Dinh dưỡng của bà mẹ quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ

4 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe Béo phì Dinh dưỡng và quản lý bệnh tật Nhẹ cân lúc sinh Suy dinh dưỡng Dị ứng

Hôm thứ ba, các nhà nghiên cứu đã nói rằng cải thiện dinh dưỡng cho người mẹ trước và trong suốt thai kì đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỉ lệ trẻ thấp còi ở các nước đang phát triển, vì theo một nghiên cứu cho thấy sự kém phát triển của trẻ thường bắt đầu trong giai đoạn bào thai

Thấp còi - được định nghĩa là có chiều cao thấp hơn chuẩn so với tuổi xảy ra ở 1/3 trẻ tại các nước đang phát triển và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, không hồi phục được cả về thể chất và chức năng nhận thức của trẻ

Một phân tích từ 137 nước đang phát triển bởi các nhà khoa học đến từ Harvard đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu gây còi cọc là tình trạng thai kém tăng trưởng – thai phát triển kém trong tử cung đưa đến hậu quả thai nhỏ từ lúc mới sinh

Theo một nghiên cứu được đăng vào ngày Thứ Ba, trong năm 2010, khoảng gần ¼ trong tổng số 44,1 triệu trẻ 2 tuổi có tình trạng thai kém tăng trưởng

Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này kêu gọi "thay đổi mô hình" từ các can thiệp chỉ tập trung vào trẻ em chuyển sang can thiệp trên cả những thai phụ và những người sắp mang thai.

Đồng tác giả của nghiên cứu, bà Kathryn Andrews, nói với tổ chức Thomson Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển một chương trình can thiệp toàn diện nhằm mục tiêu đến các bà mẹ và gia đình của họ ngay cả khi họ có thai để giúp con mình tăng trưởng trong tương lai.” Cần nhấn mạnh hơn nữa là đảm bảo rằng các bà mẹ được ăn uống đầy đủ và cải thiện chế độ ăn uống của họ với thuốc bổ sung chất dinh dưỡng, Andrews nói.

Các tác giả cho biết thai kém tăng trưởng đã được biết đến như là một trong những nguyên nhân gây thấp còi nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên xếp hạng nguy cơ tương đối của mỗi nguyên nhân vào tổng số các ca bệnh.

Theo nghiên cứu thông qua chương trình "Saving Brainins" của Grand Challenges Canada được chính phủ Canada tài trợ, tình trạng vệ sinh kém và tiêu chảy ở trẻ em là nguyên nhân lớn thứ hai và thứ ba sau thai giới hạn tăng trưởng, chiếm tương ứng là 16,4 và 13,2% trường hợp.

Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng, dinh dưỡng kém và ngừng nuôi con bằng sữa mẹ.

Năm ngoái, Liên hợp quốc đã thông qua một loạt các mục tiêu phát triển toàn cầu để chấm dứt đói nghèo vào năm 2030.

Còi cọc ở trẻ ảnh hưởng đến cả hai lĩnh vực, vì trẻ em có mức sinh trưởng kém trong những năm đầu đời có khuynh hướng học kém, và thường dẫn đến có thu nhập thấp hơn sau này.

Ông Peter Singer - giám đốc điều hành của Grand Challenges Canada cho biết: "Biết được các yếu tố nguy cơ chính gây còi cọc, chi phí toàn cầu cho sự tăng trưởng của trẻ em nghèo, và số trẻ em bị chậm phát triển tâm thần là những thông tin chính yếu để đảm bảo trẻ em không chỉ sống sót mà còn phát triển tốt".

Danaei G, Andrews KG, Sudfeld CR, Fink G, McCoy DC, Peet E, et al. (2016) Risk Factors for Childhood Stunting in 137 Developing Countries: A Comparative Risk Assessment Analysis at Global, Regional, and Country Levels. PLoS Med 13(11): e1002164.

Links : http://uk.reuters.com/article/us-health-stunting-mothers-idUKKBN12X01K