Đau tăng trưởng - Chẩn đoán và điều trị

3 phút đọc /
Sự phát triển của trẻ

Phần 2: Chẩn đoán và điều trị

CHẨN ĐOÁN

Đau tăng trưởng là một chẩn đoán loại trừ. Chẩn đoán thường dựa vào lâm sàng trên một trẻ khỏe mạnh có cơn đau điển hình, thường không xảy ra vào ban ngày. Các thăm khám lâm sàng cũng như hệ cơ xương khớp thường không ghi nhận bất thường. Xét nghiệm và hình ảnh học thường không cần thiết để thiết lập chẩn đoán.
Các đặc điểm của cơn đau giúp gợi ý chẩn đoán đau tăng trưởng gồm:
●    Cơn đau thường xảy ra vào cuối ngày hoặc khiến trẻ thức giấc.
●    Đau không liên quan đến khớp.
●    Cơn đau xuất hiện ít mỗi tháng một lần và kéo dài ít nhất ba tháng.
●    Đau không liên tục, với khoảng thời gian không có triệu chứng kéo dài ít nhất là vài ngày. 
●    Cơn đau có thể tăng lên khi hoạt động nhiều hơn trong ngày.
●    Khám lâm sàng bình thường.
●    Cận lâm sàng, nếu được thực hiện, cho kết quả bình thường.

CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
●    Chấn thương
●    Khối u xương và bệnh lý huyết học ác tính (bạch cầu cấp,…)
●    Nhiễm trùng
●    Hoại tử xương
●    Các bệnh lý chuyển hoá
●    Bệnh hồng cầu hình liềm
●    Các bệnh lý khớp (bao gồm viêm khớp thiếu niên vô căn)

1

 

ĐIỀU TRỊ

Có rất ít tài liệu về điều trị đau tăng trưởng ở trẻ em, và hầu như không có các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng được thực hiện. Giáo dục bệnh nhân và gia đình là một phần quan trọng của việc điều  trị giúp họ hiểu được bản chất lành tính của đau tăng trưởng nhằm giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi.

Kiểm soát cơn đau bằng cách xoa bóp, thuốc giảm đau (ví dụ: acetaminophen hoặc ibuprofen) và chườm nóng. Thông thường, đối với các cơn đau đánh thức đứa trẻ nhiều lần vào ban đêm hoặc sau một ngày trẻ có nhiều hoạt động thể lực, có thể cần cho acetaminophen, ibuprofen trước khi ngủ hoặc thuốc giảm đau tác dụng kéo dài hơn như naproxen.

Những bệnh nhân có nồng độ vitamin D thấp nên được bổ sung vitamin D và canxi.

Người chăm sóc nên khuyến khích trẻ tiếp tục các hoạt động thường ngày.

Các bài tập kéo giãn cơ có thể làm giảm các triệu chứng mãn tính. 

Vật lý trị liệu và/ hoặc chỉnh hình bàn chân có thể giúp ích cho trẻ bị hội chứng người dẻo, chân lệch trục, biến dạng vẹo ngoài khớp gối và/hoặc khả năng giữ thăng bằng kém.

Nhìn chung, không cần theo dõi lâm sàng. Tuy nhiên, những đứa trẻ có tần suất hoặc mức độ đau tăng dần có thể cần đánh giá chuyên sâu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19793673/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28177851/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31041161/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29962219/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24157095/
https://www.uptodate.com/contents/growing-pains#H13