10 hiểu lầm về tình trạng táo bón ở trẻ
Felizardo N. Gatcheco, MD, MSc, FPPS, FPSPGHAN
• Bác sĩ nhi chuyên khoa tiêu hóa & Chuyên gia dịch tễ học lâm sàng
• Phó Giáo sư & Bác sĩ Thường trực Khoa tiêu hóa Nhi Đồng. Đại học Trung tâm Manila & Medicine Metro Manila, Philippines
Táo bón có thể do các nguyên nhân mang bản chất cơ quan (tức là do nguyên nhân giải phẫu như bệnh Hirschsprung hay nguyên nhân từ hệ nội tiết như suy giáp); hoặc có thể ở cấp độ cao hơn, mang bản chất chức năng (không xác định được cụ thể điểm bất thường nào về giải phẫu, sinh hóa hay sinh lý).
Thách thức lớn nhất nằm ở việc kiểm soát táo bón trong giai đoạn trẻ nhỏ (bao gồm phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị). Mục tiêu của điều trị là làm mềm phân, tăng nhu động ruột và giải quyết các yếu tố tâm lý - xã hội.
Hiện nay, đã có nhiều hướng dẫn được công bố nhằm hỗ trợ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chẩn đoán và điều trị chứng táo bón cơ năng.
Tuy những hướng dẫn như trên đã được công bố, nhưng vẫn tồn tại nhiều chiến lược quản lý không được chứng minh, điều này làm phức tạp hóa và kéo dài sự đau đớn của trẻ bị táo bón và thậm chí làm trầm trọng thêm nỗi lo của cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Bài viết này giúp làm rõ (và trong tương lai, hi vọng loại bỏ hoàn toàn) các vấn đề về cách suy nghĩ và hành vi của ba mẹ hoặc nhân viên y tế.
Sau đây là 10 hiểu lầm phổ biến nhất về táo bón
1. Trẻ sơ sinh cần phải đi tiêu mỗi ngày.
Trẻ nhỏ và trẻ em có thể đi tiêu cách ngày hoặc thậm chí 2-3 lần một tuần. Miễn là các bé thoải mái, phát triển tốt và phân không cứng thì tần suất này vẫn được xem là bình thường và chấp nhận được.
2. Cần chụp X quang bụng không chuẩn bị khi khám định kỳ trẻ táo bón.
Không có chỉ định chụp X quang bụng không chuẩn bị để chẩn đoán táo bón cơ năng. Tuy nhiên, nên chụp X quang trong trường hợp không thể khám lâm sàng hoặc kết quả khám không đáng tin cậy và cho những ca nghi ngờ bé bị tắc nghẽn phân.
3. Tăng lượng nước uống có thể giúp điều trị chứng táo bón.
Đáng tiếc là chưa từng có bằng chứng cho thấy phương pháp này hiệu quả. Các hướng dẫn hiện hành đều khuyến nghị chỉ duy trì lượng nước uống bình thường tương ứng với độ tuổi, ngay cả đối với trẻ em bị táo bón.
4. Táo bón có thể được chữa khỏi bằng cách tăng cường ăn chất xơ.
Điều đáng ngạc nhiên là lời khuyên cũ này cho đến nay vẫn chưa được chứng minh là có tác dụng. Vì vậy, khuyến cáo nên ăn lượng chất xơ bình thường, vừa phải.
5. Khuyến khích pha loãng sữa đối với nhũ nhi đang dùng sữa công thức.
Phương pháp này chưa được kiểm chứng là đảm bảo cả về hiệu quả lẫn an toàn. Cách này có thể gây nguy hiểm với lượng dinh dưỡng mà nhũ nhi nạp vào.
6. Có thể thường xuyên dùng thuốc đạn để kích thích đi tiêu.
Cách này có thể nguy hiểm, gây phụ thuộc thuốc và chấn thương. Thuốc có thể giúp làm mềm phân còn sót nhưng không nên dùng hàng ngày.
7. Thường xuyên sử dụng thuốc nhuận tràng (lactulose) nguy hiểm vì có thể gây phụ thuộc thuốc.
Lactulose an toàn và hiệu quả nếu sử dụng đúng lúc và đủ liều. Lactulose có thể sử dụng trong thời gian dài cho đến khi chữa dứt táo bón.
8. Probiotic có thể chữa táo bón.
Thật không may rằng vấn đề này vẫn chưa được kiểm chứng, vì vậy phương pháp này không được khuyến cáo. Cho đến hiện tại, chưa có bằng chứng đủ chắc chắn để đảm bảo tính an toàn trong việc sử dụng thường xuyên probiotic, dù là ở thể thức bổ sung hay điều trị chính.
9. Táo bón nguy hiểm vì có khả năng dẫn đến thủng ruột hoặc hấp thu độc tố, từ đó gây tử vong.
Chưa từng có bằng chứng là những hậu quả tiềm năng này của táo bón có thể xảy ra. Hiểu lầm này có thể gây ra sợ hãi, lo lắng không cần thiết, dẫn đến xử lý vấn đề một cách sai lầm.
10. Khuyến cáo tập cho trẻ tự đi vệ sinh từ năm 1 tuổi để ngăn ngừa táo bón.
Mặc dù tập kỹ năng tự đi vệ sinh cho trẻ là rất quan trọng trong việc phòng chống táo bón cơ năng, việc tập hàng ngày cho tất cả trẻ em một tuổi lại có thể gây hại.
Thời điểm bắt đầu tập cho trẻ được quyết định dựa mức độ sẵn sàng trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ có thể sẵn sàng vào khoảng giữa 2-4 tuổi, khi đã thu được các thông số đánh giá mức độ hoạt động và hành vi của trẻ.
THÔNG ĐIỆP GỬI ĐẾN CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ
Điều rất quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng việc làm sáng tỏ những vấn đề về táo bón nằm trong một phần của chiến lược kiểm soát tổng thể (ngoài việc chẩn đoán, điều trị chính xác và sáng suốt các rối loạn).
Giáo dục và tư vấn giữ vai trò trọng yếu và các nhân viên y tế cần đảm bảo tỉnh táo và khoa học trong định hướng tiếp cận tận nguồn gốc của sự lo âu và nhầm lẫn ở những người chăm sóc trẻ nhỏ hoặc nhũ nhi bị ảnh hưởng bởi táo bón.
Link tham khảo: https://www.nestlenutrition-institute.org/news/article/2018/04/27/the-10-myths-on-constipation