Giảm nguy cơ mắc chứng dị ứng đậu phộng ở trẻ em
Bài báo gốc xem tại: https://www.nestlenutrition-institute.org/news/article/2018/03/01/reducing-peanut-allergy-risks-in-children
Ngày 01 tháng 03 năm 2018
Theo bài báo khoa học của Jaime Hopper, MSN, FNP-C và Courtney Hopp, MSN, FNP-C – nhân sự của trung tâm Sức Khỏe Health Methodist Center thuộc trường Đại Học Indiana, Indianapolis và Jessica Durbin, DNP-FNP-BC – nhân sự của trường Đại học Indiana State, Terre Haute, việc kết hợp đậu phộng vào thực đơn của bé từ thuở nhỏ có khả năng ngăn ngừa sự phát triển chứng dị ứng đậu phộng ở đối tượng trẻ bị mẫn cảm. Các tác giả trên cũng đưa ra bàn luận về vai trò nổi bật của phương pháp miễn dịch qua đường miệng (OIT – Oral ImmunoTherapy) và những biện pháp giải mẫn cảm (desensitization) khác nhằm giảm nhẹ phản ứng dị ứng quá nghiêm trọng ở các bé bị dị ứng đậu phộng.
Chứng dị ứng đậu phộng có gì mới không? Cập nhật thông tin dành cho điều dưỡng
Càng ngày tần suất bệnh lưu hành của dị ứng đậu phộng và dị ứng thức ăn càng gia tăng, điều dưỡng và các nhân viên thuộc ngành chăm sóc y tế cần phải được trang bị kiến thức đầy đủ để điều trị - chăm sóc cho các bé bị dị ứng với đậu phộng. Các tác giả nhận định rằng: “Chứng dị ứng đậu phộng là một vấn đề đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay, và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong do phản ứng phản vệ gây ra bởi thực phẩm”. Tỷ lệ dị ứng đậu phộng ở Hoa Kỳ được ước tính vào khoảng 1.6 – 2.7 phần trăm.
Trẻ em có bố mẹ hoặc anh chị em bị dị ứng đậu phộng có nguy cơ bị dị ứng đậu phộng cao hơn, cũng như tăng nguy cơ mắc chứng dị ứng các loại thực phẩm khác, nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và nguy cơ mắc bệnh viêm da dị ứng (atopic dermatitis). Cho đến hiện tại, Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics – AAP) khuyên nên tránh để trẻ em dưới 3 tuổi có nguy cơ dị ứng cao tiếp xúc với đậu phộng [trong thực đơn].
Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu vào năm 2015 (LEAP trial – thử nghiệm lâm sàng về chứng dị ứng đậu phộng “Learning Early About Peanut-allergy”) đã khám phá ra việc kết hợp sớm đậu phộng vào thực đơn của bé giúp giảm “rõ rệt” nguy cơ dị ứng với đậu phộng ở đối tượng trẻ em mẫn cảm. Khuyến nghị mới cập nhật của AAP định nghĩa mức độ tiếp xúc theo mô hình 3 tầng, bao gồm kết hợp đậu phộng vào thực đơn của đối tượng trẻ em mẫn cảm, từ 4 – 6 tháng tuổi, với chứng viêm da dị ứng nặng và/ hoặc dị ứng với trứng, kèm theo khuyến nghị thử phản ứng dị ứng. Những khuyến nghị khác áp dụng đối với trẻ em bị viêm da dị ứng ở cấp độ vừa hoặc nhẹ, và với đối tượng trẻ em không bị chứng viêm da dị ứng lẫn không dị ứng bất kỳ loại thực phẩm nào.
Đối với trẻ em đã bị chứng dị ứng đậu phộng, liệu pháp giải mẫn cảm với tên gọi phương pháp miễn dịch qua đường miệng (OIT – Oral ImmunoTherapy) là hướng tiếp cận đầy triển vọng. Trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng, OIT đã giúp nâng ngưỡng hấp thu đậu phộng trước khi xảy ra phản ứng dị ứng lên đến 25 lần.
Hopper và các đồng tác giả nhận định, “Với các liệu pháp giải mẫn cảm dành cho những triệu chứng dị ứng đậu phộng đã biết cho đến nay, trong tương lai các bác sĩ lâm sàng sẽ có thể giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và các phản ứng nghiêm trọng ở trẻ em bằng cách giảm mức độ trầm trọng của các phản ứng phản vệ. Mặc dù chưa đạt được hiệu quả 100%, biện pháp OIT vẫn đem đến cho các nạn nhân dị ứng thực phẩm nghiêm trọng triển vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Vẫn cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn để xác định tính an toàn và hiệu quả ngắn hạn lẫn dài hạn của phương pháp OIT. Bên cạnh đó, phương pháp miễn dịch dưới lưỡi (sublingual) và liệu pháp giải mẫn cảm dưới da (epicutaneous immunotherapy) cũng đang được nghiên cứu để ứng dụng vào điều trị chứng dị ứng đậu phộng.
Các tác giả đưa ra bàn luận về tầm ảnh hưởng có thể có của các nghiên cứu trên đến quá trình kiểm soát, quản lý và đánh giá tính hiệu quả đối với đối tượng trẻ em điều trị dị ứng đậu phộng bằng phương pháp miễn dịch, bao gồm đánh giá mức độ hen suyễn cùng các triệu chứng dị ứng khác. Bệnh nhân cần được liên tục phổ cập kiến thức về nhận biết và các biện pháp xử trí tức thời trong tình huống khẩn cấp: các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, trong đó có cả cách sử dụng bơm tiêm epinephrine tự động.
Giả thuyết rằng -- việc kết hợp sớm những thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao vào thực đơn [của trẻ nhỏ] có thể giúp giải mẫn mẫn cảm bệnh nhân [bị chứng dị ứng thực phẩm] và dẫn đến ít phản vệ bất lợi hơn – có triển vọng mang lại những thay đổi đáng kể trong quá trình kiểm soát chứng dị ứng thực phẩm. “Tuy chỉ mới được tiến hành trong những điều kiện chuyên biệt bởi bác sĩ lâm sàng và vẫn còn mang tính thử nghiệm, tiềm năng đưa OIT vào áp dụng ở các thử nghiệm lâm sàng trong điều kiện khác vẫn tương đối cao.” – bài báo ghi nhận – “Ứng dụng này góp phần tăng thêm số lượng liệu pháp điều trị khả dụng, có khả năng cứu mạng dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất cộng đồng”.
Tham khảo: https://www.eurekalert.org/pub_releases/2018-02/wkh-rpa021518.phpTham khảo: https://journals.lww.com/tnpj/Fulltext/2018/03000/Peanut_allergy_reduction_in_high_risk_pediatric.7.aspx?PRID=NP_PR_021518