Vắc-xin mRNA COVID-19 an toàn, hiệu quả cho phụ nữ mang thai
Vắc-xin mRNA COVID-19 an toàn, hiệu quả cho phụ nữ mang thai
Đăng ngày 1/6/2021 bởi bác sĩ Francis Collins – Giám Đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH)
Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy vắc xin COVID-19 (Pfizer và Moderna) có hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của coronavirus SARS-CoV-2 ở những đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Chúng ta kỳ vọng rằng vắc xin cũng sẽ hoạt động tốt trong việc bảo vệ phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không được chọn để tham gia các thử nghiệm lâm sàng trong những thí nghiệm tiên phong, dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin ở nhóm người quan trọng này bị hạn chế.
Vì vậy, tôi rất vui khi báo cáo kết quả từ hai nghiên cứu mới nhất cho thấy hai loại vắc xin COVID-19 mRNA hiện có ở Hoa Kỳ hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai. Những thai phụ tham gia nghiên cứu có phản ứng tốt với vắc-xin, tạo đủ mức kháng thể trung hòa cần thiết và các tế bào miễn dịch – tế bào T nhớ, có tác dụng bảo vệ lâu dài hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vắc-xin có thể bảo vệ nhũ nhi khi người mẹ đã được tiêm chủng.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA [1], nhóm nghiên cứu được Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) hỗ trợ và dẫn đầu bởi Dan Barouch, Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess và Trường Y Harvard, Boston, muốn tìm hiểu liệu vắc xin có thể bảo vệ được người mẹ và con trẻ hay không. Họ đã tuyển 103 phụ nữ trong khoảng 18 – 45 tuổi, chọn tiêm vắc xin mRNA của Pfizer / BioNTech hoặc Moderna từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021. Mẫu nghiên cứu bao gồm 30 phụ nữ mang thai, 16 phụ nữ trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ và 57 phụ nữ đang không mang thai cũng không nuôi con bằng sữa mẹ. Phụ nữ mang thai trong nghiên cứu này được tiêm liều vắc-xin đầu tiên trong tam cá nguyệt bất kỳ, hầu hết đều tiêm vắc-xin vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Nhìn chung, vắc-xin được dung nạp tốt dù có một số người trong mỗi nhóm bị sốt thoáng qua sau liều vắc-xin thứ hai. Đây là tác dụng phụ phổ biến ở tất cả các nhóm người đã từng được nghiên cứu.
Sau khi tiêm chủng, phụ nữ ở tất cả các nhóm đều tạo ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Điều quan trọng là kháng thể này đã vô hiệu hóa các biến thể SARS-CoV-2 đáng quan tâm. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy kháng thể trong máu từ cuống rốn của nhũ nhi và từ sữa mẹ, cho thấy kháng thể được mẹ truyền lại và có khả năng bảo vệ nhũ nhi trong giai đoạn đầu đời.
Nghiên cứu còn lại được hỗ trợ bởi NIH đã công bố trên tạp chí Sản khoa & Phụ khoa (Obstetrics & Gynecology), được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Jeffery Goldstein, Trường Y khoa Northwestern’s Feinberg, Chicago [2]. Để tìm hiểu xem có bất kỳ mối lo ngại về an toàn nào có thể xảy ra đối với phụ nữ mang thai, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm xem có tác động tiêu cực nào của việc tiêm phòng ảnh hưởng đến nhau thai, cơ quan quan trọng nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ hay không. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu không phát hiện dấu hiệu cho thấy vắc-xin dẫn đến bất kỳ tổn thương không mong muốn nào đối với nhau thai. Nghiên cứu thực hiện trên 84 phụ nữ được tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 trong khi mang thai, hầu hết trong tam cá nguyệt thứ ba. Tương tự nghiên cứu trước, nhóm nghiên cứu này phát hiện rằng phụ nữ mang thai được tiêm chủng có phản ứng mạnh với vắc xin, tạo đủ mức kháng thể trung hòa cần thiết.
Nhìn chung, cả hai nghiên cứu đều cho thấy vắc-xin mRNA COVID-19 an toàn và hiệu quả đối với thai kỳ, mang lại lợi ích cho cả mẹ và con. Nếu phụ nữ mang thai mắc COVID-19, khả năng cao họ sẽ bị bệnh nặng hơn phụ nữ không mang thai [3]. Thai phụ được khuyến khích tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa về việc tiêm chủng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đối với phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ thì cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình chống lại COVID-19 là tiêm một trong hai loại vắc-xin mRNA hiện đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Tài liệu tham khảo
[1] Immunogenicity of COVID-19 mRNA vaccines in pregnant and lactating women. Collier AY, McMahan K, Yu J, Tostanoski LH, Aguayo R, Ansel J, Chandrashekar A, Patel S, Apraku Bondzie E, Sellers D, Barrett J, Sanborn O, Wan H, Chang A, Anioke T, Nkolola J, Bradshaw C, Jacob-Dolan C, Feldman J, Gebre M, Borducchi EN, Liu J, Schmidt AG, Suscovich T, Linde C, Alter G, Hacker MR, Barouch DH. JAMA. 2021 May 13.
[2] Severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 (SARS-CoV-2) vaccination in pregnancy: Measures of immunity and placental histopathology. Shanes ED, Otero S, Mithal LB, Mupanomunda CA, Miller ES, Goldstein JA. Obstet Gynecol. 2021 May 11.
[3] COVID-19 vaccines while pregnant or breastfeeding. Centers for Disease Control and Prevention