Lancet trình bày bối cảnh suy dinh dưỡng ở người mẹ & trẻ em

10 phút đọc /
Tiêu hóa và dinh dưỡng
banner

Tờ Lancet ngày hôm nay đã xuất bản Loạt bài mới nhất về Tiến trình suy dinh dưỡng ở người mẹ và trẻ em, gồm ba bài báo mới được xây dựng dựa trên những khám phá từ chuỗi bài vào năm 2008 và 2013 trước đó, thiết lập một chương trình nghị sự toàn cầu dựa trên bằng chứng khoa học để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng trong thập kỷ vừa qua. Các bài báo kết luận rằng mặc dù có những tiến bộ khiêm tốn trong một số lĩnh vực, tình trạng suy dinh dưỡng ở người mẹ và trẻ em vẫn là mối quan tâm lớn của nhân loại trong vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những thành quả gặt hái được gần đây có thể bị mất mát bởi đại dịch COVID-19. Loạt bài nhắc lại rằng các can thiệp nổi bật trước đây tiếp tục đem lại hiệu quả trong việc giảm tình trạng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các can thiệp dinh dưỡng này trong 1.000 ngày đầu đời. Tuy nhiên, mặc dù bằng chứng này rất rõ ràng, việc thực hiện chương trình đã bị chậm so với những tiến bộ khoa học và cần có thêm nguồn tài chính nhằm mở rộng quy mô các can thiệp dinh dưỡng đã được chứng minh.

Loạt bài cho thấy tỷ lệ trẻ thấp còi ở các nước thu nhập thấp đã giảm từ 47,1% xuống 36,6% từ năm 2000 đến 2015, nhưng con số này ít hơn ở các nước có thu nhập trung bình, nơi tỷ lệ này giảm từ 23,8% xuống 18,0%. Tuy nhiên, thế giới đang thất bại trong việc đạt Mục tiêu dinh dưỡng của Hội đồng Y tế Thế giới với việc giảm 50% tình trạng thấp còi vào năm 2025. Bằng phép so sánh, tỷ lệ trẻ em gầy còm ở cả các nước có thu nhập trung bình và thấp giảm rất ít. Một phát hiện mới cũng cho thấy gần 5 (4,7) phần trăm trẻ em bị ảnh hưởng đồng thời bởi cả suy dinh dưỡng thể thấp còi và gầy còm, là một bệnh lý liên quan tăng tỷ lệ tử vong 4,8 lần. Tỷ lệ trẻ mắc thấp còi và gầy còm cao nhất vào 6 tháng đầu đời, nhưng một phần cũng do bẩm sinh. Đối với chế độ dinh dưỡng của người mẹ, mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể thấp) đã giảm nhưng tình trạng thiếu máu, chiều cao thấp vẫn còn rất cao.

Tiến sĩ Victora thuộc Trung tâm Quốc tế về Công bằng Sức khoẻ, Đại học Liên bang Pelotas ở Brazil cho biết: “Mặc dù đã có những cải tiến nhỏ, đặc biệt là ở các nước có thu nhập trung bình, nhưng tiến độ vẫn còn quá chậm đối với trẻ gầy còm và thấp còi. "Bằng chứng cũng nhấn mạnh việc tập trung vào thực hiện các biện pháp can thiệp trong 1.000 ngày đầu đời là cần thiết, đồng thời ưu tiên dinh dưỡng của người mẹ vì sức khỏe của họ cũng chính như sức khỏe của con họ."

Kể từ Loạt bài 2013, bằng chứng về hiệu quả của 10 biện pháp can thiệp được khuyến nghị đã tăng lên, song song với bằng chứng về các biện pháp can thiệp mới hơn. Bằng chứng mới ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng gói bổ sung lipid và các vi chất dinh dưỡng lượng nhỏ (SQ-LNS) để ngăn ngừa tình trạng thấp còi, gầy còm và nhẹ cân ở trẻ em. Bằng chứng này cũng giúp mở rộng quy mô bổ sung đa vi chất dinh dưỡng trước khi sinh nhằm ngăn ngừa các kết quả bất lợi trong thời kỳ mang thai và khi sinh đẻ, đồng thời cải thiện sức khỏe người mẹ.

