Hỏi đáp các vấn đề thường gặp: Covid-19 và việc nuôi con bằng sữa mẹ - Phần 1

9 phút đọc /
Hỏi đáp các vấn đề thường gặp: Covid-19 và việc nuôi con bằng sữa mẹ - Phần 1Hỏi đáp các vấn đề thường gặp: Covid-19 và việc nuôi con bằng sữa mẹ - Phần 1 (news)

Lời nói đầu

Bản hướng dẫn tạm thời của WHO và phần hỏi đáp sẽ cung cấp những thông tin như sau:

  1. Bằng chứng về rủi ro lây truyền COVID-19 qua đường sữa mẹ
  2. Hiệu quả bảo vệ của việc nuôi con bằng sữa mẹ và tiếp xúc da kề da
  3. Tác hại khi cho nhũ nhi sử dụng sữa công thức không phù hợp

Nội dung những câu hỏi thường gặp cũng dựa trên các khuyến nghị khác của WHO về Nuôi dưỡng nhũ nhi và trẻ nhỏ (Infant and Young Child Feeding) và Hướng dẫn vận hành cho nhóm làm việc liên ngành về nuôi dưỡng nhũ nhi và trẻ nhỏ trong trường hợp khẩn cấp (Interagency Working Group Operational Guidance on Infant and Young Child Feeding in Emergencies). Đồng thời, tài liệu này cung cấp một biểu đồ hướng dẫn nhân viên y tế thực hiện các khuyến nghị như một phần của công việc hàng ngày trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe cộng đồng.

www.who.int/news-room/q-a-detail/q-a-on-covid-19-and-bTHERfeed

1. COVID-19 có thể lây truyền khi nuôi con bằng sữa mẹ không?

Cho đến nay, virus gây COVID-19 vẫn chưa được phát hiện trong sữa mẹ ở bất kỳ người mẹ nào đã xác định hay nghi ngờ nhiễm COVID-19. Do đó, dường như không có khả năng bệnh sẽ truyền qua khi nuôi con bằng sữa mẹ hoặc cho con dùng sữa từ người dương tính hay nghi nhiễm COVID-19. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục thử nghiệm sữa từ những người mẹ dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

2. Nếu sống ở cộng đồng nơi dịch COVID-19 lan rộng, có nên cho trẻ bú mẹ không?

Có. Trong bất kỳ điều kiện kinh tế-xã hội nào, nuôi con bằng sữa mẹ đều giúp cải thiện khả năng sống sót, có lợi cho sự phát triển và sức khỏe suốt đời của trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp cải thiện sức khỏe của người mẹ. Hơn nữa, hiện chưa phát hiện bằng chứng nào thể hiện sự lây truyền COVID-19 qua sữa mẹ. Do đó, không có lý do để tránh hoặc ngừng quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.

3. Sau khi sinh, có nên cho trẻ tiếp xúc da kề da và bú mẹ ngay lập tức nếu người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 không?

Có. Tiếp xúc da kề da, cho trẻ bú mẹ lập tức và liên tục, bao gồm chăm sóc trẻ theo phương pháp Kangaroo, giúp trẻ cải thiện khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và một số quá trình sinh lý khác, liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Để trẻ sơ sinh gần gũi mẹ và bắt đầu nuôi con bằng sữa mẹ từ sớm cũng làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, những lợi ích của việc tiếp xúc da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ quan trọng hơn nhiều so với nguy cơ lây truyền hay mắc các bệnh liên quan đến COVID-19.

4. Nếu người mẹ dương tính hay nghi nhiễm COVID-19 thì có nên tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ không?

Có. Nhiều bằng chứng cho thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi và trẻ nhỏ, đồng thời cải thiện sức khỏe và sự phát triển suốt đời cho trẻ dù sống ở bất kỳ khu vực địa lý, kinh tế nào.

Chưa có trường hợp nào lây truyền COVID-19 thông qua sữa mẹ và quá trình nuôi con bằng sữa mẹ được ghi nhận. Trong số ít trường hợp nhiễm COVID-19 ở trẻ em từ các nguồn bệnh khác, hầu hết trẻ chỉ biểu hiện bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Trong khi cho con bú, người mẹ vẫn nên thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn, bao gồm đeo khẩu trang y tế để giảm khả năng giọt bắn chứa virus lây sang trẻ.

5. Những khuyến nghị về vệ sinh dành cho người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 đang nuôi con bằng sữa mẹ là gì?

Nếu người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19, những việc nên làm bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch rửa tay chứa cồn, đặc biệt là trước khi chạm vào trẻ
  • Đeo khẩu trang y tế khi cho trẻ bú. Cần lưu ý:

    - Thay khẩu trang ngay khi chúng bị ẩm

    - Vứt khẩu trang ngay lập tức

    - Không sử dụng lại khẩu trang

    - Mở khẩu trang từ phía sau, không chạm vào mặt trước của khẩu trang

  • Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy, dùng xong vứt ngay lập tức. Sau đó sử dụng dung dịch rửa tay chứa cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
  • Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt

6. Nếu người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 nhưng không có khẩu trang y tế thì có nên tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ không?

