Chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã khiến nhóm trẻ em nghèo nhất trên thế giới phải thất vọng

6 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe
Chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã khiến nhóm trẻ em nghèo nhất thế giới phải thất vọng, trích dẫn từ báo cáo mới nhất của UNICEF.

Trong bản báo cáo cuối cùng về các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến trẻ em (Millennium Development Goals - MDGs) và Những cải thiện dành cho Trẻ Em, UNICEF nói rằng trong khi MDGs đã giúp đạt được những tiến bộ to lớn trong cuộc sống của trẻ em trên thế giới, những nỗ lực phát triển trong 15 năm qua đã thất bại trong việc tiếp cận hàng triệu người thiệt thòi nhất trên thế giới. 

UNICEF cảnh báo rằng nếu không đặt trọng tâm vào các thành phần khó khăn nhất, chương trình Mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế đã sẵn sàng để áp dụng trong tháng Chín để thiết lập chương trình nghị sự phát triển toàn cầu trong 15 năm tới sẽ làm thất vọng hàng triệu trẻ em khác nữa.

Dưới đây là một số các lĩnh vực mà báo cáo nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế hiện nay phải tập trung sự chú ý và hành động để tiếp cận nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất và đạt sự tăng trưởng bền vững: 

Chế độ dinh dưỡng:

Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em mang lại những thay đổi tích cực trên năng suất, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển xã hội một cách toàn diện. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp tăng cường sức khỏe, phát triển nhận thức và kết quả học tập. 

Tuy nhiên cần phải hành động sớm, vì việc thiếu dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của một đứa trẻ có thể dẫn đến tổn thương không phục hồi. Bú sữa mẹ phải được ưu tiên trong sáu tháng đầu tiên, kèm với việc chú trọng vào chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng từ sau sáu tháng tuổi - đây là hai lĩnh vực cần được nhận thức và thực hiện nhiều hơn vì như các số liệu cho thấy, ít hơn một nửa số trẻ nhũ nhi dưới 6 tháng tuổi trên toàn thế giới được bú sữa mẹ và ngay cả trong những nước giàu nhất, trẻ em không nhận được một chế độ ăn uống đủ đa dạng.
 
Sự nghèo đói 

Đối với trẻ em, sự nghèo đói có thể kéo dài suốt đời. Trẻ em lớn lên trong nghèo khó thường có cơ hội sống bị giới hạn ở từng giai đoạn, từ trước khi sinh cho đến khi vào tuổi trưởng thành. 
Thu nhập hay mức tiêu thụ của một gia đình chỉ là một trong những phương diện dùng để đánh giá sự nghèo khó cho trẻ em. Nghèo khó cũng có nghĩa là thiếu tiếp cận với các hàng hóa và các dịch vụ quan trọng như thực phẩm bổ dưỡng, vắc xin cứu sinh, nền giáo dục, hoặc nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường cơ bản - nguồn tài nguyên mà tất cả trẻ em cần để tăng trưởng và phát triển mạnh.

Tỷ lệ tử vong trẻ em 

Tỷ lệ tử vong trẻ em - một chỉ số quan trọng về an toàn sức khỏe trẻ em - phản ánh sự phát triển kinh tế xã hội của một đất nước. Nó phản ánh việc tiếp nhận các can thiệp y tế cơ bản như tiêm phòng, điều trị y khoa và dinh dưỡng đầy đủ ở trẻ em. 

Có sự chênh lệch rõ rệt tồn tại giữa các khu vực và các nước. Trong tiểu vùng Sahara châu Phi, nguy cơ một đứa trẻ bị chết trước lần sinh nhật thứ năm của mình cao hơn gấp 15 lần so với đứa trẻ được sinh ra ở nước có thu nhập cao. 

Và trong khi sự chênh lệch giữa trẻ em thành thị và nông thôn đã được thu hẹp, trẻ em ở vùng nông thôn vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ khác: Tính bình quân, nguy cơ chúng chết trước lần sinh nhật thứ năm cao gấp một lần rưỡi so với trẻ em thành thị. 

Sức khỏe của các bà mẹ 

Việc cung cấp các dịch vụ y tế sản khoa chất lượng, cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho các thai phụ là điều then chốt không chỉ để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở người mẹ, mà còn giải quyết nhiều nguyên nhân nền tảng gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em. 

Mặc dù tử vong trên thai phụ sụt giảm 45% trong vòng 15 năm qua là điều đáng gây ấn tượng trong tình hình dân số gia tăng nhanh chóng ở các nước có tỷ lệ tử vong thai phụ cao nhất. Tuy nhiên, khoảng 800 phụ nữ chết mỗi ngày do các nguyên nhân liên quan đến thai kỳ, và những cái chết này đang ngày càng tập trung nhiều ở tiểu vùng Sahara châu Phi. Cải thiện việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc tiền sản và tay nghề y tế cao trong đỡ đẻ là cần thiết để chấm dứt mọi cái chết có thể ngăn ngừa được của người mẹ. 

Những dữ kiện khác được nêu lên trong bản báo cáo: 

• 16.000 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ chết mỗi ngày.
 
• Gần một nửa số ca tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi là do suy dinh dưỡng. 

• Từ năm 1990, số trẻ em thừa cân dưới năm tuổi ở các nước có thu nhập thấp đã tăng gần gấp bốn lần so với mức giảm 20% ở các nước có thu nhập trên trung bình.

• Tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới năm tuổi cao gấp đôi trong cộng đồng nông thôn so với các khu vực đô thị.

• Gần một nửa số người sống trong cảnh nghèo đói là từ 18 tuổi trở xuống. 

• Tính trung bình con của các bà mẹ thất học có khả năng chết trước ngày sinh nhật lần thứ năm của mình cao gấp hai lần rưỡi so với con của các bà mẹ được học đến bậc trung học hoặc cao hơn

• Nguy cơ tử vong trong thai kỳ cho cả đời ở 1 cô gái 15 tuổi ở Tây và Trung Phi là 1 phần 30; toàn cầu con số này là 1 phần 190. 

• Tỷ lệ phụ nữ ở các hộ giàu có được đỡ đẻ bởi các nhân viên y tế lành nghề cao gần gấp 3 lần so với phụ nữ ở các gia đình nghèo.