NUÔI DẠY CON CÁI: YẾU TỐ HỖ TRỢ LAO ĐỘNG & TRẺ DỄ NUÔI

165 phút đọc /
Phác đồ công cụ hỗ trợ lâm sàng
YẾU-TỐ-HỖ-TRỢ-LAO-ĐỘNG-&-TRẺ-DỄ-NUÔI-

Cảm nhận của bố mẹ về chế độ hỗ trợ lao động và trải nghiệm nuôi dạy con cái ở từng quốc gia

 HƯỚNG DẪN NUÔI DẠY CON CÁI CHƯƠNG 3

YẾU TỐ 3: HỖ TRỢ LAO ĐỘNG

Yếu tố thứ 3 là hỗ trợ lao động. Yếu tố này chiếm 15,6% trong hướng dẫn nuôi dạy con cái, phản ánh tác động của các chính sách của chính phủ, chính sách bảo vệ người lao động của địa phương (gồm cả phụ cấp nghỉ thai sản) cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ giữ trẻ phù hợp đối với việc tạo điều kiện cho phép bố mẹ nghỉ ở nhà hoặc trở lại với công việc. Yếu tố này không chỉ bàn luận về số ngày nghỉ phép của bố mẹ mà còn cho thấy cảm nhận của bố mẹ, liệu rằng họ đã có đủ thời gian nghỉ thai sản hay thời gian nghỉ phép của bố sau khi con chào đời trước khi lựa chọn trở lại làm việc. 

Phần trăm yếu tố Hỗ Trợ Lao Động

Có 53% bố mẹ trên toàn cầu cho rằng họ không có đủ thời gian nghỉ thai sản/thời gian nghỉ phép dành cho bố sau khi con chào đời cho tới khi trở lại với công việc. Giữa các quốc gia có sự khác biệt lớn vì sự ảnh hưởng của môi trường pháp lý và các quy định về kỳ nghỉ phép chăm sóc con cái của công ty. Bố mẹ Israel ít hài lòng nhất về kỳ nghỉ (với chỉ 19% bố mẹ cho rằng họ được nghỉ phép đầy đủ), thấp hơn có ý nghĩa so với bố mẹ ở Tây Ban Nha – là quốc gia có ít bố mẹ hài lòng tiếp theo (32%). Kết quả này hoàn toàn trái ngược với bố mẹ ở Thụy Điển (77% bố mẹ ở Thụy Điển hài lòng về kỳ nghỉ). Yếu tố này cũng bao gồm khả năng tìm kiếm dịch vụ giữ trẻ phù hợp và khả năng cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân để bố mẹ cảm thấy họ có đủ thời gian cho cả công việc, gia đình và bản thân. Chỉ 52% bố mẹ trên toàn cầu cho rằng họ tìm được dịch vụ giữ trẻ phù hợp một cách dễ dàng.

Những quốc gia có nhiều phản hồi tích cực về yếu tố này bao gồm Nigeria (61%), Ấn Độ (62%), Romania và Ả Rập Xê Út (74%). Những quốc gia này đều có truyền thống nuôi dạy con trong gia đình nhiều thế hệ hoặc được hỗ trợ từ đại gia đình. Tuy nhiên, những quốc gia với truyền thống tương tự như Trung Quốc và Israel lại có tỷ lệ thấp hơn có ý nghĩa. Kết quả này cho thấy đây là yếu tố trải nghiệm mang tính ngữ cảnh và bị ảnh hưởng nhiều bởi các nguồn lực, văn hóa và áp lực gia đình.

Hỗ trợ lao động - Đánh giá yếu tố ở từng quốc gia

 

Hỗ Trợ Lao Động: Đánh giá yếu tố ở từng quốc giadfd

Yếu tố này cũng được cho là yếu tố đa dạng nhất. Trở lại với công việc sau khi con chào đời bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhiều nguồn lực bao gồm văn hóa, các vấn đề mang tính hệ thống như nghèo đói và giáo dục, an sinh xã hội chẳng hạn như dịch vụ giữ trẻ phù hợp và sự độc lập tài chính của phụ nữ. Khi cân nhắc tất cả các yếu tố trên, chỉ 51% bố mẹ trên toàn cầu cho rằng họ có thể cân bằng công việc và đời sống cá nhân một cách dễ dàng.