Có. Nuôi con bằng sữa mẹ chắc chắn giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và phát triển trí não suốt đời cho trẻ. Những người mẹ có triệu chứng bệnh liên quan COVID-19 nên đeo khẩu trang y tế, tuy nhiên, ngay cả khi không thể đeo khẩu trang thì vẫn nên tiếp tục cho con bú. Các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay, vệ sinh các bề mặt, hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy cũng rất quan trọng.

Những loại không phải khẩu trang y tế (ví dụ: khẩu trang tự làm hoặc khẩu trang vải) chưa được đánh giá về hiệu quả. Tại thời điểm này, vẫn chưa thể kết luận nên khuyến khích hay phản đối sử dụng các loại khẩu trang này.

7. Đối với người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19, có nên vệ sinh vú trước khi cho con bú trực tiếp hoặc trước khi vắt sữa không?

Nếu người mẹ bị ho khiến giọt bắn dính lên ngực hoặc vú thì nên nhẹ nhàng vệ sinh vú bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây trước khi cho con bú.

Không cần thiết phải vệ sinh vú trước mỗi lần cho con bú hoặc trước khi vắt sữa.

8. Nếu người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 không thể nuôi con bằng sữa mẹ thì cách tốt nhất để nuôi trẻ sơ sinh, nhũ nhi là gì?

Những lựa chọn thay thế tốt nhất gồm:

  • Sữa mẹ vắt ra

    - Việc vắt sữa mẹ chủ yếu được thực hiện bằng tay, chỉ sử dụng máy hút sữa khi cần thiết. Thực hiện bằng tay hay bằng máy đều có thể mang lại hiệu quả như nhau.

    - Lựa chọn cách vắt sữa sẽ phụ thuộc vào sở thích của mẹ, thiết bị, điều kiện vệ sinh và chi phí.

    - Việc vắt sữa mẹ rất quan trọng vì giúp mẹ duy trì tạo sữa, có thể cho con bú trở lại khi mẹ hết bệnh.

    - Mẹ và bất kỳ người nào giúp đỡ mẹ vắt sữa đều nên rửa tay trước khi thực hiện hay trước khi chạm vào máy hút sữa, bình sữa. Đồng thời, cần đảm bảo vệ sinh máy hút sữa đúng cách sau mỗi lần sử dụng (xem câu hỏi 10 phía dưới).

    - Tốt nhất là nên cho trẻ uống sữa mẹ vắt ra bằng cốc và/hoặc thìa sạch (dễ vệ sinh hơn). Người đút sữa phải là người khiến trẻ cảm thấy thoải mái và không có dấu hiệu hoặc triệu chứng bệnh. Người mẹ, người chăm sóc nên rửa tay sạch trước khi đút sữa cho trẻ.

  • Sữa mẹ từ nguồn hiến tặng/ngân hàng sữa mẹ

    - Nếu người mẹ không thể hút sữa thì có thể sử dụng sữa từ ngân hàng sữa mẹ cho trẻ uống.

  • Trường hợp vắt sữa mẹ hoặc dùng sữa mẹ từ người hiến tặng không khả thi hoặc không có sẵn, hãy xem xét các phương án sau:

    - Cho trẻ bú sữa nhờ từ một người mẹ khác (xem câu hỏi 11 phía dưới)

    - Sử dụng sữa công thức, đảm bảo pha chế chính xác và an toàn.

9. Liệu có an toàn khi cho trẻ dùng sữa vắt ra từ người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19 không?

Có. Cho đến nay, virus gây COVID-19 chưa được phát hiện trong sữa mẹ của bất kỳ người mẹ nào dương tính hay nghi nhiễm COVID-19. Do đó, chưa có bằng chứng nào cho thấy virus lây truyền qua sữa khi nuôi con bằng sữa mẹ.

10. Đối với người mẹ dương tính hoặc nghi nhiễm COVID-19, khi vắt sữa có cần biện pháp gì để xử lý máy hút sữa, dụng cụ đựng sữa hay dụng cụ cho con bú không?

Ngay cả khi không có mối lo ngại về COVID-19 thì vẫn cần vệ sinh sạch sẽ máy hút sữa, dụng cụ đựng sữa và dụng cụ cho trẻ bú sau mỗi lần sử dụng.

  • Rửa máy hút, dụng cụ đựng sữa sau mỗi lần sử dụng bằng xà phòng lỏng, chẳng hạn nước rửa chén và nước ấm. Sau đó rửa sạch lại bằng nước nóng trong 10-15 giây.
  • Một số bộ phận của máy hút sữa có thể được đặt ở giá trên cùng của máy rửa chén (nếu có dùng máy rửa chén). Kiểm tra kỹ hướng dẫn trước khi thực hiện.