Thiếu ngủ ở phụ nữ mang thai liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ
Thời gian ngủ ở Hoa Kỳ đã giảm đáng kể trong vòng 20 năm qua, với gần 1/4 phụ nữ và 16% nam giới ngủ không đủ giấc. Giờ đây, một nghiên cứu mới đã cho thấy rằng sự thiếu ngủ của phụ nữ mang thai có thể là một yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Các phát hiện được báo cáo trong tạp chí Sleep Medicine Reviews.
Tiến sĩ Sirimon Reutrakul, phó giáo sư về nội tiết, bệnh đái tháo đường và chuyển hóa ở Đại học Illinois, Chicago College of Medicine, tác giả của nghiên cứu nói: "Mối liên kết giữa thời gian ngủ giảm và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gia tăng đã được báo cáo trong một số nghiên cứu lớn ở những người không mang thai”.
Một vài nghiên cứu đã kết nối thời gian ngủ ngắn với mức đường trong máu cao ở phụ nữ có thai, nhưng phần lớn các nghiên cứu này đều nhỏ. Reutrakul nói: "Cần thêm thông tin để xác định xem thời gian ngủ ngắn có phải là một yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh đái tháo đườngthai kỳ không”.
Đái tháo đường thai kỳ thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho rằng phụ nữ mang thai cần được kiểm tra đường huyết trong khoảng từ 24 đến 28 tuần thai kỳ. Mức đường huyết tăng cao cho thấy người đó có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cao, và cần thêm một xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán đái tháo đườngthai kỳ.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến 3-7% các trường hợp mang thai ở Hoa Kỳ. Thông thường, người mẹ không có triệu chứng gì, và đường huyết trở lại bình thường sau khi sinh. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ thường có cân nặng lúc sinh cao. Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 sau này. Trẻ sơ sinh con của họ cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và béo phì.
Reutrakul và các đồng nghiệp của bà đã thực hiện phân tích gộp gồm 8 nghiên cứu bao gồm 17.308 phụ nữ mang thai được đánh giá về thời gian ngủ (tất cả các nghiên cứu đều sử dụng bảng câu hỏi tự báo cáo, trừ một nghiên cứu đo giấc ngủ một cách khách quan bằng một máy gia tốc) và đái tháo đường thai kỳ. Các nhà nghiên cứu cũng thu thập được dữ liệu cá nhân thô từ các tác giả của bốn nghiên cứu bổ sung bao gồm đo đường huyết và đo thời gian ngủ một cách khách quan ở 287 phụ nữ mang thai có bệnh đái tháo đường thai kỳ để phân tích thêm.
Trong phân tích của họ, các nhà nghiên cứu nhận thấy thời gian ngủ trung bình dưới 6 giờ có liên quan đến tăng gấp 1,7 lần nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Trong số những người tham gia từ các nghiên cứu về giấc ngủ được đo lường một cách khách quan và từ các nghiên cứu có dữ liệu bệnh nhân riêng lẻ, những người ngủ ít hơn 6,25 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ gấp 2,84 lần so với những phụ nữ ngủ nhiều hơn 6,25 giờ mỗi đêm, và cũng có đường huyết cao hơn khi làm xét nghiệm tầm soát.
Reutrakul cho biết: "Đây là phân tích gộp đầu tiên cho thấy rằng cả hai cách tự báo cáo và đánh giá khách quan đều cho thấy thời gian ngủ ngắn có liên quan đến đường huyết tăng cao trong thai kỳ cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Cần có thêm nghiên cứu để khẳng định những phát hiện của chúng tôi, và để xác định xem liệu kéo dài giấc ngủ có lợi ích trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ hay không".
Sirimon Reutrakul, Thunyarat Anothaisintawee, Sharon J. Herring, Bilgay Izci Balserak, Isabelle Marc, Ammarin Thakkinstian, Short Sleep Duration and Hyperglycemia in Pregnancy: Aggregate and Individual Patient Data Meta-Analysis, In Sleep Medicine Reviews, 2017,
Links : https://www.news-medical.net/news/20171016/Lack-of-sleep-among-pregnant-women-linked-to-increased-risk-of-gestational-diabetes.aspx