TÌNH HÌNH NHIỄM COVID-19 Ở TRẺ EM TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

5 phút đọc /
Phác đồ công cụ hỗ trợ lâm sàng

Tình Hình Nhiễm Covid-19 Ở Trẻ Em Trên Thế Giới Và Việt Nam

Trên thế giới

Nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ em và thanh thiếu niên ít gây bệnh nặng hơn và tỉ lệ tử vong cũng thấp hơn so với người lớn. Cho đến nay, khảo sát đánh giá trẻ em mắc COVID-19 lớn nhất được thực hiện trên 2143 trẻ em ở Trung Quốc. Kết quả cho thấy chỉ 112 (5,6%) trong số 2143 trẻ mắc bệnh nặng (được định nghĩa là thiếu oxy) và 13 (0,6%) trẻ bị suy hô hấp hoặc suy đa cơ quan hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Theo thống kê của UNICEF, số trẻ em tử vong do COVID-19 tại 78 quốc gia là 8.700, chiếm tỷ lệ 0,3%. Tại Mỹ, từ tháng 7, số bệnh nhi COVID-19 ở Mỹ đã tăng khoảng 240%.

Những con số này hoàn toàn trái ngược với tỷ lệ tử vong toàn cầu 4% ở người lớn mắc COVID-19. Mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em là thấp, các chuyên gia y tế và phụ huynh ở Anh vẫn rất quan tâm đến sức khỏe của trẻ em.

Bên cạnh việc cho rằng một đợt nhiễm với các triệu chứng nhẹ là tích cực, có những lo ngại rằng các triệu chứng nhẹ có thể dẫn đến việc ít kiểm tra hơn, dẫn đến bỏ sót các trường hợp COVID-19 ở trẻ em hơn. Nếu trẻ em có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng truyền bệnh, chúng có thể đóng vai trò là tác nhân truyền bệnh trong cộng đồng của chúng.

Hiểu rõ các triệu chứng, khả năng lây nhiễm và các kiểu lây truyền SARS-CoV-2 ở trẻ em và thanh thiếu niên là điều cần thiết để phát triển, thích ứng và cải thiện các biện pháp kiểm soát COVID-19 ở mọi lứa tuổi.

Tại Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh đang có 2.090 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Phần lớn trẻ em trong số đó không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số trẻ em mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch này đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Từ 5/7 tới 30/7/2021, có tới khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi.

Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình, tuy nhiên, cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em. May mắn là hầu hết trẻ mắc COVID-19 đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.

TÌNH HÌNH NHIỄM COVID-19 Ở TRẺ EM TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM.jpg

Tại sao trẻ em nhiễm Covid-19 nhẹ hơn người lớn?

Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu lí giải cụ thể điều này, tuy nhiên một số giả thuyết được đưa ra tương đối thuyết phục có thể kể đến:

  • Biểu hiện ACE2 là thụ thể SARS-Cov-2 của trẻ em ít hơn ở người lớn

  • Tần suất tiêm chủng ở trẻ em tạo ra khả năng miễn dịch đầy đủ trong giai đoạn này

  • Ở trẻ em kháng thể tự nhiên tốt hơn người lớn nên phản ứng nhanh hơn các tác nhân lây nhiễm

  • MDA5- thụ thể nhận diện SARS-CoV-2 ở khoang mũi, kích hoạt sản sinh interferon tiêu diệt tác nhân gây bệnh

  • Virus Corona cảm lạnh thường gặp ở trẻ em đã tạo ra bảo vệ chéo chống SARS-Cov-2

  • Trẻ em sản sinh lượng protein interferon và interleukin tiêu diệt mầm bệnh cao hơn trong phản ứng miễn dịch bấm sinh

  • Trẻ em ít hình thành cục máu đông khi nhiễm COVID-19

Nguyên nhân nào khiến tỉ lệ mắc/tỉ lệ bệnh nặng ở trẻ tăng trong thời gian gần đây?

  • Xuất hiện biến chủng delta

  • Tỉ lệ người lớn nhiễm tăng

  • Trẻ chưa được chích vaccine phòng Covid-19

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Sinha, Ian P., et al. "COVID-19 infection in children." The Lancet Respiratory Medicine 8.5 (2020): 446-447.

2. WHO,”COVID-19 disease in children and adolescents: Scientific brief, 29 September 2021”, link: https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-Sci_Brief-Children_and_adolescents-2021.1

3. Tạp chí Sức khỏe&Đời sống, “5% ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ em, bảo vệ con như thế nào?”, link: https://suckhoedoisong.vn/5-ca-mac-covid-19-o-ha-noi-la-tre-em-bao-ve-con-nhu-the-nao-169210803080033065.htm

4. Tạp chí Sức khỏe&Đời sống, “Lý giải nguyên nhân trẻ em miễn dịch với COVID-19 tốt hơn người lớn” , link: https://suckhoedoisong.vn/ly-giai-nguyen-nhan-tre-em-mien-dich-voi-covid-19-tot-hon-nguoi-lon-phan-3-169211007153536685.htm