Cho trẻ dùng thức ăn gây dị ứng để tập thích ứng
Một nghiên cứu tại Anh ghi nhận: Cho trẻ dùng nhiều loại thức ăn khác nhau từ giai đoạn nhũ nhi có thể giúp trẻ bú sữa mẹ tập thích ứng với các dị nguyên thường gặp trong thức ăn như đậu phộng hay trứng. Các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả là bằng chứng khoa học đáng tin cậy, giúp định hướng cho các chính sách sức khỏe cộng đồng và khuyến cáo dinh dưỡng trẻ em.
Gần đây, Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để tập dung nạp thức ăn. Các nghiên cứu cho thấy trẻ bú sữa mẹ giảm nguy cơ bị dị ứng thức ăn ít nhất là cho đến tuổi vị thành niên.
Năm 2010, nghiên cứu khảo sát quốc gia về dinh dưỡng trẻ nhũ nhi ở Anh ghi nhận 45% người mẹ có con từ 8-10 tháng tuổi tránh cho con mình dùng một số loại thực phẩm sau: 48% tránh các loại hạt, 14% tránh ăn trứng, 10% tránh các chế phẩm sữa, và 6% tránh cá. Nguyên nhân hàng đầu là do sợ trẻ bị dị ứng, sau đó là do mẹ nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ để ăn loại thực phẩm đó. Nghiên cứu được thực hiện với 1.300 trẻ tại Bệnh viện Nhi Evelina London, phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm. Trẻ thuộc nhóm 1 được dùng chế độ dinh dưỡng thường quy: chỉ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Trẻ thuộc nhóm 2 được cho dùng 6 loại thực phẩm có tính gây dị ứng từ lúc 3 tháng tuổi, bao gồm: cá, trứng luộc, sữa, lúa mì, mè và đậu phộng.
Cả 2 nhóm trẻ đều được tiếp tục bú sữa mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn. Tỷ lệ bú sữa mẹ ở cả 2 nhóm là tương đương nhau, trong đó 96% trẻ bú sữa mẹ cho đến 6 tháng tuổi hoặc hơn, và hơn 50% trẻ ở cả 2 nhóm vẫn bú sữa mẹ cho đến 1 tuổi hoặc hơn.
Kết quả ghi nhận phản ứng dị ứng với ít nhất một trong 6 loại thực phẩm xảy ra ở 7,1% trẻ ở nhóm 1 (52 trong 595 trẻ), và 5,6% trẻ ở nhóm 2 (32 trong 567 trẻ). Phân tích thống kê ghi nhận tần suất dị ứng với ít nhất một loại thực phẩm ở nhóm 2 ít hơn có ý nghĩa so với nhóm 1 (2,4% so với 7,3%); khuynh hướng tương tự với dị ứng đậu phộng (0% so với 2,5%) và dị ứng trứng (1,4% so với 5,5%).
Nghiên cứu ghi nhận rằng có thể ngăn ngừa dị ứng thực phẩm nếu mỗi tuần cho trẻ dùng khoảng 1,5 muỗng trà bơ đậu phộng và một trứng luộc nhỏ. Các nhà khoa học cũng ghi nhận sẽ gặp khó khăn khi tập cho trẻ ăn 6 loại thực phẩm này trong giai đoạn sớm của thời kỳ nhũ nhi, nhưng việc này hoàn toàn an toàn.
Nghiên cứu viên chính, BS Gideon Lack, cho biết “Khi phân tích kết quả, tỷ lệ trẻ thích ứng với thức ăn dị ứng là cao nhất đối với đậu phộng; và điều này là bằng chứng hỗ trợ cho các nghiên cứu khác của chúng tôi, chứng minh rằng cho trẻ ăn đậu phộng sớm sẽ ngăn ngừa dị ứng đậu phộng ở dân số trẻ bị chàm cũng như ở dân số trẻ thông thường.”
Các nghiên cứu về dị ứng đậu phộng
Trước đây đã có các nghiên cứu tương tự và kết quả cũng tương tự. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên có nhóm chứng “Nghiên cứu về dị ứng đậu phộng giai đoạn đầu đời” (LEAP) (Learning Early about Peanut Allergy (LEAP) trial) cho biết ở trẻ bị chàm nặng hay bị dị ứng trứng (hoặc cả 2), nếu được cho ăn đậu phộng sớm sẽ giảm nguy cơ dị ứng đậu phộng đến 80% cho đến thời điểm 5 tuổi.
Nghiên cứu “Thích ứng lâu dài với thức ăn đậu phộng” (LEAP-On) (Persistence of Oral Tolerance to Peanut (LEAP-On)) ghi nhận rằng ở những trẻ này không bị tái hoạt tình trạng dị ứng. Tuy nhiên, nghiên cứu LEAP lại không khảo sát hiệu quả của việc dùng các loại thực phẩm gây dị ứng khác, và cũng không khảo sát xem phương pháp này có giúp ngăn ngừa dị ứng đậu phộng trong dân số chung.
Các tác giả ghi nhận: “Khi phân tích số liệu theo chủ ý, nghiên cứu này không thể hiện được hiệu quả của việc cho trẻ ăn thức ăn gây dị ứng sớm so với cho trẻ em theo cách thông thường. Khi phân tích sâu hơn, chúng tôi nhận thấy khả năng ngăn ngừa dị ứng thực phẩm bằng cách tập cho trẻ bú sữa mẹ ăn thức ăn gây dị ứng còn phụ thuộc vào sự tuân thủ và lượng thức ăn.”