Vitamin D – Phần 1: Tổng quan về vitamin D và nhu cầu theo độ tuổi
Vitamin D
Giới thiệu
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo. Vitamin D xuất hiện trong rất ít loại thực phẩm, có thể được thêm vào một số thực phẩm khác và cũng có thể ở dạng thực phẩm bổ sung. Ngoài ra, vitamin D cũng được sản xuất nội sinh khi tia cực tím chiếu vào da và kích thích cơ thể tổng hợp vitamin D. Vitamin D có được từ sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ thực phẩm và chất bổ sung vẫn chưa có hoạt tính sinh học và phải trải qua hai quá trình hydroxyl hóa trong cơ thể để chuyển về dạng có hoạt tính. Quá trình đầu tiên xảy ra ở gan, chuyển vitamin D thành 25-hydroxyvitamin D [25(OH)D], còn được gọi là calcidiol. Quá trình thứ hai xảy ra chủ yếu ở thận, hình thành 1,25-dihydroxyvitamin D [1,25(OH)2D], còn được gọi là calcitriol [1].
Vitamin D thúc đẩy hấp thụ calci ở ruột, duy trì nồng độ calci và phosphate trong huyết thanh để quá trình khoáng hóa xương diễn ra bình thường và ngăn ngừa cơn tetany do hạ calci máu. Vitamin D cũng cần thiết cho sự phát triển xương và tái tạo xương[1,2]. Nếu cơ thể thiếu vitamin D, xương có thể trở nên mỏng, giòn hoặc biến dạng. Bổ sung đủ vitamin D giúp ngăn ngừa còi xương ở trẻ và nhuyễn xương ở người lớn [1]. Vitamin D kết hợp với calci cũng giúp hạn chế loãng xương ở người cao tuổi.
Vitamin D còn có vai trò khác đối với cơ thể như điều hòa quá trình tăng trưởng tế bào, điều chỉnh chức năng thần kinh cơ (vitamin D liên quan đến dẫn truyền tín hiệu từ não đến các bộ phận khác trong cơ thể), tăng cường miễn dịch và giảm viêm [1,3,4]. Vitamin D điều hòa nhiều gen mã hóa protein điều hòa tăng sinh tế bào, biệt hóa và chết tế bào [1]. Nhiều tế bào có thụ thể vitamin D và một số tế bào chuyển đổi 25(OH)D thành 1,25(OH)2D.
Nồng độ 25(OH)D huyết thanh là chỉ số thể hiện tình trạng vitamin D rõ nhất, phản ánh lượng vitamin D nội sinh và ngoại sinh [1] và có chu kỳ bán hủy khá dài (khoảng 15 ngày) [5]. Nồng độ 25(OH)D là chỉ dấu cho lượng vitamin D hấp thu, vẫn chưa rõ nồng độ 25(OH)D là bao nhiêu để làm chỉ dấu cho lượng vitamin D có hiệu quả (ví dụ: nồng độ bao nhiêu để cải thiện một bệnh hoặc kết cục) [1]. Nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh không thể hiện lượng vitamin D dự trữ trong các mô của cơ thể.
Trái ngược với 25(OH)D, nồng độ 1,25(OH)2D huyết thanh không phù hợp để thể hiện tình trạng vitamin D do thời gian bán hủy ngắn (khoảng 15 giờ) và nồng độ chất này được kiểm soát chặt chẽ bởi hormone tuyến cận giáp, calci và phosphate [5]. Lượng 1,25(OH)2D thường sẽ không giảm cho đến khi cơ thể bị thiếu vitamin D nghiêm trọng [2,6].
Hiện có nhiều ý kiến thảo luận về mối liên hệ giữa nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh với tình trạng xương (ví dụ: nồng độ để kết luận còi xương, đủ xương…), sức khỏe tổng thể. Giới hạn nồng độ cũng chưa đạt được đồng thuận giữa các hiệp hội. Sau khi đánh giá các dữ liệu về nhu cầu vitamin D, hội đồng Viện Y học Hoa Kỳ đã kết luận một người có nguy cơ thiếu vitamin D nếu nồng độ 25(OH)D huyết thanh <30 nmol/L (<12 ng/mL). Một số nguy cơ thiếu ở mức 30 – 50 nmol/L (12-20 ng/mL). Thực tế, đủ vitamin D tương đương nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh ≥50 nmol/L (≥20 ng/mL). Hội đồng cho rằng nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh ở mức 50 nmol/L đáp ứng nhu cầu vitamin D ở 97.5% dân số. Nồng độ >125 nmol/L (>50 ng/mL) có thể liên quan đến một số tác dụng phụ khác [1] (Bảng 1).
Bảng 1: Nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh và tình trạng sức khỏe |
||
nmol/L** |
ng/mL* |
Tình trạng sức khỏe |
<30 |
<12 |
Thiếu vitamin D, dẫn đến còi xương ở trẻ và nhuyễn xương ở người lớn. |
Từ 30 – <50 |
Từ 12 – <20 |
Không đủ vitamin D cho xương và cơ thể ở những người khỏe mạnh. |
≥50 |
≥20 |
Đủ vitamin D cho xương và cơ thể ở những người khỏe mạnh. |
>125 |
>50 |
Có bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa nồng độ cao với nhiều tác động bất lợi tiềm tàng, đặc biệt là khi >150 nmol/L (>60 ng/mL). |
* Nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh được tính theo nanomol trên lít (nmol/L) và nanogram trên mililít (ng/mL).
