Nuôi con bằng sữa mẹ có ảnh hưởng đến thành phần cấu tạo cơ thể khi trẻ phát triển đến giai đoạn thanh thiếu niên không?
Ngày 01 tháng 03 năm 2018
Silvana Orlandi – nhân sự trường Đại Học Liên Bang Federal University of Pelotas – cùng các đồng nghiệp đã tiến hành đánh giá tác động của việc nuôi con bằng sữa mẹ lên thành phần cấu tạo cơ thể thanh thiếu niên. Các nhà nghiên cứu đánh giá từ 1.438 ca sinh, với dữ liệu được lấy gián đoạn trong các khoảng thời gian từ sơ sinh đến 18 tuổi. Một phần của quá trình nghiên cứu là phỏng vấn tại nhà và thành phần cấu tạo cơ thể cùng với tình trạng cân nặng được đánh giá cho điểm/ theo cấp độ thông qua chỉ số cơ thể (body mass index – BMI), chỉ số lượng nạc (fat free mass index) và các biện pháp đo lường khác. Chỉ số lượng nạc (FFMI) gắn liền với nhiều biến số thuộc về gien di truyền và các yếu tố kinh tế xã hội – như là chỉ số lượng chất béo (fat mass idex – FMI) cao vượt trội ở nam giới thuộc các hộ gia đình thu nhập khá giả, và cả chỉ số FMI lẫn FFMI đều liên quan đến chỉ số BMI của người mẹ trước khi thời kỳ mang thai. Nhìn chung thì việc nuôi con bằng sữa mẹ ảnh hưởng đến các chỉ số lượng chất béo vào cuối giai đoạn thanh thiếu niên ở cả 2 giới, tuy nhiên mối liên hệ giữa chế độ ăn dặm [food introduction – đưa một loại thực phẩm mới vào chế độ ăn] bằng thực phẩm dạng đặc hay thực phẩm bán đặc với thành phần cấu tạo cơ thể chỉ xảy ra ở nữ giới.
Tại Brazil, bệnh béo phì ngày càng gia tăng, trong mọi nhóm tuổi. Dù chỉ số BMI là thước đo phổ biến để xác định tình trạng thừa cân của một cá nhân, nó không nêu lên được sự khác biệt giữa khối lượng chất béo và khối lượng cơ [cơ/ nạc/ phần khối lượng cơ thể không phải là mỡ]. Khá nhiều nghiên cứu đã cho thấy các yếu tố từ thuở sơ sinh như mức độ tăng trưởng trọng lượng cơ thể và được cung cấp dinh dưỡng từ sữa mẹ (breastfeed) có nắm giữ vai trò quyết định tình trạng sức khỏe khi đến tuổi trưởng thành. Trong nghiên cứu gần đây của BMC Nutrition, các nhà khoa học xem xét và nghiên cứu về ảnh hưởng của việc nuôi con bằng sữa mẹ lên thành phần cấu tạo cơ thể thanh thiếu niên.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu lấy từ độ tuổi 6 tháng tuổi, 12 tháng tuổi, 48 tháng tuổi và 18 tuổi – đối tượng tham gia là thanh thiếu niên sinh năm 1993 tại Pelotas, Brazil. Tổng cộng có 1.438 trẻ được đưa vào cuộc nghiên cứu cuối cùng. Các nhà nghiên cứu tiến hành và hoàn tất các cuộc khảo sát tại nhà đối với các bà mẹ, về thói quen và cách thức cho con bú của họ, chú trọng vào thời gian bọn trẻ sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, và thời điểm chúng bắt đầu ăn dặm với chế phẩm từ sữa, các loại thực phẩm đặc hoặc bán đặc khác. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng thời gian nuôi con bằng sữa mẹ càng dài, và chế độ ăn càng chuyên biệt [chỉ có sữa mẹ, không ăn dặm] trong giai đoạn nhũ nhi sẽ dẫn đến chỉ số lượng nạc FFMI cao hơn.