Dựa trên bằng chứng mới này, Loạt bài trình bày khung phân loại mới các can thiệp dinh dưỡng thành trực tiếp và gián tiếp cũng như các can thiệp trong lĩnh vực y tế và phi y tế. Khung phân loại này nhấn mạnh rằng các can thiệp dựa trên bằng chứng tiếp tục là sự kết hợp của can thiệp trực tiếp (ví dụ: bổ sung vi chất dinh dưỡng và khuyến cáo trong việc cho con bú) và can thiệp gián tiếp (ví dụ, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản; các chương trình chuyển tiền; và những khuyến nghị về nước, vệ sinh và tiệt trùng) để giải quyết các yếu tố cơ sở của suy dinh dưỡng. Việc thực hiện các can thiệp dinh dưỡng trong và ngoài lĩnh vực chăm sóc y tế đều quan trọng như nhau trong việc ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng suy dinh dưỡng.

Tiến sĩ Emily Keats thuộc Trung tâm Sức khỏe Trẻ em Toàn cầu tại Bệnh viện Nhi Đồng ở Toronto, Canada cho biết: “Bằng chứng của chúng tôi ủng hộ tính hiệu quả liên tục của tất cả các biện pháp can thiệp từ Loạt bài 2013. Bằng chứng mới hỗ trợ thêm cho việc mở rộng quy mô bổ sung đa vi chất dinh dưỡng bao gồm sắt và acid folic cho phụ nữ mang thai thay vì chỉ có sắt-acid folic và bao gồm cả sử dụng gói bổ sung lipid và các vi chất dinh dưỡng lượng nhỏ (SQ-LNS) cho trẻ em, điều này đưa chúng ta đến 11 biện pháp can thiệp cốt lõi”. Tiến sĩ Jai Das thuộc Trung tâm Xuất sắc về Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em tại Đại học Aga Khan ở Karachi, Pakistan phát biểu: “Hiện chúng ta cần tập trung vào việc nâng cao phạm vi can thiệp, đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, thông qua các hoạt động đa ngành.

Một bài báo khác bổ sung rằng phạm vi của các can thiệp dinh dưỡng trực tiếp cho thấy ít mở rộng trong thập kỷ vừa qua và cho thầy rằng khôi phục cam kết, những hiểu biết sâu sắc mới từ nghiên cứu thực thi và kinh phí đẩy nhanh tiến độ nhằm tăng phạm vi bao phủ và cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ là rất cần thiết. Tờ báo cũng nhấn mạnh cách thức phát triển của những can thiệp dựa trên bằng chứng và việc thực thi các can thiệp xoay quanh những vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe, hệ thống thực phẩm, bảo trợ xã hội, vấn đề về nước, vệ sinh và tiệt trùng kể từ Loạt bài Lancet năm 2013.

Các tác giả kết thúc Loạt bài bằng một lời kêu gọi hành động toàn cầu nhằm khôi phục chương trình nghị sự chưa hoàn thành về tình trạng suy dinh dưỡng ở người mẹ và trẻ em. Tiến sĩ Zulfiqar A.Bhutta từ Trung tâm Sức khỏe Trẻ em Toàn cầu, Đại học Toronto và Đại học Aga Khan, tác giả cao cấp của bài báo về các biện pháp can thiệp cho biết: “Chính phủ và các nhà tài trợ phải khôi phục chương trình nghị sự chưa hoàn thành về suy dinh dưỡng ở người mẹ và trẻ em với các cam kết tài chính nhất quán và bền vững.” "Các chính phủ phải mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao chất lượng của các can thiệp trực tiếp - đặc biệt là trong 1.000 ngày đầu đời; xác định và giải quyết các yếu tố cơ sở và trước mắt của suy dinh dưỡng thông qua các biện pháp can thiệp gián tiếp; xây dựng và duy trì môi trường chính trị và pháp lý cho can thiệp dinh dưỡng; và đầu tư vào hệ thống theo dõi và học tập ở cấp quốc gia và cấp địa phương."

