Những câu hỏi thường găp trong Thực hành Nhi Khoa: Probiotic

21 phút đọc / / 1 Issues / 1 Volumes
Dị ứng Hệ vi sinh đường ruột

Những câu hỏi thường găp trong Thực hành Nhi Khoa: Probiotic

Trong những năm gần đây, probiotic đã được cả hai giới truyền thông đại chúng và khoa học đặc biệt quan tâm. Khả năng điều chỉnh hệ vi sinh của probiotic đã được ứng dụng để phòng ngừa, kiểm soát hoặc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như tiêu chảy, dị ứng, sâu răng, viêm ruột hoại tử và đái tháo đường thai kỳ. Môn khoa học mới nổi nghiên cứu về probiotic đã giúp giải thích các cơ chế hoạt động của probiotic trong việc điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột và giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Ấn phẩm này cũng đề cập chi tiết về sự khác nhau giữa probiotic và prebiotic.Thuật ngữ “probiotic” được bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “pro bios”, có nghĩa là “có lợi hoặc có ích cho cuộc sống”. Theo định nghĩa của Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), probiotic là “vi khuẩn sống mang lại lợi ích cho vật chủ khi được bổ sung vào cơ thể với liều lượng thích hợp.” Probiotic còn được gọi là “vi khuẩn thân thiện” hay “vi khuẩn có lợi”. Chúng cũng được xem là “thuốc” của thế kỷ 21. Probiotic đã được dùng từ cách đây rất lâu, từ thời Hy lạp và La mã, phó mát và sữa lên men thường được khuyến  nghị sử dụng đặc biệt là trẻ em và người đang trong thời kỳ dưỡng bệnh. Mặc dù những loại thức ăn có chứa nhiều chủng probiotic, như phó mát và sữa lên men, đã được sử dụng hàng ngàn năm nay, nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ 20, khái niệm về probiotic mới được đề cập đến. Élie Metchnikoff (nhà khoa học người Nga được nhận giải Nobel) và Henry Tissier (bác sĩ nhi khoa người Pháp) đã cùng đưa ra những đề xuất khoa học đầu tiên về lợi ích của một số chủng vi khuẩn được chọn lọc.Probiotic rất cần thiết để có sức khỏe tốt vì chúng là các nguồn thực phẩm có chức năng. Thật vậy, các thực phẩm có bổ sung probiotic được khuyến khích sử dụng thường xuyên nhằm giúp cơ thể thiết lập sự cân bằng dương tính vi sinh vật có lợi trong hệ vi sinh đường ruột. Probiotic có khả năng bảo vệ chống lại các vi sinh vật có hại và tăng cường hệ miễn dịch của vật chủ, vì vậy chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Các vi sinh vật probiotic có khả năng kích thích và điều hòa một số phản ứng miễn dịch tự nhiên cũng như chủ động, nên đem đến nhiều tác động có lợi cho vật chủ. Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy rằng probiotic mang lại một số lợi ích cho sức khỏe con người.Có một số nghiên cứu đã được công bố cho thấy rằng bổ sung probiotic giúp làm giảm những biểu hiện dị ứng như viêm da cơ địa, giúp cải thiện tiêu hóa lactose và các triệu chứng đau bụng co thắt ở trẻ nhũ nhi, và giúp điều hòa sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ nhũ nhi. Trong thực hành Nhi khoa nên khuyến nghị bổ sung probiotic vì việc bổ sung này sẽ giúp bảo vệ trẻ chống lại tiêu chảy do kháng sinh, và giảm tần suất mắc bệnh tiêu chảy cấp và tiêu chảy do nhiễm rotavirus. Probiotic cũng giúp làm giảm nguy cơ tiêu chảy cấp do nhiễm trùng với thời gian và số lần tiêu chảy ít hơn, và có thể làm giảm tần suất mắc bệnh viêm ruột hoại tử.Probiotic có hiệu quả trong điều trị tiêu chảy cấp do nhiễm trùng và viêm loét ruột kết mức độ nhẹ ở trẻ nhỏ; phòng ngừa tiêu chảy do kháng sinh, tiêu chảy do nhiễm khuẩn bệnh viện, các nhiễm trùng dạ dày ruột phổ biến trong cộng đồng và sâu răng; làm giảm một số triêu chứng rối loạn chức năng ruột; và có tác dụng như một liệu pháp hỗ trợ để tiệt trừ Helicobacter pylori. Probiotic còn được dùng để phòng ngừa và điều trị viêm âm đạo do nhiễm khuẩn. Chúng giúp cho sự dung nạp glucose tốt hơn và cải thiện tình trạng táo bón trong thời kỳ mang thai. Probiotic còn tăng cường tính miễn dịch trong sữa mẹ và phòng ngừa nguy cơ chàm cơ địa ở trẻ nhỏ.