Tăng cân quá nhiều hay tăng đường huyết ở mẹ trong thai kỳ gây béo phì ở trẻ
Theo một nghiên cứu mới của Kaiser Permanente đăng trên tạp chí Maternal and Child Health Journal cho biết trẻ có mẹ tăng cân nhiều hay tăng đường huyết trong thai kỳ dễ bị quá cân hay béo phì trong thập niên đầu của cuộc sống. Nghiên cứu này, được thực hiện trên hơn 24.000 bà mẹ và con của họ trong hơn 10 năm, là nghiên cứu lớn nhất về chủ đề này và là nghiên cứu đầu tiên cho thấy những yếu tố nguy cơ trong thai kỳ làm tăng khả năng béo phì ở trẻ ngay cả những trẻ có cân nặng khi sinh bình thường (5,5-8,8 pound).
Những nghiên cứu trước đây cho thấy việc tăng cân nhiều và tăng đường huyết trong thai kỳ làm tăng nguy cơ mẹ sinh con to và những trẻ này có khuynh hướng bị béo phì sau này; tuy nhiên cho đến bây giờ vẫn chưa có nhiều bằng chứng chứng minh các yếu tố nguy cơ này ảnh hưởng đến cả những trẻ sinh ra có cân nặng bình thường. BS Teresa Hillier, tác giả chính và là trưởng nhóm nghiên cứu với Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Kaiser Permanente cho biết "Khi mẹ bị tăng đường huyết và tăng cân quá mức trong thai kỳ, dường như sẽ làm thay đổi quá trình chuyển hóa của trẻ và làm trẻ bị béo phì. Chúng tôi vẫn chưa chắc chắn được cơ chế chính xác của sự thay đổi này nhưng có vẻ như trẻ thích nghi với môi trường quá dư chất dinh dưỡng, từ đường hay tăng cân quá mức.” Tất cả những trẻ có mẹ bị tăng đường huyết trong thai kỳ có tăng nguy cơ bị béo phì thời thơ ấu, nhưng những trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ - mức độ cao nhất của tình trạng tăng đường huyết có nguy cơ béo phì cao nhất. Những trẻ này có ít nhất 30 phần trăm bị quá cân hay béo phì ở tuổi từ 2-10 tuổi so với những trẻ có mẹ với đường huyết bình thường.
Trẻ có mẹ tăng 40 pound hay hơn trong suốt thai kỳ có ít nhất 15 phần trăm nguy cơ bị quá cân hay béo phì ở độ tuổi từ 2-10 tuổi, so với những trẻ có mẹ tăng dưới 40 pound. Viện Y khoa khuyến cáo cân nặng tăng tối đa trong thai kỳ không nên quá 40 pound. Nhiều yếu tố về hành vi và môi trường góp phần làm trẻ bị béo phì thời thơ ấu bao gồm trẻ không được bú sữa mẹ, thói quen ăn uống và tập thể dục kém, và không tiếp cận được với thực phẩm sạch và khu vực an toàn để vui chơi. Thật vậy, theo Trung tâm Phòng chống Bệnh tật cho biết hơn một phần ba trẻ em sinh ra ở Mỹ sẽ trở nên béo phì hay quá cân khi lớn hơn. Các tác giả nói cuộc nghiên cứu này cho thấy rằng tác động trong tử cung lên quá trình chuyển hóa của cơ thể có thể quan trọng như những tác động xảy ra sau khi trẻ sinh ra. BS nội tiết Hillier nói rằng "Chúng ta không thể chờ cho đến khi trẻ sinh ra để xác định và điều trị nhắm vào những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng béo phì của trẻ. Chúng ta cần can thiệp trong suốt giai đoạn mang thai của người mẹ để giúp họ thay đổi về lối sống và chế độ dinh dưỡng nhằm có được sự tăng cân vừa đủ, đường huyết ổn định và trẻ sinh ra khỏe mạnh.” Nghiên cứu của BS Hillier bao gồm những phụ nữ và trẻ em là thành viên của Kaiser Permanente tại Oregon, Washington và Hawaii. Tất cả bà mẹ đều sinh con có cân nặng bình thường từ năm 1995-2003.
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp hồ sơ y khoa của mẹ và của con, sau đó theo dõi những đứa trẻ từ 2-10 tuổi. Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ và Viện Sức khỏe Nhi khoa và Phát triển con người Quốc gia (R01HD058015). Các tác giả khác bao gồm: Kathryn Pedula, MS, và Kimberly Vesco, MD, MPH, của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Kaiser Permanente ở thành phố Portland, bang Oregon; và Caryn Oshiro, RD, PhD, và Keith Ogasawara, MD, của trung tâm nghiên cứu sức khỏe Kaiser Permanente ở Honolulu. Bác sĩ Vesco nghiên cứu về sự tăng cân trong thai kỳ và phát triển một bộ dụng cụ giúp thầy thuốc và bệnh nhân theo dõi việc tăng cân này.