Omega-3, omega-6 trong chế độ ăn uống làm thay đổi biểu hiện gen đối với bệnh béo phì

4 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe Béo phì Dinh dưỡng và quản lý bệnh tật Nhẹ cân lúc sinh Suy dinh dưỡng Dị ứng

Một nghiên cứu mới cho thấy rằng chất béo thiết yếu trong chế độ ăn có thể góp phần điều tiết sự bài tiết protein (secretion: tế bào đào thải protein từ nội bào ra môi trường ngoại bào) ở hệ cơ bằng cách thay đổi phương thức liên kết giữa gen và hoạt động bài tiết. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sinh Lý Học – Di Truyền Học (Physiological Genomics) trước khi phát hành ấn bản.

Acid alpha-linolenic (ALA) và acid linoleic (LA) là các chất béo thiết yếu nguồn gốc thực vật – được gọi là acid béo không bão hòa đa (PUFA) – mà con người hấp thu thông qua chế độ ăn. ALA là một acid béo omega-3; LA là một acid béo omega-6. Các acid béo omega-3 và omega-6 đã được kiểm chứng là đem lại lợi ích cho hoạt động não bộ, giảm nguy cơ viêm và bệnh tim mạch.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng protein tiết ra từ cơ (secretome – sản phẩm của quá trình bài tiết protein cơ xương) giúp điều chỉnh hoạt động truyền tải tín hiệu về các hoạt động trao đổi chất như sự hình thành sợi cơ và chức năng sinh tổng hợp insulin của các tế bào beta trong tụy. Nghiên cứu tiền nhiệm này cho thấy rằng béo phì và kháng insulin – hiện tượng cơ thể không có khả năng phản hồi, sử dụng insulin đúng cách – thay đổi hoạt động bài tiết protein từ hệ cơ xương. Một nhóm nghiên cứu từ Đại Học Guelph (University of Guelph) ở Ontario, Canada, đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu cơ chế sự tiêu thụ chất béo thiết yếu thường xuyên dùng để điều chỉnh cách thức gen sử dụng các thông tin (biểu hiện gen) có liên quan tới sự bài tiết protein cơ xương.

Nhóm tác giả này đã tiến hành nghiên cứu nồng độ glucose và lấy mẫu cơ và RNA – một chuỗi phân tử sử dụng thông tin di truyền từ DNA để tạo ra protein trong tế bào - từ bốn nhóm chuột:

1. Nhóm “Cân Đối”: chế độ ăn uống bình thường (“Cân Đối”).
2. Nhóm Béo Phì: ăn thực phẩm bổ sung với ALA (""ALA"").
3. Nhóm Béo Phì: ăn thực phẩm bổ sung với LA (""LA"").
4. Nhóm Béo Phì, được kiểm soát: chế độ ăn uống bình thường (""Kiểm Soát Béo Phì"")."

Sau 12 tuần theo dõi từng chế độ ăn tương ứng trên, cả nhóm ALA và LA đều có nồng độ đường huyết thấp hơn và lượng dung nạp glucose tốt hơn so với nhóm Kiểm Soát Béo Phì. Những yếu tố thử nghiệm này có tác dụng tốt đối với nhóm ALA hơn là với nhóm LA. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy hơn 135 gen biểu hiện khác nhau – dựa trên chế độ ăn uống – trong số bốn nhóm động vật, bao gồm các gen tương ứng với 15 protein bài tiết. Biểu hiện tính trạng trong hầu hết các protein này khác nhau giữa các nhóm Cân Đối và Béo Phì.

Kết quả thử nghiệm cho ta giả thiết: "LA và ALA có thể điều chỉnh hoạt động bài tiết protein từ cơ xương theo các cách khác nhau", các nhà nghiên cứu giải thích, và việc bổ sung PUFA làm thay đổi biểu hiện gen. "Những phát hiện của chúng tôi liên quan đến mối quan hệ giữa béo phì và hoạt động bài tiết protein từ cơ xương, bổ sung thêm thông tin có giá trị cho một lĩnh vực nghiên cứu còn tương đối mới lạ"

Sự khác biệt trong cơ chế điều tiết secretome cơ xương của alpha-linolenic acid và linoleic acid ở chuột béo phì, Alex Rajna, Heather Gibling, Ousseynou Sarr, Sarthak Matravadia, Graham P. Holloway, and David M Mutch - Tạp chí Sinh Lý Học.