YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG HỆ VI SINH ĐƯỜNG RUỘT VÀ HỆ QUẢ MIỄN DỊCH

5 phút đọc /
Tiêu hóa và dinh dưỡng

Các yếu tố quyết định hệ vi sinh đường ruột trong giai đoạn đầu đời và ảnh hưởng của chúng đối với hệ miễn dịch 

Thông điệp chính 

  • Rối loạn hệ khuẩn ruột (do thay đổi cấu trúc hệ vi sinh vật và sự kém đa dạng) thường gặp ở trẻ sinh mổ hơn trẻ sinh ngã âm đạo, trẻ bú sữa công thức hơn so với sữa mẹ, điều này có thể định hình hoặc ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột sau này. 

  • Cả 2 yếu tố không cho trẻ bú sữa mẹ và sinh mổ có mối liên hệ độc lập với những nguy cơ gây bệnh liên quan đến miễn dịch, bảo vệ cũng như là viêm. Những bệnh lý này bao gồm nhiễm trùng, dị ứng, bệnh viêm ruột, bệnh bạch cầu. Và những vấn đề sức khỏe này cũng liên quan đến rối loạn hệ khuẩn ruột.  

  • Rối loạn hệ khuẩn ruột giai đoạn đầu đời do những yếu tố xác định như sinh mổ và thiếu bú sữa mẹ là mối liên hệ chính, và có khả năng là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề sức khỏe cấp và mạn tính sau này

Hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và chức năng của cơ chế bảo vệ miễn dịch (ví dụ: cơ chế liên quan với nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm), cũng như chức năng điều hòa miễn dịch (ví dụ: chức năng liên quan với nguy cơ dị ứng, bệnh viêm ruột, khối u). 

Sự phát triển của hệ sinh học phức tạp này ở mỗi trẻ sơ sinh được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố quyết định: di truyền, yếu tố từ mẹ (bao gồm trước sinh) và môi trường. Bên cạnh những yếu tố môi trường, bao gồm cả địa lý, cấu trúc gia đình, thú nuôi, thuốc kháng sinh; thì cho đến nay, phương thức sinh (mổ lấy thai so với sinh ngả âm đạo) và kiểu cho ăn (bú mẹ so với các sản phẩm thay thế khác) có vẻ là yếu tố chủ chốt trong sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột của mỗi cá thể ở giai đoạn đầu đời.

Nuôi con bằng sữa mẹ thúc đẩy hệ vi sinh vật phát triển với sự đa dạng đặc trưng và chiếm ưu thế của các loài cụ thể, đặc biệt là hệ vi khuẩn bifidobacteria và lactobacilli, thông qua nhiều cơ chế, bao gồm thành phần vi khuẩn và oligosaccharid trong sữa mẹ. Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ dễ bị rối loạn hệ khuẩn ruột -  thường được mô tả là thay đổi cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột và tính đa dạng, khi so sánh với nhóm trẻ bú mẹ.

Về mặt lâm sàng, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thường được bảo vệ khỏi các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm sữa thay thế. Chúng bao gồm giảm nguy cơ nhiễm trùng và bệnh lý miễn dịch như hen suyễn, các bệnh dị ứng khác, bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh bạch cầu, cũng như bệnh lý chuyển hóa (béo phì và đái tháo đường tuýp 2). Đáng chú ý là, tất cả những vấn đề sức khỏe nêu trên đều liên quan đến rối loạn hệ khuẩn ruột sau này.  

Tương tự, so với sinh ngã âm đạo, trẻ sinh bằng phương pháp mổ lấy thai được cho thấy là có liên quan đến hệ vi sinh vật kém đa dạng và cấu trúc vi sinh vật bị thay đổi, bao gồm cả sự hiện diện thấp hơn của bifidobacteria1. Ngày càng có nhiều báo cáo về mối liên hệ chặt chẽ giữa sinh mổ và bệnh lý ở giai đoạn sơ sinh và cả sau này.

