Thời gian bú mẹ ngắn và mẹ béo phì liên quan đến tình trạng gan nhiễm mỡ ở thiếu niên

5 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe Béo phì Dinh dưỡng và quản lý bệnh tật Nhẹ cân lúc sinh Suy dinh dưỡng Dị ứng
Trẻ đã bú mẹ ít hơn 6 tháng trước khi bắt đầu dùng sữa công thức và con của những bà mẹ bị béo phì khi bắt đầu mang thai có xu hướng phát triển bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic fatty liver disease - NAFLD) khi trở thành thiếu niên, theo một nghiên cứu mới ở Tạp chí Gan mật (Hepatology).

NAFLD là bệnh gan phổ biến nhất ở các nước phát triển, ảnh hưởng đến một phần tư số người trưởng thành. Nó xảy ra khi chất béo tích tụ trong tế bào gan ở những người không dùng quá nhiều rượu và thường liên quan đến béo phì và tình trạng kháng insulin. Theo Điều tra Thẩm định về Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia của Hoa Kỳ, NAFLD ở thiếu niên đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua.

"Đã có những nghiên cứu về những lợi ích của việc cho con bú trong các bệnh khác, nhưng có rất ít thông tin về những lợi ích của việc cho con bú liên quan đến bệnh gan", nhà nghiên cứu hàng đầu Oyekoya T. Ayonrinde, MBBS, ĐH Y Dược, Đại học Tây Úc, Perth, Khoa Tiêu Hóa và Gan mật, Bệnh viện Fiona Stanley, Murdoch và khoa Khoa học Sức khỏe, Đại học Curtin, Bentley, Tây Úc giải thích. "Do đó, chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ của những thiếu niên Úc để xác lập xem liệu dinh dưỡng ở tuổi nhũ nhi và các yếu tố của bà mẹ có thể liên quan đến việc chẩn đoán NAFLD về sau hay không". Các nhà điều tra đã thực hiện siêu âm gan trên hơn 1.100 thanh thiếu niên trong độ tuổi 17, những người này đã được theo dõi từ trước khi sinh như là một phần của nghiên cứu dọc Thai kỳ Tây Úc (Raine). Các tài liệu chi tiết về thai kỳ của bà mẹ và chế độ dinh dưỡng của trẻ có tương quan với sự hiện diện của NAFLD trong giai đoạn cuối của tuổi thiếu niên. NAFLD được chẩn đoán ở khoảng 15% thiếu niên được khám.

Có 94% trẻ đã được bú mẹ trong giai đoạn sau sinh. Thời gian cho bú sữa mẹ trước khi bắt đầu bổ sung sữa công thức là 4 tháng ở 55% trường hợp và là 6 tháng ở 40% trường hợp. Trẻ vị thành niên có mẹ bị béo phì khi bắt đầu mang thai có khả năng mắc NAFLD gấp đôi, trong khi khả năng mắc NAFLD tăng 40% ở những người được nuôi bằng sữa công thức trước 6 tháng tuổi. Thật thú vị, con của những bà mẹ hút thuốc khi bắt đầu mang thai cũng có nguy cơ mắc NAFLD tăng đáng kể.

"Trọng lượng khỏe mạnh của người mẹ và sự hỗ trợ bằng cách khởi đầu và kéo dài việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể mang lại lợi ích cho gan của những đứa trẻ", Tiến sĩ Ayonrinde bổ sung. "Điều này cung cấp thêm các lý do phải hỗ trợ các cơ hội để các bà mẹ có thể cho con bú mẹ ít nhất sáu tháng và trì hoãn việc bắt đầu sữa công thức. Không nên đánh giá thấp vai trò quan trọng của các bà mẹ trong sức khỏe trẻ em."

Trong một bài xã luận đi kèm, Anna Alisi, tiến sĩ của Đơn vị Nghiên cứu Gan mật, Bệnh viện Nhi Bambino Gesù, IRCCS, Rome, Ý, và Pietro Vajro, MD, thuộc khoa Nội, Ngoại và Nha khoa, “Scuola Medica Salernitana”, Đơn vị Nhi khoa, Đại học Salerno, Baronissi (Sa), Ý, nhận xét: “Nghiên cứu quan sát tinh tế của Ayonrinde và các đồng nghiệp là bằng chứng dịch tễ học đầu tiên cho mối liên quan giữa béo phì của bà mẹ, việc cho con bú mẹ và NAFLD ". "Sữa mẹ thực sự phức tạp và có thể chứa các thành phần hoạt tính sinh học khác nhau có hiệu quả bảo vệ khỏi béo phì và các tình trạng liên quan đến béo phì còn chưa được khám phá."

Tiến sĩ Alisi và Tiến sĩ Vajro cũng nhấn mạnh 1 phát hiện nữa của nghiên cứu là con của những bà mẹ hút thuốc vào đầu thai kỳ có nguy cơ NAFLD gia tăng đáng kể.

Điều này chứng minh kết quả của một số nghiên cứu trước đây về dịch tễ học của trẻ thừa cân và béo phì.
Họ kết luận: "Nghiên cứu này còn ủng hộ sự cần thiết phải khuyến khích lối sống lành mạnh toàn diện trước và trong khi mang thai và kéo dài thời gian bú mẹ hoàn toàn vì lợi ích sức khỏe lâu dài của các thế hệ tương lai".

Links : https://eurekalert.org/pub_releases/2017-06/e-sdo060917.php