Trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ tích mỡ cơ thể nhiều hơn

6 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe
Trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ tích mỡ cơ thể nhiều hơnTrẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ tích mỡ cơ thể nhiều hơn (news)

Một nghiên cứu mới cho biết ở thời điểm 2 tháng tuổi, trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ tích mỡ cơ thể nhiều hơn trẻ có mẹ không mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu dùng chụp phim MRI để đo lượng mỡ cơ thể ở 86 em bé sau khi sinh, và sau đó trong khoảng 8-12 tuần tuổi. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường, cho biết vào thời điểm ngay sau sinh, trẻ có mẹ đái tháo đường thai kỳ và trẻ có mẹ không mắc bệnh có lượng mỡ cơ thể tương đương nhau. Tuy nhiên vào thời điểm 2 tháng tuổi, trẻ có mẹ đái tháo đường thai kỳ có lượng mỡ cơ thể nhiều hơn đến 16%. Hầu hết trẻ trong nghiên cứu đều được bú sữa mẹ. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân, nhưng có thể do sự biến đổi chuyển hoá của em bé ngay từ trong bụng mẹ, hoặc do sữa mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ có thành phần khác với sữa mẹ không mắc bệnh.

Khoảng 20% phụ nữ mang thai ở Anh bị đái tháo đường thai kỳ (và khoảng 10% ở Hoa Kỳ), thường gây ra tình trạng tăng đường huyết cho mẹ từ tháng thứ 7 của thai kỳ. Bệnh có thể được kiểm soát bằng chế độ dinh dưỡng, tập thể dục, và thuốc. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi sau khi trẻ ra đời, nhưng mẹ sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường khi lớn tuổi. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy bệnh đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến trẻ sớm đến như vậy, cho dù ngay sau sinh trẻ không khác biệt so với trẻ có mẹ không mắc bệnh. BS. Karen Logan (nghiên cứu viên chính Khoa Y Đại Học Hoàng Gia London) cho biết: “Ngày càng có nhiều bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, và trẻ sinh ra sẽ bị tăng nguy cơ đái tháo đường khi lớn lên. Do đó, chúng ta cần phải hiểu được bệnh lý đái tháo đường của mẹ ảnh hưởng lên con như thế nào. Nghiên cứu mới này cho biết bệnh lý đái tháo đường của mẹ có thể gây ra những thay đổi rất sớm ở trẻ, ngay từ giai đoạn đầu đời.”

Một trong những nguyên nhân chính gây đái tháo đường thai kỳ có thể là tăng cân quá mức, tuy nhiên vẫn có thể có thêm các yếu tố khác. BS. Logan cho biết: “Nhiều bà mẹ trong nghiên cứu của chúng tôi không bị thừa cân. Có thể có một số nguyên nhân khác, ví dụ như yếu tố di truyền. Tất cả các bà mẹ trong nghiên cứu đều được kiểm soát đường huyết tốt. Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận rằng cho dù mẹ được điều trị tốt trong giai đoạn thai kỳ, cũng có thể không tránh khỏi bệnh lý sau này ở trẻ.” Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân về sự khác biệt lượng mỡ cơ thể. Một số giả thuyết gồm: có những thay đổi trong cơ thể em bé từ trong bụng mẹ kích thích tích mỡ khi trẻ được sinh ra, thay đổi thành phần sữa mẹ, thay đổi chế độ dinh dưỡng của trẻ. GS Neena Modi (nghiên cứu viên cao cấp của nghiên cứu, thuộc Khoa Y Đại Học Hoàng Gia London) giải thích: “Đa số trẻ trong nghiên cứu của chúng tôi được bú sữa mẹ. Các nghiên cứu trước đây cho biết đái tháo đường có thể làm thay đổi thành phần sữa: nhiều đường, nhiều chất béo, hoặc thay đổi hàm lượng các chất kiểm soát khẩu vị (được gọi là các hormone gây đói).”

Nghiên cứu này (thực hiện tại bệnh viện Chelsea và bệnh viện Westminster ở London) cũng theo dõi cân nặng của trẻ. Mặc dù nhóm trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có cân nặng hơi nhẹ hơn vào lúc mới sinh, cả 2 nhóm trẻ đều có cân nặng tương đương vào thời điểm 10 tuần tuổi. BS. Logan cho biết dự án tiếp theo của nhóm nghiên cứu sẽ nhằm phân tích thành phần sữa mẹ bị đái tháo đường thai kỳ. Hiện vẫn chưa rõ liệu mẹ bị đái tháo đường từ trước khi mang thai sẽ ảnh hưởng tương tự lên trẻ hay không. BS. Logan cũng khuyên các bậc phụ huynh nếu lo lắng về chế độ dinh dưỡng hoặc cân nặng của con mình, có thể tư vấn bác sĩ khám bệnh định kỳ hay bác sĩ gia đình. Trong nghiên cứu này (tài trợ bởi quỹ từ thiện Thực hiện nghiên cứu y học), các nhà nghiên cứu đã chụp MRI 42 trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ (nhóm bệnh), và 44 trẻ có mẹ không mắc bệnh (nhóm chứng)

Nhóm nghiên cứu yêu cầu mẹ cho trẻ ăn no, cho đến khi trẻ ngủ sẽ được bịt tai và đặt nằm trên một tấm đệm nhỏ đặc biệt trước khi đưa trẻ vào máy chụp MRI. BS. Logan giải thích: “Hầu hết trẻ ngủ rất ngon trong 20 phút scan MRI, có thể vì tiếng máy chạy giúp trẻ ngủ ngon. Nếu trẻ giật mình thức dậy và khóc, chúng tôi sẽ lập tức ẵm trẻ ra ngoài để mẹ dỗ, tuy nhiên điều này rất hiếm khi xảy ra. Kỹ thuật chụp MRI rất an toàn, không có tia xạ và đã được dùng rất nhiều trong các nghiên cứu khác.” Cô Lucinda Winckworth (mẹ của bé James trong ảnh, thuộc nhóm chứng) cho biết: “Tôi cho James bú no, ủ em trong chăn ấm, đeo nút tai cho em, sau đó đặt em vào máy scan MRI. Em ngủ trước khi vào máy scan, và cho dù máy có tiếng chạy rì rì em vẫn ngủ ngon trong lúc chụp MRI và cho đến khi về nhà! Xem hình chụp MRI của em khiến chúng tôi rất cảm động – chúng tôi giữ hình MRI và cả nút tai trong rương kỷ niệm.”