Đặc tính sinh học độc đáo của sữa mẹ
Sữa mẹ ở con người có thành phần phức tạp nhất trong số tất cả động vật có vú. Sữa mẹ chứa hơn 200 phân tử đường khác nhau, cao hơn mức trung bình 30 – 50 lần khi so sánh với sữa chuột hoặc sữa bò. Vai trò của mỗi loại đường và lý do thành phần sữa mẹ thay đổi trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là một thách thức đối với khoa học hiện đại.
Hiện tượng này có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch của nhũ nhi và sự phát triển các vi sinh đường ruột. Một bài tổng quan về những vấn đề đã được biết đến cùng những vai trò khác nhau của sữa mẹ đã đăng trên tạp chí Trends in Biochemical Sciences vào ngày 19/4.
Sữa mẹ thường là bữa ăn đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phân tử đường trong sữa mẹ không chỉ dùng để nuôi dưỡng trẻ. Nhũ nhi khi sinh ra sẽ không có bất kỳ vi khuẩn nào trong đường ruột nhưng trong vòng một vài ngày, bé có hàng triệu vi khuẩn và sau một tuần có đến hàng tỷ vi khuẩn cư trú tại đường ruột.
Các loại đường có nguồn gốc từ sữa mẹ thường là các hợp chất đầu tiên mà những vi khuẩn tiêu hóa. Đây là một bữa ăn miễn phí nhằm nuôi cấy các loài vi khuẩn chuyên biệt.
Theo Thierry Hennet - một nhà khoa học đến từ Viện Sinh lý học tại Đại học Zurich - đồng tác giả của bài tổng quan: “Tác động đầu tiên của sữa mẹ là tạo điều kiện cho sự khu trú các nhóm vi khuẩn có thể tiêu hóa các phân tử đường trong ruột. Nhũ nhi không có bộ máy để tiêu hóa các loại đường này. Do đó, các phân tử đường này thật ra là dành cho các vi khuẩn – nó giống như một mảnh đất để gieo hạt và sữa mẹ là phân bón.”
Sữa mẹ cũng giúp đặt nền tảng cho hệ thống miễn dịch của trẻ mới sinh. Sau khi sinh, sữa mẹ giàu kháng thể và các phân tử làm chậm sự tăng trưởng của vi khuẩn có hại và phối hợp với hoạt động của bạch cầu.
Sau một tháng, khi trẻ bắt đầu phát triển một hệ thống miễn dịch thích ứng của riêng mình, các thành phần trong sữa mẹ bắt đầu chuyển đổi. Vì vậy nồng độ kháng thể trong sữa mẹ giảm hơn 90%. Ngoài ra, các loại đường trong thành phần sữa mẹ đã sụt giảm đáng kể, nghĩa là có ít lựa chọn hơn cho các loài vi khuẩn.
Thay vào đó, sữa trưởng thành hay sữa vĩnh viễn (mature human breast milk) có một sự gia tăng hàm lượng chất béo và các chất dinh dưỡng khác nhằm hỗ trợ quá trình tăng trưởng của trẻ.
Tuy sữa mẹ có nhiều chức năng nhưng trẻ em có thể lớn lên khỏe mạnh với lượng sữa mẹ hạn chế hoặc không bao giờ được tiếp xúc với sữa mẹ. Điều này đặt ra câu hỏi gây tranh cãi về những vấn đề được cho là bình thường khi nói đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Sữa mẹ làm giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong ở nhũ nhi, đồng thời làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường ruột và đường hô hấp ở nhũ nhi. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy sữa mẹ hỗ trợ cho lợi ích lâu dài.
Hennet (đồng tác giả với Lubor Borsig và cũng là một nhà sinh lý học tại Đại học Zurich) cho biết: “Chúng ta phải cẩn thận khi đưa ra bất cứ khuyến nghị nào. Mặt khác, sữa mẹ là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa và chắc chắn sở hữu các chất dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh. Nhưng câu hỏi ở đây là nhũ nhi thực sự cần nguồn cung cấp này trong bao lâu? Chúng tôi cảm thấy rằng gia đình nên đưa ra quyết định, chứ không phải các nhà khoa học.”
Điều mà những nhà nghiên cứu có thể làm là tiếp tục đào sâu dựa trên sự hiểu biết về vai trò của tất cả phân tử khác nhau trong sữa mẹ. Điều này đã trở nên dễ dàng hơn nhiều với những tiến bộ trong công nghệ trình tự gen. Những năm tiếp theo có khả năng sẽ đem lại sự hiểu biết mới về các hormone trong sữa mẹ và vai trò chính xác của các quần thể vi khuẩn định cư trong đường ruột nhũ nhi.