Ăn uống lành mạnh có liên quan đến hạnh phúc của trẻ em
Theo một nghiên cứu vừa được công bố, trẻ em ăn uống lành mạnh có liên quan đến sự tự tin, ít có các vấn đề về cảm xúc và khó khăn trong giao tiếp với bạn bè trang lứa (chẳng hạn như có ít bạn bè hoặc bị bắt nạt, bất kể ngoại hình và thể chất của trẻ). Đồng thời, lòng tự trọng gắn liền với việc tuân thủ các hướng dẫn ăn uống lành mạnh.
Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Louise Arvidsson, cho biết: "Ở các trẻ từ 2 đến 9 tuổi, chúng tôi thấy rằng việc tuân thủ hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh có liên quan tích cực đến tình trạng tâm lý, bao gồm ít xảy ra vấn đề về cảm xúc, có mối quan hệ tốt hơn với các trẻ khác, và phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng một chế độ ăn uống lành mạnh có thể cải thiện hạnh phúc ở trẻ em”.
Khi theo dõi 7.675 trẻ từ 2 đến 9 tuổi đến từ 8 quốc gia Châu Âu (Bỉ, Cyprus, Estonia, Đức, Hungary, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Điển), các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các trẻ có Điểm số Tuân thủ Chế độ ăn uống Lành mạnh (Healthy Dietary Adherence Score HDAS) cao hơn vào giai đoạn bắt đầu nghiên cứu có liên quan đến sự tự tin hơn, giao tiếp tốt với bạn bè đồng trang lứa và ít vấn đề về tình cảm hơn vào 2 năm sau đó.
HDAS hướng đến việc tuân thủ các hướng dẫn về chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm hạn chế lượng đường tinh luyện, giảm lượng chất béo, ăn trái cây và rau quả. HDAS cao hơn cho thấy sự tuân thủ tốt hơn các nguyên tắc - tức là ăn uống lành mạnh hơn. Các hướng dẫn này là chung cho cả 8 quốc gia trong nghiên cứu.
Tiến sĩ Arvidsson cho biết: "Thật ngạc nhiên khi thấy rằng mối liên quan giữa chế độ ăn cơ bản và mức độ hạnh phúc cao hơn sau 2 năm hoàn toàn độc lập với vị trí kinh tế xã hội của trẻ em và trọng lượng cơ thể của trẻ."
Các tác giả đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Xác định và Phòng ngừa Hiệu ứng Sức khỏe từ Chế độ ăn kiêng và Lối sống ở Trẻ em và trẻ Nhũ nhi (Identification and Prevention of Dietary- and Lifestyle-Induced Health Effects in Children and Infants Study), một nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu nhằm tìm hiểu cách ngăn ngừa thừa cân ở trẻ em, đồng thời cũng xem xét các yếu tố ảnh hưởng khác.
Vào đầu thời kỳ nghiên cứu, cha mẹ được yêu cầu báo cáo mỗi tuần về mức độ thường xuyên con cái họ tiêu thụ thức ăn từ một danh sách gồm 43 món cho sẵn. Tùy thuộc vào việc tiêu thụ các loại thực phẩm này, các trẻ này sau đó được cho một điểm số HDAS. Hạnh phúc tâm lý xã hội được đánh giá dựa trên lòng tự trọng, quan hệ của cha mẹ, các vấn đề tình cảm và bạn bè trang lứa theo báo cáo của phụ huynh khi trả lời bộ câu hỏi đã được đánh giá. Chiều cao và cân nặng của trẻ em được thu thập. Tất cả các câu hỏi và phép đo được lặp lại 2 năm sau đó.
Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên phân tích các yếu tố cá thể trong HDAS và mối liên quan của chúng với mức độhạnh phúc của trẻ em. Các tác giả nhận thấy rằng lượng cá ăn vào theo hướng dẫn (2-3 lần mỗi tuần) liên quan đến tự tin hơn và không có vấn đề về cảm xúc và bạn bè trang lứa. Lượng thức ăn của toàn bộ bữa ăn cũng liên quan tích cực đến tình trạng không gặp các vấn đề giao tiếp với bạn bè trang lứa.
Mối liên quan được ghi nhận ở cả 2 nhánh nghiên cứu.
- Sự hạnh phúc hơn có liên quan đến việc tiêu thụ trái cây và rau quả, đường và chất béo theo hướng dẫn chế độ ăn uống
- Sự tự tin hơn liên quan đến lượng đường ăn vào theo hướng dẫn, quan hệ cha mẹ tốt có liên quan đến tiêu thụ rau quả theo hướng dẫn, ít vấn đề về cảm xúc liên quan với lượng chất béo tiêu thụ theo hướng dẫn, ít vấn đề về bạn bè trang lứa hơn có liên quan đến việc tiêu thụ trái cây và rau quả theo hướng dẫn.
Các tác giả cảnh báo rằng trẻ em có chế độ ăn uống kém và kém hạnh phúc có nhiều khả năng bỏ học và do đó ít tham gia trong 2 năm tiếp theo, điều này làm nhiễu kết luận về tỷ lệ thực của chế độ ăn uống kém và hạnh phúc kém. Vì nghiên cứu này là quan sát và dựa vào dữ liệu tự báo cáo từ cha mẹ nên không thể kết luận về nguyên nhân và ảnh hưởng.
Tiến sĩ Arvidsson nói: "Các mối liên quan chúng tôi xác định ở đây cần phải được xác nhận trong các nghiên cứu thực nghiệm bao gồm các trẻ được chẩn đoán lâm sàng trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn hành vi khác hơn là hạnh phúc được báo cáo từ cha mẹ."
Links: https://www.nestlenutrition-institute.org/news/article/2018/01/04/healthy-eating-linked-to-kids'-happiness
Journal Reference: Louise Arvidsson, Gabriele Eiben, Monica Hunsberger, Ilse De Bourdeaudhuij, Denes Molnar, Hannah Jilani, Barbara Thumann, Toomas Veidebaum, Paola Russo, Michael Tornatitis, Alba M. Santaliestra-Pasías, Valeria Pala, Lauren Lissner. Bidirectional associations between psychosocial well-being and adherence to healthy dietary guidelines in European children: prospective findings from the IDEFICS study. BMC Public Health, 2017; 17 (1)