Tiêu thụ nhiều đạm (protein) có làm tăng chức năng tim của trẻ khỏe mạnh?

4 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe Béo phì Dinh dưỡng và quản lý bệnh tật Nhẹ cân lúc sinh Suy dinh dưỡng Dị ứng

Hiện có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy loại dưỡng chất cơ thể thu nhận trong giai đoạn đầu mới phát triển sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của mô cơ thể về lâu dài. Đạm (protein) có thể đóng vai trò chính trong việc điều hòa khối lượng cơ thể và chức năng của một số hệ thống và cơ quan – vì đạm làm tăng khối lượng cơ thể, từ đó làm tăng sức tải của các cơ quan. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn còn rất ít nghiên cứu về tác động cụ thể của việc tiêu thụ đạm ở trẻ khỏe mạnh. Trước đây, mối liên quan giữa đạm và chức năng tim chỉ được ghi nhận trong những trường hợp nặng, ví dụ như suy dinh dưỡng hay suy tim. Gần đây, Dự Án Béo Phì Trẻ Em Châu Âu (The European Childhood Obesity Project Group) gồm các nhà nghiên cứu tại bệnh viện đại học và viện sức khỏe ở Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan và Ý đã đăng một bài báo về vấn đề này, dựa vào kết quả phân tích một thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Tây Ban Nha từ 2004 đến 2006. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của việc dùng các loại đạm khác nhau trong năm đầu đời đối với khối lượng và chức năng tim, tiến hành đánh giá khi trẻ lên 2 tuổi. Đạm trong giai đoạn nhũ nhi là một trong những yếu tố dinh dưỡng quan trọng nhất ảnh hưởng đến nguy cơ béo phì và các hậu quả về sức khỏe sau này.

Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định liệu đạm trong sữa công thức dùng trong giai đoạn tăng trưởng nhanh có thể làm thay đổi cấu trúc tim hay không, dựa vào biến đổi khối lượng tim trên siêu âm. Các trẻ trong nghiên cứu được chia vào 3 nhóm: 1/3 trẻ được cho dùng sữa công thức hàm lượng đạm cao; 1/3 dùng sữa công thức hàm lượng đạm thấp; và 1/3 còn lại được bú sữa mẹ. Trẻ sẽ được xét nghiệm máu, siêu âm tim, đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, chu vi vòng đầu lúc 6 tháng tuổi; và lặp lại một lần nữa các xét nghiệm này khi trẻ lên 2 tuổi. Chiều cao và cân nặng của các trẻ trong 3 nhóm khác biệt không có ý nghĩa. Tuy nhiên, trẻ dùng sữa hàm lượng đạm cao có chỉ số BMI cao hơn có ý nghĩa vào thời điểm 2 tuổi so với trẻ dùng sữa hàm lượng đạm thấp. Các chỉ số đánh giá chức năng tim cũng thay đổi theo lượng đạm tiêu thụ, trong khi đó khối lượng tim không khác biệt giữa các nhóm. Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy nếu tiêu thụ nhiều đạm vào giai đoạn nhũ nhi sẽ làm tăng chức năng tâm thu của tim vào lúc 2 tuổi. Tăng diện tích bề mặt của cơ thể đồng nghĩa với việc tim phải bơm máu ra nhiều hơn (tăng cung lượng tim) để cung cấp cho nhu cầu oxy tăng thêm của cơ thể. Trọng lượng cơ thể tăng đồng nghĩa với việc dùng nhiều năng lượng hơn, và quá trình tiêu thụ năng lượng có mối liên quan chặt chẽ đến cung lượng tim.

Tóm lại, nghiên cứu cho thấy khi tăng tương khối lượng đạm trong năm đầu đời, không chỉ BMI tăng lên, mà các chỉ số chức năng tim cũng sẽ tăng lên vào thời điểm 2 tuổi. Tuy nhiên, chưa ghi nhận sự thay đổi khối lượng tim vào giai đoạn phát triển sớm này của trẻ. Cần phải nghiên cứu sâu hơn để làm rõ ứng dụng lâm sàng của hiệu quả lập trình dinh dưỡng này đối với trẻ nhũ nhi.