Hỏi đáp các vấn đề thường gặp: Covid-19 và việc nuôi con bằng sữa mẹ - Phần 2

8 phút đọc /
Hỏi đáp các vấn đề thường gặp: Covid-19 và việc nuôi con bằng sữa mẹ - Phần 2Hỏi đáp các vấn đề thường gặp: Covid-19 và việc nuôi con bằng sữa mẹ - Phần 2 (news)

1. Nếu người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 không thể cho con bú hoặc vắt sữa mẹ thì có thể khuyến nghị cho con bú sữa nhờ từ một người mẹ khác không? 

Lựa chọn cho con bú sữa nhờ từ một người mẹ khác còn tùy thuộc vào sự đồng thuận của người mẹ, gia đình, hướng dẫn quốc gia, văn hóa, có người thực hiện việc cho trẻ bú sữa nhờ và các dịch vụ để hỗ trợ những người mẹ, người cho trẻ bú nhờ. 

  • Ở những nơi có tỉ lệ người nhiễm HIV cao thì những người cho trẻ bú nhờ cần phải được tư vấn và xét nghiệm nhanh HIV theo hướng dẫn quốc gia. Trong trường hợp không thể xét nghiệm, nếu có thể, hãy thực hiện đánh giá rủi ro về HIV. Nếu không thể thực hiện các đánh giá, tư vấn rủi ro về HIV, hãy tạo điều kiện và hỗ trợ việc cho trẻ bú nhờ. Cần tư vấn biện pháp phòng tránh nhiễm HIV trong khi cho trẻ bú nhờ.
  • Ưu tiên cho trẻ nhỏ nhất được bú sữa nhờ.

2. Nếu người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 không thể cho con bú vì mẹ quá yếu hoặc vì một căn bệnh khác, khi nào thì mẹ có thể bắt đầu cho con bú trở lại? 

Người mẹ có thể bắt đầu cho con bú lại khi cảm thấy cơ thể đủ khỏe. Không có khoảng thời gian chờ đợi cố định sau khi xác nhận dương tính hay nghi ngờ nhiễm COVID-19. Hiện không có bằng chứng cho thấy việc cho con bú thay đổi diễn biến lâm sàng COVID-19 ở người mẹ. 
Người mẹ nên được hỗ trợ về sức khỏe và dinh dưỡng nói chung để đảm bảo phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần được hỗ trợ để bắt đầu cho con bú hoặc tạo sữa trở lại. 

3. Kết quả xét nghiệm COVID-19 có ảnh hưởng đến khuyến nghị cho bú ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi không? 

Xét nghiệm COVID-19 không có bất kỳ ý nghĩa tức thời nào để thay đổi các quyết định về việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 
Tuy nhiên, khi người mẹ xác định dương tính với COVID-19 thì cần thực hiện các biện pháp vệ sinh phù hợp trong khoảng thời gian có khả năng lây nhiễm khi có triệu chứng bệnh hoặc qua 14 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

4. Khi người mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ mà xác định dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 thì có nên cho trẻ sơ sinh uống thêm sữa công thức không? 

Không. Nếu người mẹ cho con uống thêm sữa công thức thì sẽ cơ thể mẹ sẽ giảm lượng sữa tạo ra. Những người nuôi con bằng sữa mẹ nên được tư vấn và hỗ trợ cách thực hiện hiệu quả tư thế đặt bé khi bú và sự gắn kết để đảm bảo tạo sữa đầy đủ. Ngoài ra, mẹ nên được tư vấn về việc cho trẻ bú khi đói, nhận biết tình trạng trẻ bị thiếu sữa, cách đáp ứng cơn đói và dấu diệu đòi bú để có thể tăng tần suất cho trẻ bú sữa. 

5. Thông tin đáng lưu ý cho những người mẹ muốn nuôi con bằng sữa mẹ nhưng lo sợ về nguy cơ lây truyền COVID-19 cho con 

Khi tư vấn, cần hiểu được sự lo lắng của người mẹ hoặc gia đình về COVID-19 và cung cấp cho họ những thông tin chính như sau 

I. Nuôi con bằng sữa mẹ và tiếp xúc da kề da giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời mang lại lợi ích cho sức khỏe tức thì và sự phát triển suốt đời của trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng ở người mẹ. 
II. Trẻ sơ sinh và nhũ nhi có nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp. Trong số ít trường hợp nhiễm COVID-19 ở trẻ nhỏ, hầu hết trẻ chỉ bị bệnh nhẹ hoặc không thể hiện triệu chứng. 
III. Những lợi ích mà việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại quan trọng hơn nhiều so với nguy cơ lây truyền hay mắc các bệnh liên quan đến COVID-19. 
IV. Virus gây COVID-19 vẫn chưa được phát hiện trong sữa mẹ ở bất kỳ người mẹ nào đã xác định hay nghi ngờ nhiễm COVID-19. Do đó, dường như không có khả năng bệnh sẽ lây truyền qua sữa khi nuôi con bằng sữa mẹ.