** 1 nmol/L = 0.4 ng/mL
Các giới hạn giá trị có thể thay đổi tùy vào loại xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm [9].
Lượng vitamin D cần thiết là bao nhiêu?
Lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi. Lượng khuyến nghị trung bình hàng ngày được liệt kê ở bảng dưới:
Độ tuổi |
Lượng vitamin D khuyến nghị |
Trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi |
10 mcg (400 IU) |
Trẻ 1 – 13 tuổi |
15 mcg (600 IU) |
Trẻ thành niên 14 – 18 tuổi |
15 mcg (600 IU) |
Người trưởng thành 19 – 70 tuổi |
15 mcg (600 IU) |
Người từ 71 tuổi trở lên |
20 mcg (800 IU) |
Phụ nữ có thai và nuôi con bằng sữa mẹ |
15 mcg (600 IU) |
Các đối tượng không bổ sung đủ lượng vitamin D theo khuyến nghị bao gồm:
- Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ: Sữa mẹ chứa hàm lượng vitamin D thấp, do đó trẻ nên được bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày.
- Người lớn tuổi: Da người lớn tuổi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không tạo ra vitamin D hiệu quả như khi trẻ. Thận cũng giảm khả năng chuyển vitamin D thành dạng hoạt động.
- Người có da sậm màu: Da sậm màu ít có khả năng tạo ra vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
- Người mắc bệnh Crohn hay Celiac: Bệnh nhân thường không hấp thu chất dinh dưỡng tốt, bao gồm cả chất béo, trong khi vitamin D lại cần chất béo để được hấp thu nên bệnh nhân có khả năng bị thiếu vitamin D.
- Người béo phì: Chất béo trong cơ thể của người bị béo phì sẽ liên kết với một số vitamin D và ngăn không cho vitamin D đi vào máu.
1. Institute of Medicine, Food and Nutrition Board. Dietary Reference Intakes for Calcium and Vitamin D. Washington, DC: National Academy Press, 2010.
2. Cranney C, Horsely T, O’Donnell S, Weiler H, Ooi D, Atkinson S, et al. Effectiveness and safety of vitamin D. Evidence Report/Technology Assessment No. 158 prepared by the University of Ottawa Evidence-based Practice Center under Contract No. 290-02.0021. AHRQ Publication No. 07- E013. Rockville, MD: Agency for Healthcare Research and Quality, 2007. [PubMed abstract (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18088161?dopt=Abstract)]
3. Holick MF. Vitamin D. In: Shils ME, Shike M, Ross AC, Caballero B, Cousins RJ, eds. Modern Nutrition in Health and Disease, 10th ed. Philadelphia: Lippincott Williams & Wilkins, 2006.
4. Norman AW, Henry HH. Vitamin D. In: Bowman BA, Russell RM, eds. Present Knowledge in Nutrition, 9th ed. Washington DC: ILSI Press, 2006.
5. Jones G. Pharmacokinetics of vitamin D toxicity. Am J Clin Nutr 2008;88:582S- 6S. [PubMed abstract (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18689406? dopt=Abstract)]
6. Holick MF. Vitamin D deficiency. N Engl J Med 2007;357:266-81. [PubMed abstract (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17634462?dopt=Abstract)]
7. Carter GD. 25-hydroxyvitamin D assays: the quest for accuracy. Clin Chem 2009;55:1300-02.
8. Hollis BW. Editorial: the determination of circulating 25-hydroxyvitamin D: no easy task. J. Clin Endocrinol Metab 2004;89:3149-3151.
9. Binkley N, Krueger D, Cowgill CS, Plum L, Lake E, Hansen KE, et al. Assay variation confounds the diagnosis of hypovitaminosis D: a call for standardization. J Clin Endocrinol Metab 2004;89:3152-57. [PubMed abstract (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15240586?dopt=Abstract)]
10. National Institute of Standards and Technology. NIST releases vitamin D standard reference material (http://www.nist.gov/mml/csd/vitamind_071409.cfm), 2009.
11. U.S. Department of Agriculture, Agricultural Research Service. FoodData Central (https://fdc.nal.usda.gov/), 2019.
12. Ovesen L, Brot C, Jakobsen J. Food contents and biological activity of 25- hydroxyvitamin D: a vitamin D metabolite to be reckoned with? Ann Nutr Metab 2003;47:107-13. [PubMed abstract (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12743460?dopt=Abstract)]
13. Mattila PH, Piironen VI, Uusi-Rauva EJ, Koivistoinen PE. Vitamin D contents in edible mushrooms. J Agric Food Chem 1994;42:2449-53.
14. Calvo MS, Whiting SJ, Barton CN. Vitamin D fortification in the United States and Canada: current status and data needs. Am J Clin Nutr 2004;80:1710S- 6S. [PubMed abstract (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15585792? dopt=Abstract)]