Sinh mổ làm tăng nguy cơ viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng đường hô hấp và viêm tai giữa. Nó cũng được chứng minh là có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ nhập viện đối với viêm dạ dày ruột cấp tính trong hai năm đầu đời và nguy cơ này càng trầm trọng hơn đối với những trẻ không được bú sữa mẹ.3 Sinh mổ cũng làm tăng nguy cơ béo phì 4 và đái tháo đường tuýp 2. Đáng chú ý nhất, nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng, bao gồm hen suyễn, viêm da dị ứng và đặc biệt là dị ứng thực phẩm.5  Và nguy cơ tương đối với bệnh bạch cầu, đặc biệt là bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho dường như cũng tăng lên.6

Lưu ý rằng, tất cả những tình trạng này cũng liên quan đến rối loạn hệ khuẩn ruột. Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa sinh mổ và bệnh lý và các nghiên cứu tiền cứu dài hạn vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, những thay đổi về thành phần vi sinh vật, sự đa dạng và sự trưởng thành dường như đi trước những biểu hiện này.7

Rõ ràng rằng, rối loạn hệ khuẩn ruột ở giai đoạn đầu đời (do những yếu tố xác định như sinh mổ và thiếu bú sữa mẹ) là mối liên hệ chính, và có khả năng là một yếu tố căn nguyên trong biểu hiện nguy cơ của nhiều tình trạng sức khỏe cấp và mãn tính. Việc sử dụng các loài và chủng vi khuẩn bifidobacteria (ví dụ: B. Infantis, B. lactis) và lactobacilli (L. rhamnosus, L. reuteri) như probiotic đã được chứng minh là có tác dụng đối với bệnh truyền nhiễm đường ruột và đường hô hấp, và có tác dụng trong việc điều chỉnh chức năng hàng rào ruột, tiết IgA và điều hòa hoạt động của tế bào lympho T. Do đó, probiotic có khả năng giảm chứng loạn khuẩn ruột liên quan đến việc sinh mổ và thiếu bú mẹ cũng như các hậu quả liên quan về miễn dịch lâu dài của nó.

 

Rối loạn hệ khuẩn ruột là mẫu số chung cho những nguy cơ sức khỏe liên quan đến kiểu sinh và kiểu cho ăn giai đoạn đầu đời 

Rối loạn hệ khuẩn ruột

Hình 1: Rối loạn hệ khuẩn ruột giai có khả năng là yếu tố căn nguyên dẫn đến những vấn đề sức khỏe cấp và mạn tính.

 

Tài liệu tham khảo: 

1. Andersen V, et al. Caesarean Delivery and Risk of Chronic Inflammatory Diseases
(Inflammatory Bowel Disease, Rheumatoid Arthritis, Coeliac Disease, and Diabetes Mellitus): A Population Based Registry Study of 2,699,479 Births in Denmark During 1973-2016. Clin Epidemiol. 2020 Mar 9;12:287-293. doi: 10.2147/CLEP.S229056. PMID: 32210632; PMCID: PMC7073427.
2. Bentley JP, et al. Gestation at birth, mode of birth, infant feeding and childhood
hospitalization with infection. Acta Obstet Gynecol Scand. 2018 Aug;97(8):988-997. doi: 10.1111/aogs.13371. Epub 2018 May 29. PMID: 29768650.
3. Darmasseelane K, et al. Mode of delivery and offspring body mass index, overweight and obesity in adult life: a systematic review and meta-analysis. PLoS One. 2014 Feb
26;9(2):e87896. doi: 10.1371/journal. pone.0087896. Erratum in: PLoS One.
2014;9(5):e97827. PMID: 24586295; PMCID: PMC3935836.
4. Galazzo G, et al. Development of the Microbiota and Associations With Birth Mode,
Diet, and Atopic Disorders in a Longitudinal Analysis of Stool Samples, Collected From
Infancy Through Early Childhood. Gastroenterology. 2020 May;158(6):1584-1596.
doi: 10.1053/j.gastro.2020.01.024. Epub 2020 Jan 18. PMID: 31958431.
5. Hesla HM et al. Impact of lifestyle on the gut microbiota of healthy infants and their
mothers—the ALADDIN birth cohort. FEMS Microbiol Ecol. 2014 Dec;90(3):791-801. doi: 10.1111/1574-6941.12434. Epub 2014 Nov 3. PMID: 25290507.
6. Jiang LL, et al. Cesarean section and risk of childhood leukemia: a systematic review and meta-analysis. World J Pediatr. 2020 Oct;16(5):471-479. doi: 10.1007/s12519-020- 00338-4. Epub 2020 Feb 11. PMID: 32048234.
7. Mitselou N, et al. Cesarean delivery, preterm birth, and risk of food allergy: Nationwide Swedish cohort study of more than 1 million children. J Allergy Clin Immunol. 2018 Nov;142(5):1510-1514.e2. doi: 10.1016/j. jaci.2018.06.044. Epub 2018 Sep 10. PMID: 30213656.