Nồng độ folate thích hợp ở mẹ có thể làm giảm nguy cơ béo phì ở trẻ em

5 phút đọc /
Béo phì Dị ứng Dinh dưỡng, sức khỏe và sống khỏe Dinh dưỡng và quản lý bệnh tật Hệ vi sinh đường ruột Nhẹ cân lúc sinh

Một nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia đã ghi nhận nồng độ folate thích hợp ở mẹ trong suốt thai kỳ có thể bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ béo phì trong tương lại, đặc biệt là ở những trẻ được sinh từ những bà mẹ béo phì. BS Xiaobin Wang, MPH., ScD., nghiên cứu viên chính từ Đại học John Hopkins, Baltimore cho biết “Dinh dưỡng của mẹ trong suốt thai kỳ có thể có tác dụng lâu dài trên sức khỏe của trẻ cũng như sức khỏe của mẹ sau sinh. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng nồng độ folate thích hợp ở mẹ có thể làm giảm bớt tác động của tình trạng mẹ béo phì lên sức khỏe của trẻ.” Nghiên cứu này được đăng trực tuyến trên tạp chí JAMA Pediatrics, được tài trợ bởi Viện Sức khỏe Trẻ em và phát triển con người quốc gia Eunice Kennedy Shriver thuộc NIH (NICHD).

Tình trạng béo phì ở trẻ em và người lớn là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở Mỹ, góp phần gây nên các bệnh lý như tim mạch, đột quỵ và đái tháo đường type 2. Trong suốt thai kỳ, tình trạng béo phì ở mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng thai kỳ như thai lưu, dị tật thai và sinh non. Ngoài ra, trẻ sinh ra từ mẹ béo phì có nguy cơ sức khỏe lâu dài bao gồm nguy cơ cao bị béo phì ở thời thơ ấu. Folate là vitamin B thiết yếu làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai, gây nên những bất thường ảnh hưởng đến não, cột sống và tủy sống. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ khuyến cáo rằng phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần tiêu thụ 400 microgram acid folic (dạng tổng hợp của folate) mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Tuy nhiên, vai trò của nồng độ folate ở mẹ đối với nguy cơ béo phì trong tương lai của trẻ vẫn chưa được biết rõ, đặc biệt là ở những trẻ được sinh ra từ mẹ béo phì khi mang thai.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã khảo sát kết quả sức khỏe của mẹ và trẻ (thay đổi từ 2-9 tuổi)ở nhóm Boston Birth Cohort, chủ yếu có thu nhập thấp, thuộc dân tộc thiểu số với tỉ lệ hiện mắc béo phì cao ở mẹ và trẻ. Nhóm nghiên cứu đã phân tích hồ sơ sức khỏe từ 1.500 cặp mẹ-con bao gồm những thông tin trước, trong và sau sinh. Để đo nồng độ folate của mẹ trong suốt thai kỳ, các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ folate từ các mẫu máu dự trữ được thu thập 2-3 ngày sau sinh. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện giá trị bình thường của nồng độ folate ở mẹ khá rộng nhưng cũng quan sát thấy mối liên hệ “hình chữ L” giữa nồng độ folate của mẹ và tình trạng béo phì của trẻ. Ngược lại, nồng độ folate thấp nhất liên quan đến nguy cơ béo phì cao nhất ở trẻ. Khi nồng độ folate đạt đến khoảng 20 nmol/L, nằm trong giới hạn bình thường đối với người trưởng thành, thì khi nồng độ folate tăng cũng không làm tăng thêm tác dụng có lợi, nên giá trị này được xem là giá trị ngưỡng. Theo các nhà nghiên cứu, giá trị ngưỡng này cao hơn tiêu chuẩn chẩn đoán thiếu folate (< 10 nmol/L). Các bà mẹ béo phì trong nghiên cứu này có xu hướng có nồng độ folate thấp hơn so với các bà mẹ có cân nặng bình thường. Tuy nhiên khi đánh giá riêng các bà mẹ béo phì, các nhà nghiên cứu nhận thấy con của các bà mẹ béo phì có nồng độ folate thích hợp (tối thiểu 20 nmol/L) giảm 43% nguy cơ béo phì so với trẻ có mẹ béo phì với nồng độ folate thấp (dưới 20 nmol/L).

Trẻ trong nhóm có mẹ béo phì và nồng độ folate thấp có chỉ số khối cơ thể theo tuổi (BMI-z) lớn hơn, chỉ số này nhằm để đo khối lượng mỡ ở trẻ em. Cũng theo các tác giả, việc thiết lập nồng độ folate tối ưu tốt hơn là tối thiểu sẽ có lợi cho phụ nữ đang lên kế hoạch có thai, đặc biệt là đối với phụ nữ béo phì. TS Bác sĩ Cuilin Zhang, nghiên cứu viên cao cấp của HICHD và đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết “Folate là chất được biết đến nhiều do có tác dụng phòng tránh dị tật não và tủy sống trong sự phát triển của thai nhi, nhưng chất này cũng có tác dụng lên tình trạng rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, và tác dụng này ít được biết đến. Nghiên cứu này đã khám phá thêm được những tác dụng có lợi của folate và xác định chiến lược cần thiết để giảm tỉ lệ béo phì thời thơ ấu.

Wang G, Hu FB, Mistry KB, et al. Association Between Maternal Prepregnancy Body Mass Index and Plasma Folate Concentrations With Child Metabolic Health. JAMA Pediatr.Published online June 13, 2016.