Ăn cá hai lần một tuần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ

6 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe Béo phì Dinh dưỡng và quản lý bệnh tật Nhẹ cân lúc sinh Suy dinh dưỡng Dị ứng

Sau mười sáu năm kể từ công bố khoa học cuối cùng về lợi ích của việc ăn cá, vào thứ Năm vừa rồi, AHA đã tái khẳng định khuyến nghị về việc ăn từ một đến hai bữa cá hoặc tôm cua không chiên mỗi tuần để cải thiện sức khỏe tim mạch – đặc biệt là khi cá được sử dụng thay cho các loại thực phẩm khác kém lành mạnh hơn.

“Khoa học đã tiến bộ rất nhiều và đã có biết bao nghiên cứu mới được tiến hành kể từ lần cuối khuyến nghị về lợi ích của hải sản được công bố, đã đến lúc đưa ra một tuyên bố mới về lợi ích của hải sản trong việc ngăn ngừa không chỉ bệnh tim mạch mà còn ngăn ngừa đột quỵ, suy tim, đột tử do tim và suy tim sung huyết”, Eric Rimm, giáo sư về dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y Tế Cộng Đồng Harvard T.H. Chan (Harvard T.H. Chan School of Public Health) – Boston – phát biểu. Ông là trưởng nhóm nghiên cứu đã xuất bản khuyến nghị này trên tạp chí Hệ Tuần Hoàn (Circulation).

Để hấp thu trọn vẹn lợi ích của việc ăn cá, AHA khuyến cáo nên ăn hai phần cá không chiên – 3,5-ounce mỗi phần – hoặc khoảng 3/4 chén cá bào mỏng, mỗi tuần. Khẩu phần này nhiều hơn lượng ăn tiêu biểu của đa số người dân Hoa Kỳ: trong năm 2012, lượng hải sản tiêu thụ trung bình là 1,3 phần ăn mỗi tuần – tăng nhẹ so với số liệu 1,1 phần ăn một tuần vào năm 1999.

Ăn ít nhất một khẩu phần mỗi tuần có thể tốt hơn cho sức khỏe tim mạch hơn là hoàn toàn không ăn cá, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng cá thay thế thức ăn có nhiều chất béo bão hòa, muối và đường, căn cứ theo khuyến nghị này.

"Nếu bạn có chế độ ăn uống không lành mạnh và không ăn hải sản, bạn có thể tác động mạnh đến sức khỏe hệ tim mạch bằng cách thay thế cá cho thực phẩm nguồn gốc động vật có hàm lượng chất béo cao như thịt ba rọi xông khói, xúc xích hoặc xúc xích Ý", khẳng định bởi Jo Ann Carson, một chuyên viên dinh dưỡng và là giáo sư tại Trung Tâm Y Tế UT Southwestern (UT Southwestern Medical Center) ở Dallas.

Carson, người không tham gia viết báo cáo, cho biết kết luận của khuyến nghị cho thấy người ăn chay – những người không ăn thịt hoặc cá – có thể xem xét trở thành những người ăn cá (chế độ giống ăn chay nhưng thay thịt bằng cá).

"Nhiều người ăn chay đang thêm cá vào chế độ ăn của họ, và nghiên cứu cho thấy có thể việc này hữu ích", cô nói.

Nghiên cứu trước đây cho thấy axit béo omega-3 có trong hải sản có lợi cho tim theo nhiều cách, bao gồm giảm nguy cơ nhịp tim bất thường có thể dẫn đến tử vong đột ngột, làm giảm mức chất béo trung tính và làm chậm sự phát triển của các chất béo lắng đọng động mạch.

“Omega-3 thấm qua màng tế bào, góp phần quan trọng vào quá trình truyền tín hiệu bên trong và bên ngoài tế bào: truyền đạt thông tin giữa các tế bào là một phần vô cùng quan trọng để có một trái tim hoạt động bình thường”, Rimm nói.

Các chuyên viên tư vấn khuyên rằng mọi người nên chú trọng vào việc lựa chọn các loại cá có hàm lượng các acid béo omega-3 cao, bao gồm một số loại cá hồi, cá thu, cá trích, cá hồi nước ngọt, cá mòi và cá ngừ albacore. Một vài loại cá và động vật giáp xác khác, như là cá tuyết, cá da trơn, cá rô phi và tôm, cũng chứa omega-3 nhưng hàm lượng không cao.

Rimm cho biết, mấu chốt là ăn nhiều loại cá và ăn chúng thường xuyên.

"Bạn nên tìm nhiều loại cá bạn thích, để bạn không cần phải ăn hai phần một tuần chỉ với cùng một loại cá rồi trở nên chán ngấy sau một tháng rồi bỏ ăn luôn", ông nói.

Các chuyên viên tư vấn lưu ý một số loại cá, như là cá mập và cá kiếm, có chứa thủy ngân, có thể gây hại cho sự phát triển não bộ của thai nhi và cản trở phát triển nhận thức ở trẻ nhỏ. Nhưng đối với tất cả các độ tuổi khác, lợi ích của việc ăn cá vượt trội hẳn so với rủi ro về tác hại từ thủy ngân – Rimm nhận định.

“Đối với người trưởng thành, khi ăn một hoặc hai khẩu phần cá một tuần thì lợi ích từ cá vượt trội hơn hẳn bất kỳ mối quan ngại nào về các hợp chất khác có thể chứa trong cá ít nhất là 50 lần", ông nói.

Chuyên viên tư vấn cũng lưu ý rằng bởi vì nuôi trồng hải sản đang ngày càng phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới và phát triển, Quy trình sản xuất cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo các nông trại thân thiện với môi trường và cá nuôi có chứa hàm lượng omega-3 tương tự như cá trong tự nhiên. Một số loại cá hồi và cá hồi nước ngọt được nuôi thực sự có lượng omega-3 cao hơn so với các loài hoang dã, theo chuyên viên.

Rimm nhận xét: “Tổng quan về mặt môi trường mà nói thì ăn cá tốt hơn nhiều so với ăn thịt đỏ, nhưng khi dân số tăng lên, chúng ta phải thận trọng trong việc theo dõi tác động của cá nuôi để chúng tiếp tục có chỉ số dấu chân carbon (carbon footprint: chỉ số đo mức độ tác động lên môi trường thông qua lượng CO2 thải ra) đạt chỉ tiêu duy trì sự bền vững.

Trích từ Tương Quan Giữa Hải Sản, Axit Béo Đa Không Bão Hòa Chuỗi Dài N-3 Và Bệnh Tim Mạch: Tư Vấn Khoa Học Từ Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ.

Eric B. Rimm, Lawrence J. Appel, Stephanie E. Chiuve, Luc Djoussé, Mary B. Engler, Penny M. Kris-Etherton, Dariush Mozaffarian, David S. Siscovick, Alice H. Lichtenstein và Hiệp Hội Dinh Dưỡng & Tim Mạch; Hiệp Hội Phòng Ngừa Dịch Bệnh; Hiệp Hội Bệnh Tim ở người trẻ tuổi; Hiệp hội Chăm sóc sức khoẻ tim mạch & đột quỵ và Hiệp hội Y học tim mạch lâm sàng.

Tạp chí Hệ tuần hoàn, 2018.