Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong điều trị toàn diện bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường)
Sự tăng cao không ngừng của bệnh đái tháo đường và biến chứng của nó đã khiến công tác phòng ngừa và điều trị trở thành ưu tiên hàng đầu của y tế cộng
Sự tăng cao không ngừng của bệnh đái tháo đường và biến chứng của nó đã khiến công tác phòng ngừa và điều trị trở thành ưu tiên hàng đầu của y tế cộng đồng. Năm 2012, trên toàn cầu ước tính có 371 triệu người bị đái tháo đường (8.3% tổng số người lớn từ 20 - 79 tuổi) và thêm khoảng 187 triệu người chưa được chẩn đoán. Tại Hoa Kỳ, năm 2010 có 25.8 triệu người hay 8.3% toàn bộ dân số bị đái tháo đường; tỷ lệ này chiếm tới 26.9% ở những người trên 65 tuổi. Tại rất nhiều nước châu Á, tỷ lệ người mắc đái tháo đường tuýp 2 đã tăng chóng mặt do sự phát triển kinh tế xã hội, thay đổi lối sống cũng như thay đổi thói quen dinh dưỡng. So với các nước phương Tây, người châu Á có xu hướng mắc bệnh đái tháo đường ở lứa tuổi trẻ hơn, và do đó thời gian mắc bệnh sẽ kéo dài hơn và có nhiều nguy cơ có các biến chứng liên quan đến đái tháo đường hơn. Béo phì ở trẻ em và thiếu niên, yếu tố có khả năng dẫn đến đái tháo đường tuýp 2 đã tăng lên đáng kể, và hậu quả y tế của đại dịch này sẽ đe dọa làm quá tải hệ thống y tế toàn thế giới. Vận động thay đổi lối sống, cụ thể là thói quen ăn uống là bước đầu tiên phải làm trong chăm sóc đái tháo đường toàn diện.