Béo phì và đái tháo đường thai kỳ dẫn tới thai nhi sớm phát triển quá mức

7 phút đọc /
Béo phì
Ở tháng thứ sáu của thai kỳ, con của các bà mẹ béo phì bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị phát triển quá mức cao gấp năm lần so với các trẻ khác - đó là kết quả một nghiên cứu mới do trường Đại học Cambridge dẫn đầu. Nghiên cứu cho thấy quá trình phát triển quá mức của thai nhi bắt đầu từ vài tuần trước khi phụ nữ có nguy cơ được sàng lọc để phát hiện chứng đái tháo đường thai kỳ. Điều này cho thấy các chương trình sàng lọc hiện tại đang được thực hiện quá muộn để có thể ngăn chặn được tác động lâu dài tới thai nhi.

Đái tháo đường thai kỳ là một bệnh mà phụ nữ mang thai có thể mắc phải, trong đó những người béo phì có nguy cơ cao hơn. Ngoài việc gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ, chứng bệnh này còn khiến cho em bé chưa sinh phát triển bất thường, từ đó có khả năng gây nguy hiểm cho người mẹ khi sinh con và tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường của con sau này. Bệnh này có thể được kiểm soát thông qua việc kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện, và cuối cùng là dùng thuốc nếu những biện pháp trên không có kết quả.

Phụ nữ được sàng lọc để phát hiện bệnh này thông qua xét nghiệm đường máu vào khoảng 8-12 tuần mang thai. Những hướng dẫn hiện tại ở Anh và Mỹ khuyến nghị rằng các bà mẹ cảm thấy mình có nguy cơ mắc bệnh phải được thực hiện xét nghiệm đầy đủ vào khoảng từ 24 đến 28 tuần; tuy nhiên trên thực tế, phần lớn phụ nữ mang thai đều được sàng lọc vào thời điểm thai được 28 tuần. 

Các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Phụ Sản đại học Cambridge đã phân tích dữ liệu từ nghiên cứu Dự đoán Kết quả Mang thai, trong đó theo dõi kết quả siêu âm của hơn 4.000 bà mẹ mang thai lần đầu nhằm đánh giá sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Họ đã đo chu vi vòng bụng và đầu của bào thai và so sánh sự phát triển ở những phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ với những phụ nữ không đái tháo đường. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm nay trên chuyên san Diabetes Care.

Trong số 4.069 phụ nữ tham gia nghiên cứu, có 171 người (4,2%) được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ vào thời điểm từ 28 tuần trở đi. Các nhà nghiên cứu không tìm ra mối liên hệ nào giữa kích thước của em bé ở thời điểm 20 tuần và việc người mẹ sau đó bị mắc đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, họ phát hiện ra rằng bào thai của những người sau đó được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ đã phát triển quá mức trước khi chẩn đoán, từ khoảng 20 đến 28 tuần. Do đó, tại thời điểm chẩn đoán, các em bé đều đã phát triển quá mức, và những phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng sự khởi đầu của rối loạn tăng trưởng thai nhi do đái tháo đường ở mẹ xảy ra trước thời gian sàng lọc thông thường. 

Nhóm cũng tiến hành nghiên cứu những phụ nữ bị béo phì, bởi chứng béo phì ở phụ nữ mang thai từ lâu đã được thừa nhận là một yếu tố nguy cơ gây ra béo phì ở trẻ nhỏ. Ngay cả trong trường hợp mẹ không mắc đái tháo đường, con của những phụ nữ béo phì cũng có khả năng bị lớn quá mức ở tuần 28 cao gấp đôi so với thông thường. Sự kết hợp giữa béo phì và đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn tới nguy cơ phát triển thái quá của thai nhi cao gấp 5 lần vào thời điểm chụp siêu âm ở tuần 28.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng con của những phụ nữ sau này được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ đã phát triển lớn bất thường ngay từ lúc mẹ mới bắt đầu được xét nghiệm bệnh," bác sỹ Ulla Sovio thuộc Khoa Phụ Sản đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Với nguy cơ biến chứng đối với cả mẹ và con do đái tháo đường thai kỳ, những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng việc sàng lọc sớm trong quá trình mang thai có thể giúp cải thiện kết quả ngắn hạn và dài hạn đối với những phụ nữ được sàng lọc.
"Sàng lọc sớm có thể đặc biệt có lợi cho những phụ nữ béo phì, bởi trong trường hợp này sự phát triển của thai nhi có thể đã trở nên bất thường ngay từ tuần thứ 20. Bất kỳ sự can thiệp nào nhằm giảm thiểu nguy cơ trọng lượng bất thường khi sinh cần phải được thực hiện thậm chí còn sớm hơn đối với những phụ nữ béo phì."

Tác giả chính, giáo sư Gordon Smith, cũng thuộc đại học Cambridge cho biết thêm: "Chúng ta biết rằng con của các phụ nữ mắc chứng đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc chứng béo phì trẻ em ở mức cao, nhưng cho tới nay vẫn chưa có thử nghiệm lâm sàng nào chứng minh được rằng sàng lọc và can thiệp trong quá trình mang thai có thể giảm thiểu được nguy cơ này. Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra một lời giải thích khả dĩ: sàng lọc và can thiệp được thực hiện khi những tác động của đái tháo đường thai kỳ đã thể hiện trong bào thai rồi.

"Những bằng chứng thu được từ nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng rất cần có những thử nghiệm nhằm đánh giá tác động của sàng lọc sớm, đối với kết quả của thai kỳ và cả sức khỏe lâu dài của các bé nữa." 

Janet Scott, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu và Phòng chống của tổ chức từ thiện Sands dành cho thai nhi chết lưu cho biết: "Từ những trường hợp gần đây, chúng tôi biết rằng việc không sàng lọc đái tháo đường thai kỳ hiện đang đóng vai trò nguyên nhân trong một số lượng đáng kể những ca chết lưu thai đủ tháng có thể phòng tránh được. Việc đánh giá kỹ lưỡng rủi ro là rất quan trọng nhằm tránh gây thiệt hại cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, và chúng tôi hoan nghênh những phát hiện quan trọng này bởi chúng có tiềm năng thực sự trong việc đưa ra những biện pháp chăm sóc thai tốt hơn cho những ca sinh nguy cơ cao này. Chúng tôi rất vui mừng vì đã hỗ trợ cho nghiên cứu này nhờ sự đóng góp của các gia đình không may mắn."


Links: