NHU CẦU CARBOHYDRATE Ở TRẺ SINH NON

6 phút đọc /
Sự phát triển của trẻ

Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ và sữa công thức dành cho trẻ sinh non

CARBOHYDRATE

Nhu cầu và bổ sung - Lượng carbohydrate khuyến nghị ở trẻ sinh non được nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa hoàn toàn là 11,6 đến 13,2 g/kg/ngày (hoặc 10,5 đến 12 g/100 kcal) [1]

Sữa mẹ tăng cường - Sữa mẹ thường cần bổ sung thêm nhiều chất để đạt được lượng carbohydrate như khuyến nghị. Hàm lượng  carbohydrate trong sữa mẹ chưa tiệt trùng thường vào khoảng 7,0 đến 7,3 g / dL [1,34]. Để đáp ứng yêu cầu này, một trẻ sinh non với trọng lượng 1000 g được nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa hoàn toàn sẽ cần tiêu thụ khoảng 170 mL / kg / ngày, mức này nhiều hơn lượng mà một số trẻ có thể dung nạp được. Do đó, bên cạnh các mục tiêu về các chất dinh dưỡng đa lượng đã nêu ở trên, thì việc tăng cường chất bổ sung cho sữa mẹ là cần thiết nhằm đạt được lượng carbohydrate như khuyến nghị. Tăng cường sữa mẹ bằng cách thêm bột bổ sung dinh dưỡng cho sữa mẹ làm tăng hàm lượng carbohydrate trong thức ăn lên khoảng 8,7 g / dL (sử dụng HMF có nguồn gốc từ bò) hoặc 8,2 đến 8,5 g / dL (sử dụng HMF từ sữa mẹ).

 

Công thức cho trẻ sinh non - Hàm lượng carbohydrate trong sữa công thức dành cho trẻ sinh non thay đổi tùy theo nhà sản xuất và dao động từ 7,0 đến 10,9 g / dL.

 

Lactose – Lactose, là chuỗi disaccharide của glucose và galactose, đây là loại carbohydrate chủ yếu trong sữa mẹ, chiếm 70 đến 85% trong số carbohydrate[35], và có nhiều trong sữa công thức chuẩn dành cho trẻ đủ tháng. Nồng độ lactose trong sữa mẹ tăng lên trong thời kỳ cho con bú [35]. So với trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh non tiêu hóa đường lactose kém hơn do thiếu hụt men lactase trong quá trình phát triển. Ở những trẻ có tuổi thai từ 26 đến 34 tuần, lactase chỉ chiếm khoảng 30%  so với trẻ sinh đủ tháng [36,37].

Do trẻ sinh non có khả năng tiêu hóa lactose hạn chế, các nhà sản xuất sữa công thức thường thay thế một số lactose bằng xi-rô ngô và các glucose chuỗi ngắn. Tuy nhiên, ngay cả khi lactose được hấp thu kém ở ruột non, nó vẫn có những lợi ích sinh học quan trọng:

Sau khi đi qua ruột non nhưng không được tiêu hóa, lactose được lên men và hấp thu ở ruột già, quá trình này được xem như là con đường cứu cánh cho ruột non.

Lactose trong ruột già giúp tăng cường sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi trong ruột, bao gồm Lactobacillus và Bifidobacteria [38].

Lactose làm tăng hấp thu canxi [39], kẽm [40] và magiê [40] ở ruột.

 

OligosaccharidesOligosaccharides là carbohydrate phức hợp, chuỗi ngắn. Oligosaccharides có những lợi ích sinh học quan trọng, bao gồm prebiotic (ví dụ như, thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi), chức năng điều hòa miễn dịch và kháng khuẩn [41].

Sữa mẹ chứa hàng trăm loại oligosaccharide khác nhau, và đây là điểm đặc biệt của sữa mẹ so với các sữa của những loài động vật có vú khác. Nồng độ oligosaccharide cao trong sữa non và giảm dần ở sữa trưởng thành[35]. Tuy nhiên, thành phần của oligosaccharide vẫn khá nhất quán trong suốt thời kỳ cho con bú, điều đó cho thấy rằng oligosaccharides được xác định bởi các yếu tố di truyền nội tại hơn là các yếu tố ngoại sinh như sức khỏe và chế độ ăn uống của người mẹ [35].

Giống như các thành phần khác trong sữa mẹ, oligosaccharide khác nhau giữa các cá thể. Một số ít bằng chứng cho thấy rằng sự thay đổi thành phần oligosaccharide trong sữa mẹ có thể góp phần vào nguy cơ mắc một số bệnh của trẻ sơ sinh, chẳng hạn như viêm ruột hoại tử. Một ví dụ, nồng độ disialyllacto-Ntetraose (DSLNT) thấp trong sữa mẹ có liên quan đến tăng nguy cơ viêm ruột hoại tử ở nhóm trẻ sinh non có trọng lượng <1500 g [42,43].

Một số thử nghiệm ngẫu nhiên ở trẻ đủ tháng đã đánh giá tác dụng của việc bổ sung oligosaccharid tổng hợp trong sữa công thức. Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa công thức có bổ sung oligosaccharide có hệ vi sinh đường ruột tương tự như trẻ bú sữa mẹ, giảm các cytokine gây viêm trong huyết tương, giảm nhiễm trùng đường hô hấp và giảm sử dụng kháng sinh [44-48]. Ở trẻ sinh non tháng được nuôi bằng sữa công thức, các nghiên cứu nhỏ cho thấy việc bổ sung oligosaccharide cải thiện khả năng dung nạp tiêu hóa; tăng lượng bifidobacteria đường ruột; và giảm độ nhớt, độ pH của phân và tần suất đại tiện [49-52]. Ngược lại, khi so sánh với nhóm chứng, không có sự khác biệt có ý nghĩa về các chỉ dấu của tình trạng viêm ruột, tính thấm ruột, tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm, hoặc khả năng đáp ứng với vắc xin [53-57].  Hiện vẫn còn thiếu các nghiên cứu lớn về việc bổ sung oligosaccharide trong sữa dành cho trẻ sinh non tháng.

SỮA MẸ HIẾN TẶNG

Sữa từ người mẹ hiến tặng phải được tiệt trùng nhằm giảm thiểu những rủi ro sinh học, bên cạnh các biện pháp an toàn khác [58,59]. Cùng với yếu tố tuổi của người mẹ hiến tặng, các dạng quy trình thanh trùng cũng làm thay đổi hàm lượng dinh dưỡng trong sữa. Sữa mẹ hiến tặng có lượng protein, enzym tiêu hóa và nồng độ axit béo không bão hòa đa chuỗi dài (LCPUFAs) thấp hơn so với sữa mẹ thông thường.