Hội chứng sâu răng do bú bình
Hội chứng sâu răng do bú bình
Hội chứng sâu răng do bú bình là một dạng sâu răng đặc biệt ở trẻ nhỏ, thường xảy ra ở răng cửa, nhưng các răng khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Trẻ mắc hội chứng sâu răng do bú bình thường cần phẫu thuật miệng và gây tê toàn thân. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa.
Nguyên nhân
Sâu răng ở trẻ thường bắt đầu với vi khuẩn gây sâu răng được truyền từ mẹ hoặc người chăm sóc chính thông qua nước bọt, khi mẹ ngậm muỗng ăn của trẻ hoặc làm sạch ti giả trong miệng mẹ.
Có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến sâu răng ở trẻ nhỏ, một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến là trẻ tiếp xúc với thức uống có đường trong thời gian dài. Sâu răng có thể liên quan đến:
● Trẻ ngậm bình sữa hoặc nước trái cây khi ngủ trưa hoặc tối
● Phụ huynh dùng bình sữa như ti giả để dỗ trẻ quấy khóc
● Trẻ có thể tiếp xúc với thức uống có đường hoặc sữa trong cả ngày
● Trẻ thiếu lượng flo cần thiết
Những dấu hiệu cảnh báo hội chứng sâu răng do bú bình
● Lợi sưng đỏ
● Rát miệng
● Răng bất thường
Phòng ngừa hội chứng sâu răng do bú bình
Để ngăn sâu răng, cân nhắc nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ không chỉ giảm nguy cơ sâu răng mà còn là thực phẩm tốt nhất cho trẻ. Một số lưu ý nếu phụ huynh cho trẻ bú bình:
● Chỉ nuôi ăn trẻ từ 12 tháng trở xuống bằng sữa công thức
● Lấy bình ra khỏi miệng hoặc tay trẻ khi trẻ đang ngủ
● Cho trẻ ngậm bình nước nếu phụ huynh dùng bình như ti giả để dỗ trẻ đi ngủ. Không cho trẻ ngậm bình nước trái cây, sữa hoặc các loại nước ngọt khác để đi ngủ
● Dạy trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên uống bằng cốc. Ngưng bú bình khi trẻ 12-14 tháng tuổi
● Không để trẻ ngậm ti giả cả ngày, cũng như không nhúng ti giả vào mật ong, đường hoặc siro
● Không để trẻ đi loanh quanh với bình sữa hoặc nước trái cây
Chăm sóc răng miệng cho trẻ
Kiểm tra răng trẻ thường xuyên
● Sau mỗi lần cho ăn, nhẹ nhàng lau răng và nướu trẻ bằng khăn hoặc gạc sạch để loại bỏ mảng bám.
● Đánh răng ngay từ khi trẻ mọc răng.
● Tạo thói quen cho trẻ, ví dụ: đánh răng cùng trẻ trước khi đi ngủ
Trẻ nhũ nhi hoặc đang tập đi sẽ cần lượng kem đánh răng không chứa flo kích cỡ bằng hạt đậu. Phụ huynh có thể cho kem đánh răng vào khăn để chà nhẹ lên răng trẻ.
Khi trẻ lớn hơn và đã có thể nhổ hết kem đánh răng, trẻ có thể bắt đầu dùng kem đánh răng có chứa flo. Phụ huynh cho một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu lên bàn chải đánh răng nylon có lông mềm để làm sạch răng trẻ.
Bắt đầu dùng chỉ nha khoa cho trẻ khi tất cả các răng của trẻ đã mọc. Tất cả răng thường mọc khi trẻ được 2 tuổi rưỡi.
Trẻ 6 tháng tuổi trở lên bắt đầu cần flo để giữ cho răng khỏe mạnh. Nếu trẻ chưa dùng được kem đánh răng chứa flo, cân nhắc các cách sau:
● Sử dụng nước vòi có chứa flo
● Cho trẻ dùng các sản phẩm bổ sung flo nếu gia đình dùng nước giếng hoặc nước không có flo
Đa dạng dinh dưỡng cho trẻ với các thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất để đảm bảo răng chắc khỏe.
Đưa trẻ đến nha sĩ khi tất cả các răng sữa đã mọc khi trẻ 2 hoặc 3 tuổi.
Nguồn
MedlinePlus. Tooth decay - early childhood. https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000721.htm. Cập nhật: 2/6/2020. Truy cập: 15/2/2021.
AAP. Bottlemouth Syndrome. https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/oral-health/Pages/Bottlemouth-Syndrome.aspx. Cập nhật: 18/4/2013. Truy cập: 15/2/2021.
ADA. Baby Bottle Tooth Decay. https://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/b/baby-bottle-tooth-decay. Truy cập: 15/2/2021.