ĐIỆN GIẢI, NGUYÊN TỐ VI LƯỢNG, KHOÁNG CHẤT VÀ VITAMIN Ở TRẺ SINH NON

7 phút đọc /
Sự phát triển của trẻ

Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ và sữa công thức dành cho trẻ sinh non

ĐIỆN GIẢI, NGUYÊN TỐ VI LƯỢNG, KHOÁNG CHẤT VÀ VITAMIN Ở TRẺ SINH NON


Natri - Nhu cầu natri ở trẻ sinh non là 69 đến 115 mg/kg/ngày (3 đến 5 mEq/kg/ngày) hoặc 63 đến 105 mg/100 kcal (2,7 đến 4,6 mEq/100 kcal) [1]. Hạ natri máu khởi phát muộn (nồng độ natri huyết thanh <130 mmol/L ở tuần thứ hai sau sinh) thì khá phổ biến, xảy ra ở 20% trẻ sinh non. So với trẻ bú sữa công thức hoàn toàn hoặc một phần thì nhũ nhi chỉ bú sữa mẹ hoặc sữa mẹ tăng cường có nguy cơ hạ natri máu cao hơn. Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, có tới 40% trẻ sơ sinh nhẹ cân dưới 1000g bị hạ natri máu khởi phát muộn.

So với sữa mẹ của thai phụ sinh đủ tháng, sữa của những người mẹ sinh non có hàm lượng natri cao hơn nhưng lại giảm nhanh trong hai tuần đầu sau sinh, xuống bằng với mức sữa mẹ đủ tháng (khoảng 12 đến 25 mg/dL) [60,61]. Tăng cường sữa mẹ bằng cách thêm chất bổ sung dinh dưỡng cho sữa mẹ (HMF) giúp tăng thêm 27,6 đến 41,4 mg/dL (1,2 đến 1,8 mEq/dL) đối với HMF dựa trên bò hoặc 50,6 đến 55,2 mg/dL (2,2 đến 2,4 mEq/dL) cho HMF dựa trên sữa mẹ. Tuy nhiên, ngay cả sau khi bổ sung, trẻ sinh non đôi khi cần thêm 45 đến 140 mg Natri/kg/ngày (2 đến 6 mEq/kg/ngày), thường được cung cấp bằng cách cho thêm natri clorua (muối) vào thức ăn (ví dụ: dung dịch muối 23,4% cung cấp 4 mEq Natri/mL). Nguy cơ hạ natri máu khởi phát muộn và nhu cầu bổ sung natri thường kéo dài trong một đến hai tháng đầu đời sau sinh. Hầu hết trẻ sơ sinh không còn cần bổ sung natri vào thời điểm xuất viện [62].

Hàm lượng natri trong sữa công thức dành cho trẻ sinh non là 30 đến 71 mg/dL (1,3 đến 3,1 mEq/dL). Mặc dù sữa công thức dành cho trẻ sinh non cung cấp nhiều natri hơn sữa mẹ không tăng cường nhưng một số trẻ bú sữa công thức vẫn có thể bị hạ natri máu giai đoạn muộn và cần phải bổ sung thêm natri.

Can-xi và phốt-pho – Trẻ cần khoảng 150 đến 220 mg can-xi /kg/ngày, và nhu cầu phốt-pho là 75 đến 140 mg/kg/ngày [63].

Sữa mẹ cần được bổ sung thêm canxi và phốt pho để đạt đủ những nhu cầu này và hỗ trợ sự phát triển xương ở trẻ sinh non. Việc bổ sung thường xuyên các khoáng chất này đã làm giảm đáng kể nguy cơ bị còi xương và gãy xương. Tuy nhiên, mặc dù đã được bổ sung nhưng trẻ sinh non vẫn có nhiều nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa xương; nguy cơ này tỷ lệ nghịch với tuổi thai và cân nặng lúc sinh. Thật vậy, 40 đến 60% trẻ sơ sinh với tuổi thai cực thấp có bằng chứng X quang và/hoặc sinh hóa về bệnh chuyển hóa xương [64,65].

Vitamin D và sắt - Sữa mẹ có ít vitamin D và sắt. Do đó, trẻ sinh non bú sữa mẹ cần được bổ sung thêm vitamin D và sắt để đáp ứng đủ nhu cầu.