6. Nếu người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 thì cho trẻ dùng sữa công thức có an toàn hơn không? 

Không. Luôn có nhiều rủi ro liên quan đến việc cho trẻ sơ sinh và nhũ nhi uống sữa công thức. 
Rủi ro sẽ càng cao hơn nếu điều kiện gia đình và cộng đồng không tốt, ví dụ: khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế khi trẻ không khỏe, thiếu nước sạch để sử dụng, việc cung cấp sữa công thức cho trẻ không được đảm bảo, không liên tục hay gia đình không có khả năng chi trả. Những lợi ích mà việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại quan trọng hơn nhiều so với nguy cơ lây truyền hay mắc các bệnh liên quan đến COVID-19.

7. Các khuyến nghị của WHO về nuôi con bằng sữa mẹ và COVID-19 nên được áp dụng trong bao lâu? 

Các khuyến nghị về chăm sóc và nuôi dưỡng con đối với những người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 nên được áp dụng trong thời gian mẹ có khả năng lây nhiễm khi có triệu chứng bệnh hoặc qua 14 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

8. Vì sao khuyến nghị dành cho mẹ và bé trong đó mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 có vẻ khác với các khuyến nghị dãn cách xã hội cho phần lớn dân số nói chung? 

Các khuyến nghị dãn cách xã hội dành cho người trưởng thành và trẻ lớn nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc với những người mắc COVID-19 không biểu hiện triệu chứng và qua đó hạn chế khả năng lây truyền virus. Phương pháp này sẽ làm giảm sự lây lan của COVID-19, giảm số người mắc bệnh nghiêm trọng. 

Mục đích của các khuyến nghị về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 là cải thiện sự sống, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Những khuyến nghị này xét đến nguy cơ của COVID-19 đối với trẻ sơ sinh, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong khi trẻ không được tiếp xúc da kề da với mẹ, không được bú sữa mẹ hoặc khi sữa công thức không đầy đủ, phù hợp. 

Nhìn chung, trẻ em có nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp. Trong số ít trường hợp nhiễm COVID-19 ở trẻ em, hầu hết trẻ chỉ bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ quan trọng hơn nhiều so với nguy cơ lây truyền hay mắc các bệnh liên quan đến COVID-19. 

9. Các cơ sở y tế có nên cung cấp sữa công thức miễn phí cho nhũ nhi khi mẹ của bé dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 không? 

Không nên tổ chức quyên góp hay phát sữa công thức cho nhũ nhi. Nếu trẻ cần, sữa nên được mua dựa trên nhu cầu đã qua đánh giá. Sữa công thức được quyên góp thường có chất lượng không ổn định, không đúng loại, không tương xứng với nhu cầu của trẻ, nhãn dán khác ngôn ngữ, không có các dụng cụ chăm sóc thiết yếu kèm theo, phân phối bừa bãi, không được đưa chính xác cho những ai thực sự cần, không được duy trì cũng như tốn nhiều thời gian và nguồn lực để giảm thiểu rủi ro.

10. Vì sao những khuyến nghị của WHO về sự tiếp xúc giữa mẹ-con và việc nuôn con bằng sữa mẹ khi mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 khác với khuyến nghị của một số tổ chức chuyên nghiệp và tổ chức quốc gia? 

Các khuyến nghị của WHO về sự tiếp xúc giữa mẹ-con và việc nuôn con bằng sữa mẹ không chỉ dựa trên cân nhắc kỹ lưỡng về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở trẻ mà còn xét đến nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong liên quan đến việc trẻ không được bú mẹ hoặc sử dụng sữa công thức không phù hợp, cũng như xem xét hiệu quả bảo vệ cho trẻ khi tiếp xúc da kề da và được bú sữa mẹ. 
Các khuyến nghị của các tổ chức khác có thể chỉ tập trung vào việc ngăn ngừa lây truyền COVID-19 mà không xem xét đầy đủ tầm quan trọng của việc cho trẻ tiếp xúc da kề da và được bú sữa mẹ.

https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/question-and-answers-hub/q-a-detail/q-a-on-covid-19-and-breastfeeding