Đau tăng trưởng - Bệnh học, Lâm sàng và Dịch tễ

4 phút đọc /
Sự phát triển của trẻ

Phần 1: Giới thiệu, định nghĩa, bệnh học, lâm sàng và dịch tễ

GIỚI THIỆU

Những cơn đau ở chi tái phát, tự giới hạn ở trẻ mà không rõ nguyên nhân được gọi là đau tăng trưởng hay còn có tên gọi khác là "đau vô căn về đêm ở trẻ em", thường lành tính và tự giới hạn trong vòng một hoặc hai năm kể từ khi khởi phát. Tuy nhiên, những cơn đau này có thể khiến ba mẹ và trẻ lo lắng. Đau tăng trưởng cần được phân biệt với những cơn đau do nguyên nhân bệnh lý thực thể.

ĐỊNH NGHĨA

Không có định nghĩa thống nhất về đau tăng trưởng. Nhìn chung, thuật ngữ "đau tăng trưởng" được sử dụng để mô tả những cơn đau khiến trẻ thức giấc về đêm (hoặc trong giấc ngủ trưa) mà không có bất kỳ biểu hiện nào của các vấn đề cơ xương khớp.

BỆNH HỌC

Nguyên nhân thật sự của đau tăng trưởng vẫn chưa được biết.

Đã có nhiều giả thuyết được đặt ra, dù vẫn chưa thể thống nhất được. Đã có nhiều nghiên cứu về thay đổi mức độ tưới máu, tuy nhiên kết quả lại không cho thấy sự tương quan có ý nghĩa. Có vài bằng chứng về mối tương quan giữa đau tăng trưởng và giảm mật độ xương khi trưởng thành, tuy nhiên, một lần nữa các bằng này vẫn còn hạn chế.  

Một vài yếu tố được cho là nguyên nhân bao gồm mệt mỏi, các bất thường ở mức độ nhẹ về xương khớp và tư thế, hội chứng người dẻo, hội chứng chân không yên và các trẻ tăng hoạt động chi quá mức.

Một số nghiên cứu thấy rằng nồng độ Vitamin D huyết thanh thấp cùng với các yếu tố cơ học cũng có thể là nguyên nhân gây đau. 
Một nghiên cứu khác cho thấy các yếu tố như sinh non, nhẹ cân (<3000g), chu vi vòng đầu nhỏ và chiều dài khi sinh ngắn có sự liên quan đến đau tăng trưởng, ngoài ra còn có các yếu tố làm giảm hàm lượng và mật độ xương thời thơ ấu. 

Một vài nghiên cứu có chứng cứ mạnh chỉ ra rằng biến dạng vẹo ngoài khớp gối, ngưỡng chịu đau thấp, di truyền và yếu tố tâm lý có liên quan đến việc khởi phát cơn đau tăng trưởng. 
 

1

 

 LÂM SÀNG VÀ DỊCH TỂ

●    Đau tăng trưởng xuất hiện với tần suất 3 - 47% ở trẻ từ 3 đến 12 tuổi.
●    Một kết quả nghiên cứu khác ở Hy Lạp ghi nhận tần suất trung bình là 24,5%.
●    Đau chủ yếu ở chi dưới, đôi khi kèm chi trên.
●    Đau ở cả hai bên và nằm sâu trong chân, thường là đùi, bắp chân, hố khoeo hoặc ống quyển.
●    Đau tự phát và có thể mức độ dữ dội.
●    Ở trẻ lớn hơn (6 đến 12 tuổi), cơn đau có thể được mô tả như chuột rút, cảm giác rùng mình hoặc chân không yên.
●    Cơn đau xuất hiện chủ yếu vào buổi tối hoặc ban đêm và có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Nó thường tự khỏi vào buổi sáng, nhưng một số bệnh nhân có thể bị vào cả ban ngày, có thể dẫn đến hạn chế các hoạt động thường ngày.
●    Cơn đau đáp ứng với xoa bóp, chườm nóng hoặc các thuốc giảm đau đầu tay như acetaminophen hoặc ibuprofen.
●    Các hoạt động thường ngày ít bị giới hạn.
●    Khám lâm sàng sau cơn đau thường không phát hiện bất thường.
●    Ghi nhận có khoảng một phần ba các bệnh nhân có kèm đau bụng tái phát và/hoặc đau đầu.
●    Tiền căn gia đình có đau tăng trưởng hoặc có bệnh thấp khớp khá phổ biến.
●    Các cơn đau thường mãn tính nhưng diễn ra theo từng đợt, thường xảy ra ít nhất một lần một tuần, với thời gian lên đến nhiều năm và kéo dài đến tuổi vị thành niên. Giữa các đợt có thể hoàn toàn không có triệu chứng.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19793673/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28177851/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31041161/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29962219/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24157095/
https://www.uptodate.com/contents/growing-pains#H13