Những vitamin và khoáng chất khác - Sữa mẹ không chứa đủ lượng kẽm, kali và magiê để đáp ứng nhu cầu của trẻ sinh non; những chất dinh dưỡng này thường được bao gồm trong HMFs và sữa công thức dành cho trẻ sinh non. Mức tiêu thụ khuyến nghị của những chất này và các chất dinh dưỡng khác được liệt kê trong bảng. Nhu cầu kẽm cho trẻ sinh non là khoảng 1,4 đến 2,5 mg/kg/ngày, cao hơn đáng kể so với lượng cung cấp kẽm ở sữa mẹ không được bổ sung chất dinh dưỡng [1]. Những nhu cầu này chủ yếu dựa trên các nghiên cứu về cân bằng vi chất dinh dưỡng và bằng chứng gián tiếp từ các quần thể khác chỉ ra rằng, kẽm rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và chức năng miễn dịch của trẻ [66]. Việc bổ sung nhiều hơn mức khuyến nghị được chứng minh là không có lợi ích và có thể ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu đồng.

NHỮNG LIÊN KẾT HƯỚNG DẪN XÃ HỘI

Những hướng dẫn do chính phủ tài trợ từ các quốc gia và khu vực trên thế giới được cung cấp riêng biệt.

 

TÓM TẮT VÀ KHUYẾN NGHỊ

 

Sữa mẹ là chế độ ăn được khuyến nghị cho trẻ sinh non. Sữa mẹ cung cấp hầu hết các chất dinh dưỡng thiết yếu cũng như một số thành phần có hoạt tính sinh học hỗ trợ sự phát triển tối ưu về thể chất và thần kinh, chức năng miễn dịch, hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh và cũng giúp ngừa những bệnh viêm ruột hoại tử.

So với trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh non có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn.

Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng sữa mẹ lại không cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng đối với lượng sữa mà trẻ sinh non có thể dung nạp được. Vì vậy, việc tăng cường bột bổ sung dinh dưỡng cho sữa mẹ (HMF) là cần thiết để cung cấp đủ protein, canxi, phốt pho và natri, giúp hỗ trợ tăng trưởng, ngăn ngừa bệnh chuyển hóa xương và hạ natri máu khởi phát muộn.

Bột bổ sung chất dinh dưỡng cho sữa mẹ cũng bổ sung kẽm, kali và magiê nhằm đáp ứng nhu cầu ước tính của trẻ sinh non.

Chất đạm - Sữa mẹ có tỷ lệ whey: casein cao hơn (khoảng 80:20) sữa bò. Ngoài ra, 10 đến 25 phần trăm protein trong sữa mẹ là nitơ nonprotein, bao gồm các axit amin tự do, có lợi cho trẻ sinh non vì chúng được hấp thu nhanh hơn. Sữa công thức dành cho trẻ sinh non được bổ sung thêm đạm whey từ sữa bò để tỷ lệ whey:casein giống với sữa mẹ, nhưng thành phần axit amin vẫn khác với sữa mẹ và lượng nitơ nonprotein thấp hơn. Hàm lượng protein trong sữa mẹ giảm đi đáng kể trong quá trình cho con bú.

Chất béo – Hàm lượng chất béo trong sữa mẹ khác nhau ở mỗi người, thậm chí là khác biệt ở các mẫu của cùng một người mẹ. Hàm lượng chất béo thường tăng trong thời kỳ cho bé bú (sữa trưởng thành hơn) và cao hơn ở các mẫu được lấy sau đó trong ngày, với khoảng cách giữa các lần bú dài hơn hoặc vào cuối bữa ăn (sữa cuối cữ bú).

Hầu hết chất béo trong sữa mẹ là các dạng của triglycerides (chuỗi ngắn, trung bình, hoặc chuỗi dài; bão hòa, đơn hoặc không bão hòa đa). Chất béo phức tạp tạp (bao gồm cholesterol và sphingolipid) dù chiếm lượng nhỏ nhưng lại có hoạt tính sinh học quan trọng.

Carbohydrate - Lactose là carbohydrate chủ yếu trong sữa mẹ. Bởi vì trẻ sinh non bị thiếu hụt men lactase trong quá trình phát triển, trẻ có thể không hấp thụ được tất cả lượng đường lactose trong sữa mẹ.

Tuy nhiên, lactose không được hấp thu có thể được lên men và hấp thu ở ruột già (con đường cứu cánh ở ruột) và cũng thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật khỏe mạnh tại đại tràng. Sữa mẹ cũng chứa oligosaccharid. Các carbohydrate phức hợp, chuỗi ngắn này có một số lợi ích sinh học quan trọng, bao gồm prebiotic (thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi), chức năng điều hòa miễn dịch và kháng khuẩn.