Ăn dặm cho nhũ nhi – khuyến cáo của ESPGHAN
Ăn dặm cho nhũ nhi – khuyến cáo của ESPGHAN
Hiệp Hội Dinh Dưỡng, Tiêu hoá và Gan Nhi Khoa Châu Âu (ESPGHAN) đã đăng tải một bài báo cập nhật các khuyến cáo dựa trên bằng chứng khoa học về việc cho trẻ ăn dặm bằng thức ăn lỏng và đặc hơn sữa mẹ. Bài báo (bao gồm phân tích chuyên sâu về bằng chứng của mỗi khuyến cáo) đã được đăng vào ngày 08.02.2017 trên Tạp chí Dinh Dưỡng Tiêu Hoá Nhi Khoa (JPGN). Bài báo có sự hỗ trợ Hội đồng Dinh Dưỡng của ESPGHAN, đứng đầu là Giáo sư Mary Fewtrell thuộc Viện Sức Khoẻ Nhi Đồng UCL GOS, London. Bài báo nêu ra các khuyến cáo về thời điểm bắt đầu cho bé ăn dặm và thành phần thức ăn bổ sung cho bé, cũng như phương pháp cho ăn và chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, hướng đến đối tượng nhũ nhi đủ tháng khoẻ mạnh ở Châu Âu. Các chủ đề bao gồm:
Thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm: Tác giả cho biết “Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn nên được thực hiện ít nhất 4 tháng (17 tuần, đến khi bắt đầu tháng thứ 5 của trẻ), và lý tưởng nhất là nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn hay chủ yếu trong 6 tháng (26 tuần, đến khi bắt đầu tháng thứ 7 của trẻ)” Không nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm trước 4 tháng tuổi, nhưng thời điểm cho trẻ ăn dặm cũng không nên muộn hơn 6 tháng tuổi. Việc nuôi con bằng sữa mẹ nên được tiếp tục ngay cả khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm; không nên cho nhũ nhi uống chủ yếu sữa bò nguyên kem khi trẻ chưa đủ 12 tháng tuổi.
Thực phẩm gây dị ứng: Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc trì hoãn ăn dặm không làm giảm nguy cơ dị ứng thức ăn, do đó có thể bắt đầu cho nhũ nhi ăn thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng từ sau tháng tuổi thứ 4 trở đi. Đối với nhũ nhi có nguy cơ cao bị dị ứng đậu phộng (bị chàm nặng và/hoặc dị ứng trứng) thì nên bắt đầu cho trẻ ăn đậu phộng từ lúc 4-11 tháng tuổi. Hội đồng nhấn mạnh rằng việc bắt đầu ăn đậu phộng với trẻ có nguy cơ dị ứng cao chỉ nên được thực hiện dưới sự theo dõi của chuyên gia y tế.
Gluten: Có thể bắt đầu cho trẻ dùng gluten từ 4-12 tháng tuổi (dựa trên nghiên cứu cho thấy thời điểm bắt đầu dùng gluten không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh không dung nạp gluten - celiac của nhũ nhi). Hội đồng khuyên không nên cho nhũ nhi dùng quá nhiều gluten trong thời thơ ấu của trẻ.
Chế độ ăn chay và người ăn chay: Khuyến cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo đủ lượng sắt trong chế độ ăn cho nhũ nhi, đặc biệt là trẻ ăn chay. “Chỉ nên cho trẻ ăn chay dưới sự giám sát y khoa hay dinh dưỡng phù hợp. Phụ huynh nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ khuyến cáo ăn dặm.”
Cách cho trẻ ăn dặm: Hội đồng đề cập “Nên cho nhũ nhi ăn thức ăn đa dạng về mùi vị và kết cấu, ngay cả rau củ có vị đắng.” Không nên thêm đường hay muối vào thức ăn dặm, tránh nước trái cây và nước ngọt. Phụ huynh nên cho trẻ ăn tuỳ theo dấu hiệu đói và no của trẻ, tránh việc nịnh cho trẻ ăn hay thưởng để trẻ chịu ăn.
Giai đoạn ăn dặm là thời điểm trẻ tăng trưởng và phát triển nhanh. Trong giai đoạn này, nhũ nhi rất nhạy cảm với tình trạng thừa mứa hay thiếu hụt dinh dưỡng, trong khi trải qua những thay đổi đáng kể trong chế độ ăn và trẻ được tiếp xúc với nhiều thực phẩm, hương vị, và cách cho ăn đa dạng. Giáo sư Fewtrell cho biết: “Bằng cách cung cấp hướng dẫn ăn bổ sung cho trẻ đủ tháng khỏe mạnh ở châu Âu, dựa trên những bằng chứng khoa học tốt nhất, mục tiêu của chúng tôi là giúp các nhân viên y tế và bậc cha mẹ trong việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất và thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ sao cho phù hợp với văn hóa, thói quen người mẹ và những thực phẩm có sẵn.”
Links : https://www.eurekalert.org/pub_releases/2017-01/wkh-ff010417.php