Những yếu tố rủi ro dẫn đến béo phì và ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh béo phì ở trẻ nhỏ

5 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe Béo phì Dinh dưỡng và quản lý bệnh tật Nhẹ cân lúc sinh Suy dinh dưỡng Dị ứng

Một nghiên cứu mới gần đây đã cho thấy gia đình có tiền sử bị bệnh béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch đều được xem là nhân tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh béo phì ở trẻ em.

Đồng thời, nghiên cứu này khi xem xét và đánh giá những yếu tố rủi ro trên kết hợp với các đối tượng khác trong gia đình như ông bà, cha mẹ và anh chị em của bé, kết quả cho thấy những bé nhỏ tuổi nhất trong gia đình chính là đối tượng bị béo phì trầm trọng nhất. Không chỉ thế, trẻ em bị béo phì nghiêm trọng còn có dấu hiệu kháng insulin, dẫn đến chứng bệnh đái tháo đường type 2. Được xuất bản trong tạp chí Frontiers in Endocrinology (Phá vỡ biên giới trong lĩnh vực Nội Tiết Học), nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm ảnh hưởng của tiền sử bệnh án gia đình với bệnh béo bì và các bệnh liên quan đến vấn nạn béo phì ở trẻ em – một trong những vấn đề y tế cộng đồng đáng quan ngại trên thế giới hiện nay.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có khả năng tồn tại mối liên hệ giữa bệnh béo phì ở trẻ nhỏ và tiền sử béo phì của gia đình, cũng như tiền sử các bệnh thuộc về tim mạch và chuyển hóa khác, bao gồm cao huyết áp, mỡ trong máu cao, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch”, trưởng ban nghiên cứu (tác giả chính) Tiến Sĩ Domenico Corica – đại học Messina, Ý – cho biết.

“Chúng tôi cũng đã chứng minh rằng vấn đề về béo phì ở trẻ em không chỉ liên quan đến tình trạng gia tăng số lượng chẩn đoán mắc bệnh, mà còn liên quan đến mức độ nghiêm trọng của chứng bệnh này đối với trẻ em thuộc lứa tuổi nhỏ hơn nữa. Nếu tình trạng béo phì kéo dài, những bé này sẽ chịu rủi ro hình thành biến chứng từ bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa cao hơn ở tuổi vị thành niên/ thanh thiếu niên.”

Để phục vụ cho nghiên cứu này, hơn 250 trẻ em thừa cân và béo phì trong độ tuổi 2 – 17 đã được chẩn đoán y khoa tại Pediatric Endocrinology Outpatient Clinic (Phòng khám ngoại trú Nội Tiết Tố Nhi Khoa) thuộc Đại học Messina, thông qua sự giới thiệu và chỉ định của bác sĩ nhi khoa gia đình. Quá trình chẩn đoán bao gồm đo chiều cao và cân nặng, thử máu để đánh giá nồng độ glucose và chất béo, kèm theo thông tin về tiền sử béo phì của cha mẹ, anh chị em, thậm chí cả ông bà, cùng với tiền sử các loại bệnh lý liên quan đến tim mạch và chuyển hóa khác.

Tiến sĩ Corica giải thích: “Những chẩn đoán này được thực hiện ngay sau khi có sự chỉ định từ bác sĩ nhi khoa lần đầu tiên, vì thế ta có thể thấy ngay được từ lần chẩn đoán thứ nhất liệu có sự rối loạn chức năng chuyển hóa nào không, như sự kháng insulin chẳng hạn.”

Đồng quan điểm với các nghiên cứu tiền nhiệm, các tác giả cũng chỉ ra rằng tiền sử gia đình béo phì làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em – nhưng nghiên cứu chi tiết của nhóm tác giả khám phá được nhiều điều hơn.

Khi ông bà, cha mẹ và anh chị mắc bệnh tim mạch và các bệnh rối loạn chuyển hóa khác, khả năng trẻ mắc bệnh béo phì từ sớm và mức độ nghiêm trọng càng tăng lên. Chia các bé tham gia nghiên cứu thành 3 nhóm tuổi, các tác giả nhận ra rằng nhóm các bé dưới 8 tuổi chịu ảnh hưởng nặng nhất. Béo phì ở trẻ em dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh và chịu biến chứng từ các bệnh mãn tính, bởi thế mà nếu chứng bệnh béo phì kéo dài đến tuổi trưởng thành thì thật là nguy hiểm cho sức khỏe của bé trong lương lai và đáng lo ngại.

Tiến sĩ Corica tiếp tục cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đã phát hiện hiện tượng kháng insulin ở những bé bị béo phì nghiêm trọng nhất, kể cả ở những bé còn rất nhỏ tuổi. Phát hiện này rất quan trọng, góp phần nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chương trình chăm sóc can thiệp từ sớm từ nhà cung cấp dịch vụ y tế, trường học và các tổ chức chính phủ khác, chủ yếu để thay đổi lối sống – ví dụ như thói quen ăn uống, hoạt động thể chất, thời gian sử dụng màn hình – của trẻ béo phì và gia đình của các bé.”

Mặc dù nghiên cứu được khảo sát trên rất nhiều đối tượng trẻ em, bao quát được nhiều lứa tuổi, tất cả bệnh nhân đều sinh sống chủ yếu ở miền nam nước Ý. Thế nên, tiến sĩ Corica hy vọng rằng nghiên cứu này có thể được nhân rộng ra các vùng miền khác.

"Chúng tôi hy vọng sẽ có thể tăng số lượng trẻ em và mở rộng khu vực địa lý, cũng như đánh giá các khía cạnh khác có thể ảnh hưởng đến sự khởi đầu và mức độ nghiêm trọng của bệnh béo phì ở trẻ em", ông kết luận.

Tham khảo:

Domenico Corica, Tommaso Aversa, Mariella Valenzise, Maria Francesca Messina, Angela Alibrandi, Filippo De Luca, Malgorzata Wasniewska. Does Family History of Obesity, Cardiovascular, and Metabolic Diseases Influence Onset and Severity of Childhood Obesity?Frontiers in Endocrinology, 2018; 9

Links : https://www.sciencedaily.com/releases/2018/05/180502075855.htm