Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với chứng xơ vữa động mạch
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Western và Lawson Health Research Institute (Viện nghiên cứu sức khỏe Lawson) vừa công bố mối liên hệ mới được phát hiện giữa hệ vi khuẩn đường ruột và bệnh xơ vữa động mạch, một trong những nguyên nhân chính gây nên đau tim và đột quỵ. Chỉ tiêu này được xem như đương lượng của hệ quả từ sức nặng của mảng bám (plaque) trong động mạch cảnh.
Để hiểu được vai trò của vi khuẩn trong ruột đối với bệnh xơ vữa động mạch, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ các sản phẩm trao đổi chất trong máu sinh ra bởi hệ vi khuẩn đường ruột. Họ đã tiến hành nghiên cứu trên tổng thể 316 người đến từ ba nhóm hoàn toàn tách biệt – nhóm những bệnh nhân bị lượng mảng bám (plaque) nhiều tương đương mức chẩn đoán bằng phương pháp truyền thống: xác định những yếu tố rủi ro, nhóm bệnh nhân có vẻ được “bảo vệ” khỏi chứng xơ vữa động mạch vì tuy mang nhiều yếu tố rủi ro nhưng họ lại có động mạch bình thường, và nhóm bệnh nhân mắc bệnh xơ vữa động mạch mà chưa thể lý giải thỏa đáng, nhóm này không có bất kỳ yếu tố rủi ro nào nhưng vẫn bị nồng độ plaque cao.
Tiến sĩ David Spence, giáo sư trường Western's Schulich School of Medicine & Dentistry (Trường Y khoa & Nha khoa Western Schulich) và khoa học gia tại Robarts Research Institute (Viện Nghiên cứu Robarts) cho biết: “Thông qua nghiên cứu này, chúng tôi thấy được rằng những bệnh nhân xơ vữa động mạch không rõ nguyên nhân có nồng độ sản phẩm trao đổi chất độc hại do vi khuẩn đường ruột sinh ra cao hơn đáng kể [so với hai nhóm bệnh nhân còn lại]”. Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan sát và xem xét các sản phẩm chuyển hóa sau: TMAO, p-cresyl sulfate, p-cresyl glucuronide, và phenylacetylglutamine, và sử dụng kỹ thuật siêu âm động mạch cảnh để đo mức độ hình thành và tích tụ mảng bám (plaque) trong động mạch.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Atherosclerosis (Bệnh xơ vữa động mạch), đưa ra kết luận rằng những khác biệt này không thể được giải thích bởi chế độ ăn uống hay chức năng thận, đồng thời cũng chỉ ra sự khác biệt trong cấu tạo hệ vi khuẩn đường ruột.
Tiến sĩ Greg Gloor, giáo sư tại Schulich Medicine & Dentistry, nhà khoa học tại Lawson và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Trong lĩnh vực vi sinh vật học, càng ngày sự đồng thuận càng tăng đối với ý kiến ưu tiên chức năng thay vì phân loại. Nói cách khác, cộng đồng vi khuẩn không hoàn toàn được xác định bởi chủng loài, mà được xác định chủ yếu qua hoạt động và sản phẩm trao đổi chất chúng sản sinh ra.”
Nghiên cứu này đã cho thấy hệ vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, mở ra cánh cửa chứa các lựa chọn/ phác đồ điều trị mới dành cho những bệnh nhân bị mảng bám plaque không giải thích được tích tụ trong động mạch.
"Nhờ có những kết quả thu thập được từ sau nghiên cứu này mà các phát hiện và các nghiên cứu mới được thực hiện sau đó có khả năng đem lại cho chúng tôi cơ hội sử dụng probiotics (men vi sinh, lợi khuẩn ) để kháng lại các hợp chất này trong ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch" – phát biểu bởi Gregor Reid, giáo sư tại Schulich Medicine & Dentistry, nhà khoa học tại Lawson, và là một chuyên gia về probiotics, người đã tham gia, đóng góp vào nghiên cứu này. Spence còn cho biết thêm rằng, từ kết quả nghiên cứu này, chúng ta còn thấy được sự tái tạo của hệ vi khuẩn đường ruột là một cách tiếp cận mới để điều trị xơ vữa động mạch.
Tham khảo:
Chrysi Bogiatzi, Gregory Gloor, Emma Allen-Vercoe, Gregor Reid, Ruth G. Wong, Bradley L. Urquhart, Vincent Dinculescu, Kelsey N. Ruetz, Thomas J. Velenosi, Michael Pignanelli, J. David Spence, Metabolic products of the intestinal microbiome and extremes of atherosclerosis, Atherosclerosis, Volume 273, 2018, Pages 91-97,
Links : https://www.eurekalert.org/pub_releases/2018-05/uowo-rfg050218.php