Mẹ ăn trái cây trước khi sinh tăng cường khả năng phát triển nhận thức của con

7 phút đọc /
Tăng trưởng và phát triển
Lợi ích của việc ăn trái cây có thể bắt đầu ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Một nghiên cứu mới sử dụng dữ liệu từ hơn 700 trẻ em ở Edmonton đã cho thấy những bé có mẹ tiêu thụ nhiều trái cây hơn trong quá trình mang thai có kết quả kiểm tra mức độ phát triển tốt hơn đáng kể so với những trẻ khác.

Hầu hết chúng ta đều đã nghe nói tới câu ngạn ngữ cũ: "Một trái táo mỗi ngày khỏi lo bệnh tật." Đó là một kinh nghiệm được đúc kết không chỉ riêng với quả táo - ta đã biết rằng ăn các loại trái cây nói chung có thể giảm nguy cơ mắc một loạt các chứng bệnh chẳng hạn như đau tim hay đột quỵ. Nhưng giờ đây một nghiên cứu mới thậm chí đã chứng minh được rằng ích lợi của trái cây có thể bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ.

Nghiên cứu được công bố trên chuyên san EbioMedicine đã tìm ra rằng những người mẹ tiêu thụ nhiều hoa quả (trái cây) hơn trong thời kỳ mang thai sẽ sinh ra những đứa trẻ có kết quả kiểm tra mức độ phát triển cao hơn khi đạt 1 năm tuổi. Piush Mandhane, tác giả chính của nghiên cứu và là phó giáo sư nhi khoa thuộc Khoa Y học và Nha khoa đại học Alberta đã đi tới khám phá này nhờ sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Phát triển Chiều cao Lành mạnh ở Trẻ Sơ sinh Canada (CHILD) - một nghiên cứu đoàn hệ cấp quốc gia với sự tham gia của hơn 3.500 trẻ em Canada và gia đình các em. Mandhane là người đứng đầu khu vực Edmonton trong nghiên cứu này.

"Chúng tôi muốn biết xem chúng tôi có thể xác định yếu tố nào ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức hay không," Mandhane giải thích. "Chúng tôi nhận thấy rằng một trong số những yếu tố dự đoán mức độ phát triển nhận thức đáng kể nhất chính là lượng hoa quả (trái cây) mà người mẹ tiêu thụ trong quá trình mang thai. Mẹ càng ăn nhiều hoa quả thì mức độ phát triển nhận thức của con càng cao."

Nghiên cứu xem xét dữ liệu của 688 trẻ em ở Edmonton và nhóm đối chứng đối với những nhân tố thường gây ảnh hưởng tới khả năng học tập và phát triển của một đứa trẻ, chẳng hạn như thu nhập gia đình, trình độ giáo dục của cha mẹ và tuổi thai của đứa trẻ.

Sử dụng thang chỉ số IQ truyền thống làm mẫu, với mức IQ trung bình là 100 và độ lệch chuẩn là 15; hai phần ba dân số sẽ rơi vào khoảng từ 85 đến 115. Nghiên cứu của Mandhane cho thấy rằng nếu những người mẹ mang thai ăn sáu hay bảy phần trái cây hoặc nước trái cây mỗi ngày, thì tính trung bình con họ sẽ có điểm số cao hơn 6 hoặc 7 điểm trên thang đo khi đạt 1 tuổi.

"Đó là một sự khác biệt khá đáng kể - như vậy là bằng khoảng một nửa độ lệch chuẩn," Mandhane giải thích. "Ta đã biết rằng đứa trẻ càng nằm trong bụng mẹ lâu thì càng phát triển hơn - và việc bổ sung thêm một phần hoa quả mỗi ngày vào chế độ ăn của mẹ sẽ cung cấp cho con những lợi ích tương đương với việc sinh ra muộn hơn tới 1 tuần."

Để tiếp tục xây dựng trên nghiên cứu này, Mandhane đã hợp tác với Francois Bolduc, một phó giáo sư thuộc bộ phận Thần kinh học Nhi khoa của Khoa Y học và Nha khoa, người từng nghiên cứu về cơ sở di truyền nhận thức ở con người và ở loài ruồi giấm. Cả hai nhà nghiên cứu đều tin rằng việc kết hợp các mô hình tiền lâm sàng và phân tích dịch tễ học là một cách tiếp cận mới có thể cung cấp những hiểu biết mới hữu ích về nghiên cứu y học trong tương lai.

"Ruồi rất khác với con người, song đáng ngạc nhiên là chúng lại có tới 85% số gien liên quan tới chức năng não người, do đó chúng là một mô hình tuyệt vời để nghiên cứu về trí nhớ dưới góc độ di truyền," Bolduc cho biết. "Để có thể cải thiện trí nhớ ở các cá nhân mà không có đột biến gien là một điều phi thường, do đó chúng tôi rất quan tâm tới việc tìm hiểu mối tương quan đã quan sát được giữa lượng trái cây tiêu thụ và khả năng nhận thức cao."

Theo Bolduc, ruồi giấm đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong lĩnh vực học tập và trí nhớ. Một vài gien từng được biết tới là có vai trò quan trọng đối với trí nhớ của ruồi giờ đã được Bolduc và nhiều người khác phát hiện là có liên quan tới khuyết tật trí tuệ và chứng tự kỷ. Trong một loạt thí nghiệm tiếp theo, ông đã cho thấy rằng những con ruồi được sinh ra sau khi được cho ăn nhiều nước trái cây từ trước khi sinh có khả năng nhớ tốt hơn đáng kể, tương tự như những kết quả được Mandhane thu được từ những đứa trẻ 1 tuổi. Ông tin rằng điều này cho thấy rằng hoạt động của não bộ chịu ảnh hưởng của trái cây và những cơ chế có liên quan đã được duy trì xuyên suốt quá trình tiến hóa và được bảo tồn qua các loài.

Mặc dù những phát hiện này quả là rất có tính khích lệ, song Mandhaned đã cảnh báo rằng tình trạng tiêu thụ quá nhiều trái cây dẫn tới những biến chứng khác như đái tháo đường thai kỳ và cân nặng khi sinh quá lớn - những hội chứng liên quan tới việc tiêu thụ nhiều các loại đường tự nhiên - hiện vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.  Thay vào đó, ông gợi ý rằng những bà mẹ chuẩn bị sinh con nên đáp ứng đủ lượng tiêu thụ hàng ngày theo khuyến nghị của Hướng dẫn Thực phẩm của Canada và tham khảo thêm ý kiến của bác sỹ.

Mandhane cũng cho biết ông sẽ tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực này, và đã lên kế hoạch nghiên cứu xem những lợi ích của hoa quả trong quá trình mang thai có được duy trì ở trẻ nhỏ qua thời gian hay không. Ông cũng sẽ xem xét xem liệu trái cây có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển thời thơ ấu có liên quan tới chức năng điều hành hay không, cụ thể là trong một số lĩnh vực như lập kế hoạch, tổ chức và trí nhớ làm việc. 

Journal Reference: