID-19 xảy ra vào tuần đầu tiên đến tuần thứ hai của tháng 4, trong khi mức tăng đột biến của các ca MIS-C xảy ra vào tuần đầu tiên đến tuần thứ hai của tháng 5 [9,24]. Khoảng thời gian kéo dài 4 tuần này trùng với thời điểm miễn dịch thu được và cho thấy MIS-C có khả năng biểu hiện biến chứng sau truyền nhiễm của vi rút hơn là biến chứng nhiễm cấp, ít nhất là ở một số trẻ em.

GIỚI THIỆU, DỊCH TỄ VÀ SINH LÝ BỆNH MIS-C Ở TRẺ NHỎ

SINH LÝ BỆNH

Cơ chế sinh lý bệnh của MIS-C chưa được hiểu rõ.

Rối loạn điều hòa miễn dịch 

Có đề xuất cho rằng hội chứng này là kết quả của phản ứng miễn dịch bất thường với vi rút, với một số điểm tương đồng lâm sàng với bệnh Kawasaki (KD), hội chứng hoạt hoá đại thực bào (MAS) và hội chứng giải phóng cytokin. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu hiện có, MIS-C dường như có kiểu miễn dịch khác biệt với KD và MAS [25,26]. Cơ chế chính xác mà SARS-CoV-2 gây ra phản ứng miễn dịch bất thường vẫn chưa được biết rõ. Đã có đề xuất về một quá trình sau lây nhiễm, dựa trên thời điểm gia tăng các ca này so với đỉnh của các ca COVID-19 trong cộng đồng, như đã thảo luận ở trên. (Xem 'Dịch tễ học' ở trên.)

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy bệnh nhân MIS-C nặng có kháng thể immunoglobulin G (IgG) dai dẳng với khả năng tăng cường hoạt hóa bạch cầu đơn nhân [27], giảm bạch cầu dai dẳng (đặc biệt là giảm bạch cầu lympho T) [25,26,28], và hoạt hóa nhiều hơn tế bào CD8 + T [28] khác với những phát hiện trong nhiễm COVID-19 cấp tính. Tính chắc chắn của những phát hiện này bị hạn chế do số lượng bệnh nhân trong các nghiên cứu này nhỏ.

Việc tìm hiểu các cơ chế của đáp ứng miễn dịch phóng đại trong MIS-C là một lĩnh vực đang được tích cực nghiên cứu.

 

Vi rút SARS-CoV-2 

Nhiều trẻ em bị ảnh hưởng có xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) âm tính với SARS-CoV-2 nhưng có xét nghiêm huyết thanh dương tính, một phát hiện củng cố thêm giả thuyết rằng MIS-C có liên quan đến rối loạn điều hòa miễn dịch xảy ra sau khi hết nhiễm cấp. Tuy nhiên, một số trẻ có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Trong các chùm ca ban đầu, có 783 trẻ em được thực hiện cả PCR và huyết thanh học [8,9,11,17,20,29]. Trong số này, 60% có huyết thanh dương tính với PCR âm tính, 34% dương tính với cả hai xét nghiệm và 5% âm tính với cả hai xét nghiệm.

Một nghiên cứu kiểm tra trình tự vi rút SARS-CoV-2 từ 11 trẻ mắc MIS-C không phát hiện bất kỳ sự khác biệt nào so với trình tự vi rút từ trẻ mắc COVID-19 cấp tính không có MIS-C [30]. Những dữ liệu sơ bộ này cho thấy rằng các yếu tố virus ít có khả năng giải thích tại sao một số trẻ bị viêm đa hệ sau nhiễm SARS-CoV-2, trong khi những trẻ khác thì không. Nhiều khả năng các yếu tố vật chủ là nguyên nhân gây ra phản ứng viêm bất thường trong MIS-C.

 

Cơ chế tổn thương cơ tim 

Các cơ chế của tổn thương cơ tim trong MIS-C không có đặc trưng rõ ràng. Các nguyên nhân có thể bao gồm chấn thương do viêm hệ thống, viêm cơ tim do virus cấp tính, giảm oxy máu động mạch (hypoxia), bệnh cơ tim do căng thẳng và ở một số trường hợp hiếm, tim thiếu máu cục bộ có tổn thương động mạch vành [31]. Rối loạn chức năng tim có thể là kết quả của sự kết hợp của các cơ chế này ở một số bệnh nhân. Do có sự thay đổi trong biểu hiện lâm sàng, có khả năng là các cơ chế khác nhau sẽ ảnh hưởng những bệnh nhân khác nhau.

Dữ liệu mô tả mô bệnh học tim trong MIS-C bị hạn chế. Trong một báo cáo về một trường hợp tử vong do MIS-C, các phát hiện khám nghiệm tử thi đáng chú ý ở bằng chứng của viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc đặc trưng bởi thâm nhiễm tế bào viêm [32]. Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong mô tim bằng kính hiển vi điện tử và PCR. Tuy nhiên, một số đặc điểm lâm sàng ở bệnh nhân này không đặc trưng cho MIS-C (đáng chú ý nhất là có tổn thương phổi nặng), và có thể những phát hiện khám nghiệm tử thi này phản ánh COVID-19 cấp tính nặng hơn là phản ánh MIS-C. Như sẽ thảo luận dưới đây, có sự trùng lặp đáng kể trong biểu hiện của MIS-C và COVID-19 cấp tính nghiêm trọng.