Tiến sĩ Rebecca Heidkamp thuộc Khoa Y tế Quốc tế tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: “Đại dịch COVID-19 tiếp tục làm tê liệt các hệ thống y tế, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và có nguy cơ đảo ngược những tiến trình tốn hàng thập kỷ”. "Để vừa đối phó với đại dịch và vừa nhanh chóng hoàn thành mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu năm 2025 của Hội đồng Y tế Thế giới, các tổ chức dinh dưỡng ở tất cả các cấp phải hưởng ứng lời kêu gọi hành động nhằm tập hợp các nguồn lực, lãnh đạo và phối hợp - cùng với dữ liệu và bằng chứng - để giải quyết gánh nặng toàn cầu về tình trạng thiếu dinh dưỡng. "

Trong một bài bình luận kèm theo cho Loạt bài, Tiến sĩ Meera Shekar, Trưởng nhóm Toàn cầu về Dinh dưỡng tại Ngân hàng Thế giới và các đồng tác giả lưu ý rằng: "Tiến độ thực hiện những điều được cho là có hiệu quả là chậm đến mức không thể chấp nhận được. Để thay đổi tiến trình động này, chúng tôi mạnh mẽ tin rằng ngoài ưu tiên những việc cần làm, các quốc gia cần được hướng dẫn tốt hơn về cách thực thi trên quy mô lớn, với những hiểu biết sâu sắc về lượng tài chính cần thiết và cách phân bổ nguồn lực tốt nhất nhằm tối đa hóa tác động. "

Trong thập kỷ vừa qua, vấn đề dinh dưỡng được đưa lên chương trình nghị sự toàn cầu, một phần được thúc đẩy bởi những phát hiện từ Loạt bài năm 2008 và 2013. Loạt bài mới này ra mắt vào thời điểm quan trọng, vì năm 2021 được coi là Năm hành động về Dinh dưỡng Tăng trưởng (N4G) - sẽ lên đến đỉnh điểm tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống thực phẩm của Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2021 và Hội nghị thượng đỉnh N4G ở Tokyo vào tháng 12 năm 2021.

Xem xét lại tình trạng suy dinh dưỡng ở người mẹ và trẻ em ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình: những tiến trình khác nhau đối với một chương trình nghị sự chưa hoàn thành Cesar G Victora, Parul Christian, Luis Paulo Vidaletti, Giovanna Gatica-Domínguez, Purnima Menon, Robert E Black,The Lancet Xuất bản: ngày 7 tháng 3 năm 2021

Huy động bằng chứng, dữ liệu và nguồn lực để đạt được các mục tiêu toàn cầu về tình trạng suy dinh dưỡng ở người mẹ và trẻ em và các Mục tiêu Phát triển Bền vững: chương trình nghị sự hành động Rebecca A Heidkamp, Ellen Piwoz, Stuart Gillespie, Emily C Keats, Mary R D'Alimonte, Purnima Menon, và những người khác, The Lancet Xuất bản: ngày 7 tháng 3 năm 2021

Suy dinh dưỡng ở người mẹ và trẻ em: mấu chốt tiến trình trong việc hỗ trợ phụ nữ và nhiều nghiên cứu thực thi hơn Meera Shekar, Jeanine Condo, Muhammad Ali Pate, Sania Nishtar The Lancet Xuất bản: ngày 7 tháng 3 năm 2021

Các biện pháp can thiệp hiệu quả để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em: cập nhật bằng chứng Emily C Keats, Jai K Das, Rehana A Salam, Zohra S Lassi, Aamer Imdad, Robert E Black, và những người khác, The Lancet Child & Adolest Health Xuất bản: Ngày 7 tháng 3 năm 2021