Ngoài chỉ số BMI, các biện pháp đo lường khác cũng được áp dụng để xác định, đánh giá tình trạng cân nặng và thành phần cấu tạo cơ thể. Chỉ số khối lượng nạc FFMI là biện pháp đánh giá khối lượng cơ thể tạo nên từ cơ bắp, nội tạng, xương, nước và các tế bào liên kết. Chỉ số khối lượng chất béo (mỡ) FMI đo thành phần khối lượng cơ thể tạo nên từ chất béo.
Các biến số dinh dưỡng và chỉ số khối lượng chất béo
Chỉ số FFMI trung bình ở nam giới trong nghiên cứu này là 19.0 kg/m2 và chỉ số FMI trung bình là 4.0 kg/m2. Ở nữ giới, chỉ số FMI trung bình và FFMI trung bình lần lượt là 8.0 kg/m2 và 15.5 kg/m2. Kết quả nghiên cứu cho thấy các chỉ số này gắn liền với các yếu tố/ biến số từ gen di truyền và từ điều kiện kinh tế xã hội.
Đối với nam giới, chỉ số FMI cao hơn tại các gia đình thu nhập khá giả, và cả chỉ số FMI lẫn FFMI đều liên quan đến chỉ số BMI của người mẹ trước khi thời kỳ mang thai. Còn đối với nữ giới, chỉ số FFMI cao hơn trong trường hợp người mẹ hút thuốc lá và chỉ số FMI thì cao ở nữ giới có cân nặng khi chào đời thấp và thấp khi người mẹ là phụ nữ da màu (dark skin). Cũng tương tự như với nam giới, chỉ số FMI và FFMI ở nữ giới cũng gắn liền với BMI của người mẹ trước thời kỳ mang thai.
Bằng chứng khoa học cho thấy FFMI có mối liên hệ với thời lượng được nuôi bằng sữa mẹ – đối với nam. Ngoài ra, chỉ số FFMI của phụ nữ cho con bú cao hơn của phụ nữ hoàn toàn không nuôi con bằng sữa mẹ. Cả 2 chỉ số FMI và FFMI ở nữ giới đều cao hơn khi chế độ ăn tại độ tuổi 4 – 5 tháng tuổi có sự xuất hiện của thực phẩm dạng rắn và dạng bán rắn. Thời gian cho con bú và thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm chế phẩm từ sữa không liên quan đến chỉ số FMI ở nữ giới.
Tóm lại là, đối với cả nam và nữ, việc được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ từ nhỏ có tác động đáng kể lên thành phần cấu tạo cơ thể sau này. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các chỉ số chất béo ở thời kỳ thanh thiếu niên phụ thuộc hoặc có liên kết với việc được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ từ giai đoạn sơ sinh. Tuy nhiên, mối tương quan giữa thức ăn dặm dạng đặc, bán đặc và thành phần cơ thể chỉ xảy ra đối với nữ giới.
Ưu điểm lớn nhất của nghiên cứu này là việc khảo sát thành phần cơ thể độ tuổi thanh thiếu niên thay vì thành phần cơ thể trẻ em như đa số các nghiên cứu khác. Khuyết điểm là các nhà nghiên cứu đã không khảo nghiệm cụ thể loại thức ăn dặm dạng đặc và dạng bán đặc nào được sử dụng. Mặc dù vậy, đây vẫn là một nghiên cứu đáng giá, bởi nhờ đó, ta có them cái nhìn sâu hơn về tác động của sự tiếp xúc thực phẩm [exposure – sự phơi nhiễm] ở giai đoạn trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ lên sức khỏe và các loại bệnh tật ở giai đoạn trưởng thành.
Biên soạn bởi Monica Naatey-Ahumah, BSc.
Tham khảo: Orlandi, S.P., González-Chica, D.A., Buffarini, R., Gonzalez, M.C., Menezes, A.M.B., Barros, F.C., and Assunção, M.C.F. (2017). Breastfeeding and complementary feeding associated with body composition in 18– 19 years old adolescents in the 1993 Pelotas Birth Cohort. BMC Nutrition, 3(84).https://doi.org/10.1186/s40795-017-0201-z
Tham khảo: https://www.medicalnewsbulletin.com/breastfeeding-affect-childs-body-composition-adolescent/