 

Các bà mẹ ở Vương quốc Anh, Thụy Điển, Romania, Ba Lan và Đức nhận được nhiều phúc lợi từ thời gian nghỉ thai sản dài nhất trước khi quay trở lại công việc. Tuy nhiên, số ngày nghỉ không giúp bố mẹ có những đánh giá tích cực hơn. Đức và Vương quốc Anh đều nằm trong số 5 quốc gia có xếp hạng cuối về yếu tố này, Ba Lan xếp ở vị trí thứ 9 (ở giữa) và Romania xếp ở vị trí thứ 5. Có nhiều yếu tố tác động đến kỳ nghỉ và mức độ hài lòng của bố mẹ về thời gian nghỉ, bao gồm tài chính gia đình, tính chất công việc, vấn đề quyền lợi bảo vệ đầy đủ và những lo ngại về ảnh hưởng của công việc gián đoạn.

Chưa có giải pháp cụ thể nào khiến việc nuôi dạy con cái trở nên dễ dàng hơn cho tất cả bố mẹ, sự linh hoạt trong công việc là yếu tố quyết định cảm giác của bố mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Báo cáo từ những bố mẹ có công việc linh hoạt có xu hướng đồng thuận với ý kiến “làm bố mẹ ngày nay là điều dễ dàng nếu xem xét về mọi mặt” và “tôi cảm thấy được hỗ trợ khi làm bố mẹ”.

Bố mẹ ở Brazil đối mặt với những thách thức lớn khi tìm kiếm các hỗ trợ lao động. Thời gian nghỉ thai sản chính thức kéo dài 4 tháng, tuy nhiên 41% lực lượng lao động được tạo thành từ những lao động không chính quy và họ không được hưởng kỳ nghỉ này. Vấn đề này làm tăng áp lực lên những bà mẹ khi trở lại làm việc sau sinh. Hơn nữa, các bà mẹ thường bị mất việc trong thời gian ngắn sau khi trở lại làm việc, một số khác thôi việc vì không thể cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.

Ấn Độ đứng thứ 4 khi đã có sự cải thiện đáng kể trong bộ luật quy định thời gian nghỉ thai sản. Năm 2017 Bộ luật Quyền lợi Thai sản đã tăng số ngày nghỉ thai sản có lương từ 12 tuần lên 26 tuần, đồng thời cũng bổ sung các điều khoản cho những bà mẹ nuôi trong vòng 12 tuần. Bộ luật Quyền lợi Thai sản cũng đưa ra điều khoản “làm việc tại nhà” cho các bà mẹ, điều này có thể được thực hiện sau khi hết thời hạn 26 tuần nghỉ phép. Bộ luật còn đề nghị các cơ sở giữ trẻ phải có nhiều hơn 50 nhân viên và các bà mẹ được pháp luật cho phép ghé thăm nhà trẻ 4 lần/ngày.

Một nửa bố mẹ phải quay lại làm việc sớm sau sinh

Từ góc độ xã hội, các gia đình Ấn Độ thường sống chung với ông bà, giúp các bà mẹ trở lại với công việc sau khi kết thúc nghỉ thai sản. Các yếu tố hỗ trợ toàn diện (chính quy cho đến không chính quy) có thể là một trong những yếu tố giúp Ấn Độ có thứ hạng cao khi đánh giá yếu tố này.

Vương quốc Anh đứng trong 5 quốc gia ở cuối bảng xếp hạng mặc dù Vương quốc Anh là quốc gia có nền kinh tế phát triển và đứng thứ 6 trong hướng dẫn nuôi dạy con cái. Có thể đây là kết quả của việc nâng cao nhận thức về cuộc đấu tranh để đảm bảo vấn đề chăm sóc trẻ đầy đủ và phù hợp. Chương trình chính phủ hỗ trợ chăm sóc con cái trong những năm gần đây bằng việc tạo ra nhiều không gian hơn trong các nhà trẻ đã gây ra nhiều tranh cãi vì vẫn còn nhiều bố mẹ phải vất vả tìm kiếm cơ sở giữ trẻ phù hợp và có thời gian làm việc linh hoạt. Một gia đình 2 con ở Anh dành trung bình 40% thu nhập cho việc chăm sóc con cái. Đây là lý do khiến các bà mẹ trở lại làm việc sớm hơn so với dự định hoặc khiến các bậc cha mẹ làm việc trong nhiều giờ hơn mong muốn, mặc dù chính phủ đã có những điều luật bảo vệ bố mẹ phù hợp.

Thời gian nghỉ phép của bố mẹ là một vấn đề đẫn đến nhiều tranh luận chính trị trong suốt nhiều năm ở Tây Ban Nha. Cho đến năm 2021, thời gian nghỉ của bố sau khi con chào đời được tăng từ 2 tuần lên 16 tuần so với năm 2007, ngang bằng với thời gian nghỉ thai sản (không thay đổi trong nhiều năm). Đây là một tiến bộ và là một thay đổi sâu sắc trong vai trò giới tính truyền thống ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, thời gian nghỉ thai sản vẫn không được tăng lên trên 16 tuần mặc dù công chúng đề nghị thay đổi. Tây Ban Nha, Trung Quốc và Israel là 3 quốc gia có tỷ lệ những người làm bố mẹ lần đầu nhưng vẫn làm việc toàn thời gian cao nhất.

Israel cũng là một quốc gia có bố mẹ cho rằng họ đang được hưởng chế độ hỗ trợ lao động nghèo nàn. Sự bất bình đẳng giới tính được thể hiện rõ rệt trong công sở (trong vai trò lãnh đạo, lương, thời gian làm việc, etc.). Yếu tố này gây ra nhiều áp lực cho phụ nữ khi theo đuổi sự nghiệp, cân bằng cuộc sống và tận hưởng vai trò làm bố mẹ.

Không ngạc nhiên khi bố mẹ Hoa Kỳ không hài lòng với kỳ nghỉ dành cho bố mẹ. Hoa Kỳ không có chế độ trả lương theo luật định đối với nghỉ thai sản, nghỉ phép của bố sau khi con chào đời hay nghỉ phép chăm sóc con cái. Trong khi luật nghỉ phép gia đình và y tế (FMLA) cho phép một bộ phận người lao động được hưởng 12 tuần thai sản không lương, tuy nhiên chỉ 60% người lao động đủ điều kiện hợp pháp để được hưởng chế độ này. Hơn nữa, FMLA chỉ chi trả một phần tiền lương mà không phải bố mẹ nào cũng có thể trang trải chi phí gia tăng khi làm bố mẹ.

Khoảng 40% doanh nghiệp trả lương cho thời gian nghỉ thai sản hoặc thời gian nghỉ phép của bố ngay sau khi con chào đời, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng lên mỗi năm. Hiện nay chính phủ Hoa Kỳ đề nghị người lao động liên bang được hưởng 12 tuần nghỉ phép có lương. Nhiều doanh nghiệp cho phép kéo dài thời gian nghỉ phép, tuy nhiên thời gian nghỉ phép có lương trung bình hiện tại là 4.1 tuần.

Mặc dù vậy, chỉ có 9% doanh nghiệp tại Hoa Kỳ có chế độ trả lương cho thời gian nghỉ phép dành cho bố sau khi con chào đời cho tất cả nhân viên và 76% những ống bố trở lại với công việc ngay trong tuần con vừa mới chào đời hay nhận nuôi con. Các ông bố ở Hoa Kỳ cho rằng họ không được hưởng chế độ nghỉ dành cho bố đầy đủ và thường gặp trở ngại trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình so với phụ nữ. Riêng yếu tố này đã góp phần lớn vào sự bất bình đẳng giới trong việc nuôi dạy con cái.

Bố mẹ ở Đức cũng không cảm thấy hài lòng mặc dù Đức là quốc gia hiện đại, an ninh và có chất lượng cuộc sống cao. Đức cũng là quốc gia có nhiều quyền lợi dành cho phụ nữ mang thai và bố mẹ khi có con nhỏ, bao gồm bảo hiểm y tế nhà nước, không bị sa thải từ khi mang thai, có thời gian nghỉ phép dành cho bố mẹ kéo dài tới 36 tháng cho mỗi cặp sau sinh và được hưởng tiền trợ cấp dành cho bố mẹ lên tới 14 tháng (“Elterngeld”). Bố và mẹ có thể phân chia thời gian nghỉ với nhau để chăm sóc con cái. Hơn nữa, công việc của bố mẹ cũng được đảm bảo trong thời gian nghỉ phép dành cho bố mẹ.

Tuy nhiên, xã hội kỳ vọng nhiều vào việc các bà mẹ có thể dành toàn bộ thời gian chăm sóc con cái trong 1 năm đầu đời của trẻ. Điều này khiến nhiều phụ nữ cảm thấy họ phải tạm dừng sự nghiệp hoặc đánh đổi giữa sự nghiệp và chăm sóc con cái. Phụ nữ đối mặt với nguy cơ không thể tiếp tục sự nghiệp sau khi có con vì có ít cơ hội nghề nghiệp, thu nhập thấp hơn và phụ thuộc chồng nhiều hơn. Phụ nữ cũng có nguy cơ được hưởng ít lương hưu hơn vì có thời gian dài gián đoạn sự nghiệp. Nếu trở lại với công việc, phụ nữ thường gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái vì phải di chuyển thường xuyên và vì những hạn chế về thời gian và chi phí.

Thụy Điển là một trong những quốc gia có bố mẹ hài lòng nhất về yếu tố hỗ trợ lao động, 14% ông bố và 60% bà mẹ có con từ 0 – 12 tháng tuổi cho rằng họ có thời gian nghỉ phép dành cho bố mẹ nhiều hơn so với những quốc gia khác. Tương tự những quốc gia Bắc Âu khác, Thụy Điển có thuế thu nhập cao hơn so với hầu hết các nước khác. Một phần lớn trong số đó dùng để hỗ trợ cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở mức độ xã hội. Bố mẹ Thụy Điển có thời gian nghỉ phép dành cho bố mẹ có lương kéo dài 480 ngày khi trẻ chào đời. Nghỉ phép có lương là cách tạo điều kiện để bố mẹ kết hợp gia đình với công việc, chính vì vậy Thụy Điển là quốc gia có nhiều bố mẹ thành công nhất trong việc cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình trong khối Châu Âu.

Tỷ lệ lao động nữ đã có con cũng cao nhất trong khối Châu Âu, đây là kết quả của chính sách gia đình quốc gia được xây dựng nhằm hỗ trợ mô hình gia đình thu nhập kép, đảm bảo bình đẳng giới về quyền lợi và nghĩa vụ trong gia đình và công việc cho cả nam và nữ. Nghĩa vụ chăm sóc con cái thường được phân chia đồng đều giữa bố và mẹ, những ông bố cũng thường là người tích cực và bận rộn chăm sóc con cái hơn so với thế hệ trước đây. Việc đầu tư nhiều vào phúc lợi gia đình, sự linh hoạt của kỳ nghỉ phép và thời gian làm việc dành cho bố mẹ có con nhỏ, cùng với dịch vụ giữ trẻ, giáo dục mầm non hợp lý với chất lượng cao là một trong những yếu tố chính trong chính sách hỗ trợ lao động.

Chile đã trở thành một cường quốc trong khu vực Mỹ Latin nhờ những lợi ích từ việc phát triển bền vững, hiện đại hóa và nền kinh tế định hướng thị trường ổn định. Sự thay đổi này đã hỗ trợ cải thiện giáo dục, y tế và hệ thống xã hội. Thế hệ trẻ Chile đang hiện đại hóa và đô thị hóa nền văn hóa truyền thống. Năm 2011, thời gian nghỉ thai sản có lương được tăng lên và hiện nay là 30 tuần. Trong thời gian này, các bà mẹ được hưởng trợ cấp thai sản do nhà nước tài trợ. Tính toán cho thấy số tiền trợ cấp đã hỗ trợ 80% phụ nữ với 100% thu nhập của họ trong 12 tuần bổ sung.

