Nhịn ăn sáng và ngủ không đủ gây thừa cân trẻ em

4 phút đọc /
Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe Béo phì Dinh dưỡng và quản lý bệnh tật Nhẹ cân lúc sinh Suy dinh dưỡng Dị ứng

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây do đại học UCL thực hiện, mẹ hút thuốc trong thai kỳ, trẻ nhịn ăn sáng và ngủ không đúng giờ hoặc không đủ: đây là các yếu tố quan trọng giúp dự đoán tình trạng thừa cân và béo phì trẻ em. Cả 3 yếu tố đầu đời này đều có thể thay đổi được, và nghiên cứu nhấn mạnh rằng thay đổi kịp thời có thể giúp cải thiện tăng trưởng của trẻ thừa cân và béo phì.

Nghiên cứu này (đăng trên tạp chí Nhi khoa Hoa Kỳ Pediatrics) là nghiên cứu đầu tiên ở Anh đánh giá về các hình thái phát triển chỉ số khối cơ thể (BMI) trong 10 năm đầu đời, và đánh giá các thói quen trong lối sống giúp dự đoán tăng cân. Thừa cân và béo phì có liên quan đến sức khỏe tâm thần kém, và có thể kéo dài đến cả tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành.

Sứa khỏe tâm thần – xã hội kém bao gồm: kém tự tin, không hạnh phúc, hành vi nguy cơ cao (hút thuốc lá, uống rượu). Nghiên cứu này dựa vào Nghiên cứu đoàn hệ thiên niên kỷ (Millennium Cohort Study) được thực hiện trên các trẻ sinh ra trong 19.244 gia đình ở Anh, từ 09.2000 đến 01.2002. Dữ liệu cân nặng và chiều cao được thu thập khi trẻ 3, 5, 7 và 11 tuổi. Nghiên cứu này có thiết kế mô tả, do đó không thể xác định được chắc chắn mối liên hệ nhân quả.

Tuy nhiên, dữ liệu dựa trên hàng ngàn trẻ em, và các nhà nghiên cứu có thể ghi nhận rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng của trẻ. Giáo sư Yvonne Kelly (Chuyên gia dịch tễ và y tế cộng đồng, đại học UCL) cho biết: “Chúng ta vốn biết là mẹ thừa cân hay béo phì thì con sẽ có nguy cơ béo phì, phản ảnh môi trường ‘gây béo phì’ và có thể có yếu tố di truyền làm tăng cân. 
Nghiên cứu này cho thấy các thói quen gián đoạn, minh chứng bằng mô hình giấc ngủ bất thường, nhịn ăn sáng có thể làm tăng thèm ăn và tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, từ đó gây tăng cân. Nghiên cứu cũng khẳng định cần phải có chiến lược can thiệp lên nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng BMI.” Hút thuốc trong thai kỳ được ghi nhận làm tăng nguy cơ trẻ thừa cân, có thể là do mối liên quan giữa phơi nhiễm phôi thai với thuốc lá, và điều phối vận động nhũ nhi, từ đó ảnh hưởng sự tăng trưởng BMI. Nghiên cứu xác định được 4 hình thái phát triển cân nặng. Phần lớn trẻ (83,3%) có BMI không thừa cân và ổn định; 13,1% có BMI tăng vừa phải; và 2,5% có BMI tăng rất nhanh. Nhóm còn lại có số lượng thấp nhất (0,6%) có BMI trong khoảng béo phì khi 3 tuổi, nhưng đến 7 tuổi thì lại tương tự như nhóm ổn định. Trẻ gái có nguy cơ nằm trong nhóm “tăng vừa phải” cao hơn. Trong khi đó trẻ Pakistan, trẻ da đen từ Châu Phi và Caribbean có nguy cơ nằm trong nhóm “tăng nhanh” cao hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các yếu tố khác để xác định xem chúng có ảnh hưởng gì đến cân nặng của trẻ không. Sau khi xem xét các yếu tố gia cảnh, ghi nhận bú sữa mẹ và việc ăn dặm sớm không liên quan đến cân nặng của trẻ. Tương tự như vậy, nước ngọt, trái cây, xem tivi và chơi thể thao không phải là yếu tố dự đoán mạnh cho tình trạng tăng cân không lành mạnh.

Y. Kelly, P. Patalay, S. Montgomery, A. Sacker. Sự phát triển BMI và sức khỏe tâm thần – xã hội ở trẻ vị thành niên: Nghiên cứu đoàn hệ thiên niên kỷ Anh quốc. PEDIATRICS, 2016

Nhấn vào đây để đọc miễn phí bài báo của Nestlé Nutrition Institute