Các chuyên gia bàn luận về vai trò của protein trong giai đoạn đầu của thời kỳ thơ ấu
4 phút đọc
/
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe
Protein và vai trò của nó trong sự tăng trưởng của giai đoạn đầu thời kỳ thơ ấu, đặc biệt trong sự tăng cân lúc đầu đời và nguy cơ béo phì lâu dài, là chủ đề của tạp chí số mới của Viện Dinh Dưỡng Nestlé dành cho khu vực Đông Nam Á và Vành đai Thái Bình Dương. Trong tạp chí, bốn chuyên gia về lĩnh vực đang ngày càng được quan tâm này đã chia sẻ những thông tin củng cố thêm hiểu biết về lượng protein phù hợp nên dùng trong 1000 ngày đầu tiên của cuộc sống, cùng với các chất dinh dưỡng khác, có vai trò trong lập trình các chức năng chuyển hóa và tác động đến sức khỏe sau này.
Sau đây là tóm tắt nội dung bài giảng của các chuyên gia nói trên:
Tiến sĩ Hans van Goudoever, Giáo sư Nhi khoa người Hà Lan đã trình bày mối quan hệ giữa nhu cầu protein và sự phát triển của trẻ sinh thiếu tháng. Ông nhấn mạnh rằng trẻ sinh thiếu tháng có cân nặng cực thấp (extremely low birth weight ELBW) phải đối mặt với những thử thách ngay sau khi sinh và có nhu cầu dinh dưỡng giống với đứa trẻ đó trong bào thai. Do việc tiêu thụ protein là động lực tăng cân ở trẻ sơ sinh nhẹ cân, ông kết luận rằng mặc dù sữa mẹ vẫn nên là nguồn dinh dưỡng ưu tiên cho trẻ, một số trường hợp vẫn nên được bổ sung protein ngay từ những tuần đầu tiên của cuộc sống.
Tiến sĩ Ekhard E. Ziegler, Giáo sư Nhi khoa Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi liệu trẻ nhỏ ăn quá nhiều protein trong năm đầu tiên có nhiều khả năng bị béo phì sau này hay không, bằng cách trình bày những số liệu mới về những trẻ nhũ nhi có mẹ bị béo phì. Trong khi đưa ra những bằng chứng ngày càng nhiều rằng việc ăn quá nhiều protein trong giai đoạn đầu của thời kỳ thơ ấu có liên quan đến béo phì sau này và rằng các sữa công thức có hàm lượng protein thấp có thể làm giảm nguy cơ này. Ông cũng cảnh báo rằng việc cho trẻ ăn ít protein cần phải được thực hiện một cách thận trọng, vì nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tiến sĩ Berthold Koletzko, Giáo sư Nhi khoa người Đức đã giải quyết một câu hỏi khó về nguồn và hàm lượng protein trong thức ăn, và giới thiệu chế độ ăn bổ sung. Ông kết luận rằng nếu trẻ không được bú sữa mẹ, nên sử dụng sữa bột tiếp theo có hàm lượng protein thấp trong thời kỳ ăn dặm và trong năm đầu tiên của cuộc sống hơn là sử dụng các nguồn thực phẩm khác, như sữa bò, vì sẽ làm tăng đáng kể nguồn cung cấp protein. Tuy nhiên, do hạn chế về số liệu, ông cũng đề nghị có thêm nghiên cứu để xác định loại sữa tốt nhất dùng cho trẻ sau 12 tháng tuổi và lợi ích của chúng đối với trẻ.
Tiến sĩ Emilie G. Flores, Giáo sư Dinh dưỡng người Philippines cho biết trong một báo cáo gần đây của UNICEF cho thấy một phần tư trẻ em dưới 5 tuổi sống tại khu vực thành thị bị thấp còi, có thể do thiếu calo và/hoặc protein. Những trẻ này thường mắc các bệnh mạn tính, kèm theo vấn đề về phát triển và sức khỏe. Châu Á vẫn là khu vực có nhiều quan ngại, chiếm 18% số trẻ em nhẹ cân toàn cầu năm 2010. Tiến sĩ Emilie nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến một cách đúng đắn các thông tin liên quan đến dinh dưỡng đầu đời - từ việc đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ đến cho ăn bổ sung đầy đủ, để giúp cải thiện sức khỏe và các khía cạnh khác của trẻ em.