Những điều luật hiện tại của Mexico cho phép những bà mẹ sinh con đầu lòng có 14 tuần nghỉ thai sản được trả lương đầy đủ, và có thể được hưởng thêm 14 tuần nữa nếu bà mẹ hoặc bé có bất kỳ biến chứng nào về sức khỏe. Các bà mẹ có thể bắt đầu nghỉ trước hoặc sau khi sinh con. Tại Mexico, phụ nữ mang thai cũng được đảm bảo không bị sa thải. Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ lao động ở Mexico là do các doanh nghiệp toàn cầu có các chính sách quy định kì nghỉ phép dành cho bố mẹ linh hoạt hơn, mang lại kế hoạch chăm sóc con cái với nhiều lợi ích hơn so với chính sách của chính phủ (phù hợp với chính sách của các công ty toàn cầu).

Ả Rập Xê Út là nước đứng đầu trong bảng xếp hạng. Nguyên nhân có thể là vì quốc gia này có nhiều bà mẹ mới sinh con đầu lòng không có ý định trở lại làm việc, họ thường tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình hơn là kỳ vọng vào chế độ nghỉ thai sản. Chính sách vận động nhiều phụ nữ trẻ đến làm việc tại Ả Rập Xê Út có liên quan đến cảm giác tích cực của bố mẹ mới sinh con đầu lòng, và đây là tín hiệu cho thấy sự mở cửa của Ả Rập Xê Út. Chế độ nghỉ thai sản (trong số những quyền lợi gia đình) hỗ trợ các bà mẹ có mong muốn phát triển sự nghiệp song song với việc làm mẹ, điều này trước đây được xem là không phù hợp với chuẩn mực xã hội và gây ra nhiều tranh cãi.

Bố mẹ mới sinh con đầu lòng ở Ả Rập Xê Út thường thuê người giúp việc hoặc bảo mẫu tại nhà để đảm bảo được hỗ trợ đầy đủ trong vấn đề nuôi dạy con cái, cho phép bố mẹ có thể cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân tốt hơn. Hơn nữa, sự gần gũi giữa các thành viên trong đại gia đình (bao gồm cả ông bà) để giúp chăm sóc con cái cũng giúp đỡ bố mẹ mới sinh con đầu lòng có thể tập trung làm việc hơn.

Hỗ trợ lao động là yếu tố có điểm cao nhất trong tất cả các yếu tố ở Romania. Bố mẹ Romania cảm thấy họ được hỗ trợ toàn diện về mọi mặt với chế độ nghỉ phép dành cho bố mẹ đầy đủ, giải pháp chăm sóc con cái phù hợp và sự hài lòng về khả năng cân bằng giữa công việc và đời sống. Bố mẹ Romania được hưởng lên đến 2 năm nghỉ phép (hầu hết là các bà mẹ) và được nhận trợ cấp tài chính cơ bản từ chính quyền trong suốt thời gian nghỉ dành cho bố mẹ.

YẾU TỐ 04: TRẺ DỄ NUÔI

Yếu tố thứ 4 là cảm giác của bố mẹ, liệu rằng họ có cảm thấy trẻ dễ chịu hay không. Yếu tố này chiếm 10.1% trong thang điểm đánh giá. Bố mẹ cảm thấy trẻ dễ chịu khi trẻ ăn ngon, ngủ khỏe và không mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Yếu tố này không đề cập đến những trẻ mắc phải các bệnh mạn tính nghiêm trọng hoặc đang điều trị các bệnh lý cấp tính.

Phần trăm yếu tố Trẻ Dễ Nuôi

Quan niệm thế nào là một đứa trẻ dễ chịu thay đổi theo những nền văn hóa khác nhau, kinh nghiệm và mức độ tự tin trong việc nuôi dạy con cái của bố mẹ. Nhìn chung đa số bố mẹ đều có những đánh giá tích cực, có khoảng 77% bố mẹ trên toàn cầu cho rằng trẻ không có nhiều vấn đề sức khỏe (có thể nghiêm trọng hoặc không). Bố mẹ Thụy Điển và bố mẹ Hoa Kỳ có nhiều đánh giá tích cực nhất (lần lượt là 89% và 87%) trong khi bố mẹ Mexico và bố mẹ Philipppines có ít đánh giá tích cực nhất (lần lượt là 60% và 65%), tuy nhiên đây chỉ là vấn đề liên quan đến trải nghiệm.

Quan niệm cho rằng ngủ ngon là trẻ dễ chịu là chính xác, có 71% bố mẹ trên toàn cầu nghĩ rằng con của họ có thể ngủ ngon. Những quan niệm khác về trẻ dễ chịu là không phù hợp. Trong khi khoảng 75% bố mẹ cho rằng cho trẻ ăn là công việc dễ dàng, tuy nhiên chỉ có 49% bố mẹ ở Trung Quốc đồng ý với quan điểm này.

Nigeria xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng khi đánh giá về yếu tố này. Trẻ em rất được yêu quý ở Châu Phi và Nigeria, do đó việc sinh con vẫn chịu sự ảnh hưởng của chuẩn mực xã hội. Bắt đầu lập gia đình là trách nhiệm xã hội hàng đầu đối với văn hóa và truyền thống các nước này. Ngay cả trong xã hội hiện đại, các bố mẹ trẻ vẫn giữ quan niệm này. Bắt đầu lập gia đình là một nghĩa vụ, trẻ em được xem là mang lại may mắn và hiếm khi được xem như là một khó khăn bất kể những thách thức mà bố mẹ có thể phải đối mặt.

Trẻ dễ nuôi - đánh giá ở từng quốc gia

Tuy giá trị văn hóa tương tự Nigeria về trẻ em, nhưng bố mẹ Trung Quốc lại có những trải nghiệm khác biệt. Bố mẹ Trung Quốc tự đặt ra áp lực để đảm bảo con cái được hạnh phúc. Nhưng nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ không phải là điều đơn giản, nhiều lúc trẻ quấy khóc bất kể những nỗ lực của bố mẹ. Khi bố mẹ đã nỗ lực hết sức để đảm bảo con cái được hạnh phúc nhưng trẻ vẫn không ăn ngon và ngủ khỏe như mong muốn, có thể đây là lý do khiến bố mẹ Trung Quốc không cảm thấy con cái của họ dễ chịu.

Bố mẹ Philippines đứng ở vị trí thứ 15. Bố mẹ Philippines kỳ vọng về một đứa trẻ mạnh mẽ, khỏe mạnh (không bị ốm và không quấy khóc), vui vẻ, hòa đồng, độc lập, tự chủ và “nghĩ mình có thể làm được”, học hỏi nhanh và hiểu biết mọi thứ với sự trông nom tối thiểu của bố mẹ. Bố mẹ Philippines cũng mong muốn mang lại cho trẻ những gì tốt cho con để giúp trẻ có một cuộc sống hạnh phúc hơn, thoải mái hơn và tốt hơn những gì họ đã trải qua. Đối với nhiều gia đình, kinh tế không ổn định khiến bố mẹ gặp phải nhiều khó khăn khi trang trải những nhu cầu cơ bản trong gia đình (thức ăn, nơi ở, etc,) và đáp ứng tất cả những gì trẻ muốn để trẻ có một cuộc sống tốt hơn (về giáo dục, công việc ổn định và cuộc sống thoải mái). Bố mẹ Philippines chú ý đến mọi sắc thái hành vi của trẻ, do đó đây có thể là lý do khiến bố mẹ Philippines cảm thấy con cái của họ không dễ chịu. 

29% bố mẹ cho thấy trẻ ngủ không ngon